Báo động đỏ từ đại dương: Hơn 84% rạn san hô toàn cầu đang bị tẩy trắng
Một cuộc khủng hoảng môi trường nghiêm trọng đang lan rộng khắp các đại dương, khi hơn 84% diện tích rạn san hô trên thế giới bị ảnh hưởng bởi hiện tượng tẩy trắng hàng loạt – đợt dữ dội nhất từng được ghi nhận trong lịch sử.
Mới đây, các nhà khoa học cảnh báo một cuộc khủng hoảng môi trường chưa từng có đang diễn ra khi có hơn 84% diện tích rạn san hô trên toàn thế giới bị ảnh hưởng bởi hiện tượng tẩy trắng hàng loạt.
Được ghi nhận là đợt tẩy trắng lớn nhất và dữ dội nhất trong lịch sử, sự kiện này diễn ra từ đầu năm 2023 và vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Hiện tượng tẩy trắng xảy ra khi nhiệt độ đại dương tăng cao khiến san hô đẩy tảo cộng sinh - nguồn cung cấp màu sắc và dinh dưỡng, ra khỏi cơ thể, khiến chúng chuyển sang màu trắng và trở nên dễ chết.
San hô vốn được xem là "rừng mưa nhiệt đới dưới đại dương", là nơi cư ngụ của khoảng 1/3 các loài sinh vật biển và mang lại sinh kế cho khoảng 1 tỷ người trên khắp thế giới.
Tuy nhiên, những đợt nắng nóng kéo dài và diện rộng đã gây tổn thương nghiêm trọng đến các rạn san hô ở Thái Bình Dương, Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương, nhiều nơi trong số đó đã chết hàng loạt.
Tiến sĩ Derek Manzello, Giám đốc chương trình Coral Reef Watch, cho biết: "Việc nhiều khu vực rạn san hô bị ảnh hưởng, bao gồm cả những nơi từng được xem là vùng trú ẩn an toàn như quần đảo Raja Ampat và vịnh Eilat, cho thấy đại dương đã nóng lên đến mức gần như không nơi nào thoát khỏi hiện tượng tẩy trắng".
Dữ liệu cho thấy 84% rạn san hô trên toàn cầu đã chịu nhiệt độ đủ để xảy ra hiện tượng tẩy trắng trong đợt này, một con số cao hơn nhiều so với 68% trong đợt tẩy trắng toàn cầu lần thứ ba (2014–2017), 37% vào năm 2010 và chỉ 21% trong đợt đầu tiên vào năm 1998.
Rạn san hô Great Barrier, hệ thống rạn lớn nhất thế giới tại Australia, đã ghi nhận đợt tẩy trắng diện rộng thứ 6 chỉ trong vòng 9 năm. Một Di sản thế giới khác của Australia, rạn Ningaloo, cũng trải qua mức nhiệt cao nhất từng được ghi nhận trong những tháng gần đây.
Tình trạng tương tự cũng được báo cáo tại Madagascar, vùng ven biển Đông Phi và công viên đất ngập nước iSimangaliso ở Nam Phi – một Di sản thế giới khác.
Tiến sĩ Britta Schaffelke, nhà khoa học thuộc Viện Khoa học biển Australia và điều phối viên Mạng lưới giám sát rạn san hô toàn cầu (GCRMN), nhận định: "Các rạn san hô chưa từng trải qua điều gì như thế này. Sự kiện hiện tại đang đẩy hệ sinh thái san hô toàn cầu vào một ngưỡng chưa từng được khám phá".
Bà cũng lưu ý rằng việc theo dõi đầy đủ mức độ ảnh hưởng của hiện tượng này gần như vượt quá khả năng của con người. Báo cáo tổng hợp của GCRMN, dự kiến công bố vào năm 2026, có thể sẽ không phản ánh đầy đủ tác động mà hệ sinh thái san hô đang phải gánh chịu.
Tại Bắc và Trung Mỹ, bao gồm Florida, Caribe và Mexico, tình trạng tẩy trắng nghiêm trọng đã được phát hiện ngay từ mùa hè năm 2023. Dù san hô có khả năng phục hồi nếu nhiệt độ hạ xuống trong thời gian ngắn, nhưng khảo sát cho thấy nhiều khu vực đã chứng kiến san hô chết hàng loạt.
Tại Florida, trung bình cứ 5 rạn thì có 1 rạn bị mất. Ở bờ Thái Bình Dương của Mexico, có nơi mất tới 93% san hô. Quần đảo Chagos ở trung tâm Ấn Độ Dương ghi nhận gần 1/4 số san hô chết vì nhiệt độ cao trong năm 2024.
Phía bắc rạn Great Barrier thậm chí được ví như "nghĩa địa san hô", sau đợt tẩy trắng đầu năm 2024 khiến 40% san hô ở khu vực phía nam bị chết. Coral Reef Watch đã phải bổ sung thêm 3 cấp cảnh báo mới nhằm phản ánh mức độ căng thẳng nhiệt chưa từng thấy mà các rạn san hô đang phải đối mặt.
Theo các chuyên gia, biến đổi khí hậu do con người gây ra, đặc biệt là lượng khí nhà kính phát thải từ việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch, là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hiện tượng tẩy trắng san hô quy mô lớn.
Năm 2024 được ghi nhận là năm nóng nhất trong lịch sử với nhiệt độ đại dương tăng mạnh, tạo điều kiện thuận lợi cho các đợt tẩy trắng lan rộng chưa từng có.
Trước mức độ nghiêm trọng của tình hình, NOAA đã buộc phải bổ sung 3 cấp độ mới vào hệ thống cảnh báo tẩy trắng san hô nhằm phản ánh chính xác nguy cơ san hô chết hàng loạt trong giai đoạn hiện nay.
Các chuyên gia cảnh báo rằng nếu nhiệt độ toàn cầu tăng thêm 1,5 độ C - một ngưỡng có thể bị vượt qua vào đầu thập kỷ tới, khoảng 70-90% rạn san hô sẽ biến mất. Nếu con số này lên tới 2 độ C, gần như toàn bộ rạn san hô trên Trái đất sẽ không còn tồn tại.
Rạn san hô không chỉ là nơi cư trú của hàng triệu sinh vật biển mà còn đóng vai trò sống còn đối với hàng trăm triệu người dân ven biển, cung cấp thực phẩm, sinh kế và bảo vệ trước thiên tai. Nếu tình trạng hiện tại tiếp diễn, thiệt hại về sinh thái và kinh tế sẽ không thể đong đếm được.