Môi trường đô thị

Bảo dưỡng, kiểm soát an toàn cầu đường chạy qua TP Đà Nẵng trong mùa mưa bão

Thùy Minh 21/09/2024 09:30

Khu Quản lý đường bộ III (QLĐB III - Cục Đường bộ Việt Nam) yêu cầu các đơn vị quản lý, nhà thầu tăng cường kiểm tra, bảo dưỡng cầu trên các tuyến quốc lộ ở miền Trung - Tây Nguyên, trong đó có các cầu qua địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Khu Quản lý đường bộ III (Cục Đường bộ Việt Nam), toàn Khu QLĐB III hiện có 945 cầu, trong đó đơn vị trực tiếp quản lý 576 cầu; 22 cầu giao cho các ban quản lý dự án và các nhà đầu tư BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao); riêng Tổng công ty Đầu tư Phát triển đường cao tốc quản lý bảo trì 347 cầu.

Để kịp thời xử lý các hư hỏng trên tuyến, đặc biệt là hạ tầng cầu đường nhằm bảo đảm an toàn giao thông, duy trì tuổi thọ của công trình và khả năng khai thác của các tuyến quốc lộ, Khu QLĐB III đã yêu cầu đơn vị quản lý, nhà thầu tăng cường công tác kiểm tra, bảo dưỡng khai thác công trình trên tuyến.

Theo đó, để bảo đảm an toàn cầu, không xảy ra các sự cố ảnh hưởng đến công trình và lưu thông, nhất là tình trạng xói lở, hư hỏng kết cấu móng mố, trụ cầu, Khu QLĐB III yêu cầu tập trung theo dõi kiểm tra định kỳ, trước, sau mùa mưa lũ đối với 100% cầu trên các tuyến thuộc Khu QLĐB III quản lý. Đáng chú ý là những cầu vượt sông có tình trạng khai thác cát lòng sông làm thay đổi dòng chảy, dẫn đến suy giảm khả năng chịu lực của móng cọc.

cau-duong.png
Cục Đường bộ Việt Nam chỉ ra 6 nội dung cần khắc phục trên tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi - Ảnh: Trường Trung

Đối với địa bàn thành phố Đà Nẵng có các tuyến quốc lộ có các cầu như Nam Ô, ngã ba Huế, Hòa Cầm, cầu Tuyên Sơn. Ngoài ra, Đà Nẵng còn có hàng chục cầu bắc qua sông Hàn, sông Cu Đê, sông Cổ Cò… Nhằm tăng cường hiệu quả công tác rà soát, kiểm tra, bảo dưỡng, Khu QLĐB III cũng đề nghị các nhà thầu, doanh nghiệp dự án tăng cường phối hợp với Trung tâm Kỹ thuật Đường bộ 3 (Khu QLĐB III) để được hỗ trợ tăng cường nhân lực chuyên môn, kinh nghiệm. Trong quá trình kiểm tra, chú ý hạ tầng loại cầu có kết cấu dự ứng lực bê- tông cốt thép có bố trí bản liên tục nhiệt/đầu dầm ngang được cứng hóa giữa các nhịp (điển hình như cầu Đà Rằng Km1335+544, cầu Bàn Thạch Km1344+770… trên quốc lộ 1A qua tỉnh Phú Yên); kiểm tra gối cầu (phình, xẹp xô lệch, dịch chuyển…).

Đối với cầu dầm bê-tông cốt thép dự ứng lực cần lưu ý kiểm tra bê tông đầu các dầm (nứt, nước thâm nhập gây ố, bong…). Đối với cầu có độ võng kết cấu nhịp lớn (điển hình như cầu Gia Hựu Km1126+378... trên quốc lộ 1 qua tỉnh Bình Định, rung lắc mạnh khi có xe tải trọng nặng) cần phải tăng cường theo dõi. Đối với cầu dầm, bản đã sửa chữa với giải pháp dán tấm sợi FRP tăng cường cần lưu ý kiểm tra phát hiện tấm dán sợi có dấu hiệu phình, rộp hoặc đổi màu khác biệt so với phần dán còn lại...

Đối với các cầu có kết cấu thân trụ dạng cọc khía bằng thép cần lưu ý bố trí thợ lặn để kiểm tra bằng phương pháp lặn để phát hiện các hư hỏng của phần cọc trong phạm vi thường xuyên ngập trong nước, ảnh hưởng mực nước lên xuống.

Đối với các cầu ở khu vực có mặt cắt lòng sông có dấu hiệu thay đổi (xói lở lòng sông do khai thác cát, thay đổi dòng chảy...) tập trung thực hiện quan trắc, theo dõi cao độ lòng sông; tìm hiểu nguyên nhân và đưa vào danh sách theo dõi thường xuyên để phát hiện, xử lý kịp thời bảo đảm an toàn công trình nhất là ngăn ngừa xói lở đối với các cầu có móng trụ hệ cọc ma sát. Đối với các cầu ở khu vực lòng sông có dòng chảy không ổn định: lưu ý kè hướng dòng chảy dọc ven bờ và ven dọc taluy đường 2 đầu cầu nguy cơ xói lở.

Đối với các cầu xuất hiện hư hỏng trong phạm vi trách nhiệm của đơn vị bảo dưỡng thường xuyên (như bong tróc bê-tông khe co giãn, hư hỏng bong tróc lớp bê-tông dầm cầu, lún đường hai đầu cầu vượt giới hạn cho phép, bổ sung mỡ vào gối cầu chống rỉ…), các Văn phòng QLĐB chỉ đạo nhà thầu triển khai ngay các giải pháp khắc phục thích hợp để bảo đảm ổn định khai thác, duy trì an toàn giao thông và an toàn công trình cầu...

Đối với các cầu có mật độ lưu lượng xe tải vận chuyển vật liệu lớn như gần các khu vực có mỏ đá, mỏ đất, cảng, nơi tập kết vật liệu, khu sản xuất, dịch vụ logistics… Văn phòng QLĐB cần thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, tổ chức ngăn chặn tình trạng xe quá tải, tình trạng xe chở rơi vãi vật liệu, mang đất bụi bẩn ra tuyến đường lưu thông gây ô nhiễm môi trường và mất an toàn giao thông.

Trước đó, theo báo cáo của Khu Quản lý đường bộ III qua kiểm tra hiện trường ngày 23/7/2024, tuyến cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi còn các tồn tại trong công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên và nhiều hạng mục hư hỏng công trình gây mất an toàn giao thông chưa được khắc phục.

Cục Đường bộ Việt Nam cũng đã đề nghị Tổng Công ty phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) rà soát toàn bộ mặt đường trên tuyến cao tốc, khắc phục ngay các vị trí mặt đường bị ổ gà, bong tróc, hằn lún vệt bánh xe, lún võng đường dẫn hai đầu cầu tiềm ẩn mất an toàn giao thông; đánh giá lại toàn tuyến sau quá trình khai thác để đảm bảo khai thác tốc độ an toàn. Phát quang cây cỏ, nạo vét cống rãnh, sửa chữa hệ thống an toàn giao thông thiếu hoặc hư hỏng không đảm bảo quy chuẩn QCVN41: 2019/BGTVT về biển báo, đinh phản quang, vạch sơn bị mờ…

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Bảo dưỡng, kiểm soát an toàn cầu đường chạy qua TP Đà Nẵng trong mùa mưa bão