(Moitruong.net.vn) – “Điều tra Quốc gia về vị thành niên và thanh niên Việt Nam lần 2 năm 2010 (SAVY 2) khi tiến hành với 10.444 vị thành niên, thanh niên từ 14-25 tuổi trên cả nước cho thấy: Có đến 4,1% vị thành niên, thanh niên đã từng có ý nghĩ tự tử. Trong đó, có 25% đã từng tự tử, 73% trầm cảm và 7,5% có những hành động làm đau bản thân. Tỷ lệ này cao hơn gấp đôi so với 5 năm trước”.
Tình trạng tự tử ở trẻ vị thành niên tại Việt Nam ngày càng gia tăng. Ảnh minh họa (Nguồn: Pixabay)
Tự tử vì chán cuộc sống gia đình, tự tử vì người yêu, tự tử vì bị bạn bè tẩy chay, tự tử vì chuyện học hành…đã trở thành những từ khóa được xuất hiện khá nhiều trên các trang mạng xã hội trong thời gian gần đây. Không biết từ bao giờ, chuyện tự tử đã trở thành biện pháp “phổ cập” khiến nhiều trẻ vị thành niên chọn để giải quyết vấn đề. Tôi đã có cuộc trao đổi với chuyên gia tâm lý: Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Duy (Trung tâm đào tạo và chăm sóc tinh thần Ý tưởng Việt) xung quanh vấn đề này.
Làm gì khi trẻ có ý định tự tử?
Xin chào anh. Gần đây, hiện tượng tự tử ở trẻ vị thành niên bỗng trở nên phổ biến và liên tiếp diễn ra khiến dư luận vô cùng lo ngại. Anh có thể cho biết những dấu hiệu nhận biết trẻ vị thành niên có vấn đề về tâm lý và có ý định tự tử ?
Tùy theo đặc điểm tâm sinh lý và vấn đề gặp phải mà trẻ sẽ có những dấu hiệu cho ý định tự sát khác nhau. Tuy nhiên các bậc phụ huynh và giáo viên cần lưu ý đến những dấu hiện điển hình như sau: trẻ lo âu, ít nói, không muốn giao tiếp với người khác, ăn ít hoặc ăn nhiều cách bất thường, mất ngủ trong một thời gian dài, thỉnh thoảng đề cập đến chuyện chết chóc, chia li, nhắn nhủ người ở lại…
Vậy khi phát hiện các trẻ có vấn đề về tâm lý và muốn tự tử, chúng ta cần làm gì thưa anh?
Khi phát hiện trẻ có những dấu hiệu như đề cập ở trên, chúng ta cần tích cực tươi cười, tìm cách nói chuyện, khích lệ người ấy bày tỏ suy nghĩ, cảm xúc của bản thân qua những hoạt động dạng như đi Karaoke, vẽ tranh, nghe nhạc, đi picnic, mua sắm, chơi thể thao,…Ngoài ra, cần tìm hiểu nguyên nhân khiến người ấy rơi vào trạng thái tiêu cực để tìm cách hỗ trợ. Bên cạnh đó việc giám sát cách khéo léo và thường xuyên, tranh trường hợp để người ấy một mình là cần thiết để hạn chế sự nguy hiểm. Và nếu được thì nên tìm cách để đưa người thân đến gặp các chuyên gia tâm lý để được hỗ trợ hữu hiệu hơn.
Đừng bỏ lỡ thông điệp của trẻ
Tình trạng tự tử ở trẻ vị thành niên ngày càng gia tăng, có phải bắt nguồn từ sự thiếu kinh nghiệm xử trí khi gặp vấn đề khúc mắc trong cuộc sống hay còn nguyên nhân nào khác thưa anh?
Theo tôi, nguyên nhân để các bạn trẻ tìm đến tự sát để giải thoát khi gặp khó khăn thì có nhiều nhưng ta có thể tạm chia thành hai nhóm: khách quan và chủ quan.
Khách quan là các nguyên nhân như áp lực học tập, công việc trong xã hội hiện nay khá nặng, cha mẹ thì quá ít thời gian để chăm sóc và sẻ chia cùng con cái khi con trẻ gặp khó khăn đồng thời có nhiều phụ huynh lại quá kỳ vọng vào con vô hình chung một lần nữa tạo nên gánh nặng tâm lý cho con cái. Trẻ thiếu những định hướng tích cực từ người lớn và xã hội, các gương về nghị lực vượt khó chưa được truyền thông và xã hội phổ biến.
Bên cạnh đó là các tin tức về các thần tượng âm nhạc và điện ảnh trong và ngoài nước tự sát được lan truyền mạnh mẽ cũng góp phần dẫn các em đến xu hướng chọn lựa tự sát là phương án để giải thoát khó khăn.
Xét về mặt chủ quan thì đặc điểm tâm lý của trẻ vị thành niên chưa thực sự ổn định, dễ bốc đồng và có những suy nghĩ bồng bột. Ngoài ra, lối sống tiện nghi khiến nội lực và sức đề kháng của các em trước những sóng gió cuộc đời không đủ mạnh nên khi gặp khó khăn thì các em dễ buông xuôi và tìm đến tự sát để giải thoát.
Là một chuyên gia tâm lý từ lâu, chắc chắn anh đã tiếp xúc với nhiều trường hợp. Anh có thể chia sẽ một vài “ca khó” mà anh nhớ nhất?
Tôi gặp khá nhiều trường hợp học sinh có ý định hoặc đã thực hiện hành vi tự sát. Đa phần là các em cuối cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông. Có một trường hợp tôi mới gặp gần đây đó là trường hợp một học sinh nam lớp 12 cắt tay để tự sát. May mắn là em được người thân phát hiện và cấp cứu kịp thời. Việc cứu mạng sống không quá khó nhưng để phục hồi vết thương về tâm lý của nam học sinh này thì qủa rất khó khăn và phức tạp vì em gặp quá nhiều vấn đề như chia tay bạn gái, tụt dốc trong học tập, không theo kịp tiến độ học tập của các bạn trong lớp và đặc biệt là cha mẹ em đã ly hôn nên không có sự quan tâm, chăm sóc dành cho em.
Chuyên gia tâm lý – Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Duy
Hãy dạy con trẻ biết đương đầu
Có thể nói cha mẹ là người gần gũi con nhiều nhất, giáo dục con tỷ mỉ nhất, toàn diện nhất; đồng thời cha mẹ cũng là người nắm bắt đời sống tinh thần, tâm lý của con mình rõ nhất. Vậy theo anh các bậc phụ huynh cần làm gì, có trách nhiệm cũng như kỹ năng gì trong vấn đề quan tâm đến tinh thần, tâm lý của con em mình?
Cha mẹ có vai trò rất quan trọng trong đời sống tâm lý của con cái. Vậy nên để hạn chế những ý định tự sát nơi con trẻ, phụ huynh cần biết cách đặt mục tiêu học tập phù hợp với sức của con, tránh tình trạng chạy đua thành tích mà tạo ra sự kỳ vọng quá lớn khiến con bị áp lực. Bên cạnh đó, cha mẹ cần có thái độ tôn trọng trong giao tiếp với con cái đặt biệt là với tuổi vị thành niên. Tránh việc áp đặt, độc đoán, cưỡng ép con cái theo ý của mình.
Bên cạnh đó, kỹ năng chia sẻ, nói chuyện, giám sát thông minh và động viên con cái là rất cần thiết cho mỗi phụ huynh khi có con trong độ tuổi vị thành niên. Ngoài ra, phụ huynh cần rèn cho con tính cần cù, chịu khó và tinh thần nghị lực ngay từ nhỏ để con có sức đề kháng về tinh thần khi đối diện với những khó khăn trong cuộc sống khi lớn lên.
Vậy anh có lời khuyên gì để giúp các bạn trẻ có thể tự vượt qua các vấn đề về tinh thần, tâm lý của bản thân mình mỗi khi bị áp lực, bất mãn…?
Các bạn trẻ cần nhờ rằng “gươm có mài mới sắc, ngọc có dũa mới đẹp”. Vậy nên hãy nhìn nhận những khó khăn trong cuộc sống là điều cần thiết để các bạn đẹp và trưởng thành hơn. Và mỗi vấn đề các bạn gặp phải luôn có tính hai mặt hãy tìm ra mặt tích cực của nó. Ngoài ra, có một nguyên tắc mà các bạn cần nhớ là “không có gì là không thể” tất cả các vấn đề đều có thể giải quyết điều quan trọng là nó đã đúng thời điểm, đúng phương pháp và tìm đúng nguồn lực hỗ trợ hay chưa mà thôi.
Nguyên tắc thứ 2 là không nên hành động hay quyết định gì khi các bạn đang chán nản, suy nghĩ tiêu cực hoặc nóng giận. Vì sau này các bạn sẽ hối tiếc về điều đó và thậm chí là không còn cơ hội để hối tiếc. Hãy thường xuyên chia sẻ, giao lưu với cha mẹ, bạn bè, tích cực tham gia các hoạt động đội nhóm, thể dục thể thao và thường xuyên tự rèn luyện nghị lực cho bản thân bằng cách cố gắng làm tốt hơn một chút những việc thường nhật trong cuộc sống.
Cảm ơn chuyên gia!
Kim Dung