Bảo tồn đa dạng sinh học để phát triển bền vững

Hoàng Anh|08/11/2022 14:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH) có ý nghĩa rất quan trọng cho mục tiêu phát triển bền vững. Tuy nhiên, để thực hiện nhiệm vụ này không dễ dàng, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu (BĐKH) hiện nay.

Đa dạng sinh học đang bị đe dọa nghiêm trọng

Nhưng vài năm trở lại đây, nhiều hồ nuôi tôm, cá, bãi ngao xuất hiện, rồi các hoạt động kinh tế khiến môi trường bị ô nhiễm, không gian sống bị thu hẹp, khiến lượng thủy sản trong tự nhiên giảm mạnh, ảnh hưởng lớn đến thu nhập của người dân.

Cùng với đó, các hoạt động chăn nuôi thiếu khoa học cũng gây tác hại lớn đến ĐDSH. Các cơ sở gây nuôi động vật hoang dã (ĐVHD) vì mục đích thương mại cũng khiến ĐDSH bị ảnh hưởng do nguồn gen bị lai tạp. Ví dụ, việc phát triển quá mức các cơ sở gây nuôi lấy thịt là nguyên nhân chính khiến loài cá sấu Xiêm trong tự nhiên ở Việt Nam đã tuyệt chủng. Theo Liên minh Quốc tế Bảo tồn thiên nhiên và tài nguyên thiên nhiên (IUCN), khoảng 1 triệu loài thực vật và động vật trên thế giới hiện đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng. Tại Việt Nam, tuy đã có nhiều nỗ lực từ chủ trương, chính sách đến hành động thực tế, nhưng ĐDSH của nước ta vẫn đang bị đe dọa nghiêm trọng. Trong đó, ĐDSH các hệ sinh thái, ĐDSH các loài, ĐDSH gen di truyền đều đang suy thoái nhanh cả về số lượng và chất lượng. Ngoài các nguyên nhân do BĐKH và thời tiết cực đoan đã được ghi nhận thì các nguyên nhân gây suy thoái khác đều do con người gây ra.

da-dang-sinh-hoc-2-.jpg
Khoảng 1 triệu loài thực vật và động vật trên thế giới hiện đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng

Công tác quản lý các hệ sinh thái tự nhiên, đặc biệt là các hệ sinh thái rừng trên cạn hiện nay ở nước ta chưa hiệu quả. Ở nhiều địa phương vẫn diễn ra các hoạt động chặt phá rừng trái phép. Tuy từ năm 2005 đến 2017, diện tích rừng đã tăng từ 34,6% tới 41,45% do được trồng và cải tạo tự nhiên, nhưng diện tích rừng tự nhiên đến năm 2017 chỉ còn 2,8 triệu ha, từ mức 12 triệu ha năm 1945. Trung bình mỗi tháng, cả nước ghi nhận hơn 800 vụ vi phạm pháp luật liên quan đến bảo vệ rừng. Bên cạnh đó, ở các vùng ven biển, ven các đảo lớn gần bờ còn có sự xung đột giữa phát triển kinh tế-xã hội và bảo tồn thiên nhiên. Chất thải từ các nhà máy, khu công nghiệp, hoạt động du lịch, rác thải nhựa... đã gây ô nhiễm môi trường, tác động tiêu cực, làm giảm diện tích các hệ sinh thái đất ngập nước ven biển và vùng biển ven bờ. Năm 1943, tổng diện tích rừng ngập mặn là 400.000ha thì hiện chỉ còn 155.000ha, trong đó rừng nguyên sinh chiếm tỷ lệ rất thấp. Diện tích các rạn san hô năm 2001 là 110.000ha, đến năm 2010 chỉ còn 14.000ha, chất lượng các rạn kém, nhiều loài đã chết. Ở nhiều khu bảo tồn nước mặn, hình thức nuôi trồng thủy, hải sản cũng làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái.

Mặc dù đã có hệ thống các văn bản xử lý vi phạm quy định bảo vệ môi trường ở các mức độ khác nhau, từ bồi thường thiệt hại, phạt, xử lý vi phạm hành chính và cả hình sự, tuy nhiên, các chế tài chưa đủ sức răn đe do còn nhiều bất cập trong việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật.

Thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cho thấy, tuy được ghi nhận là một trong 16 quốc gia có tính ĐDSH cao trên thế giới nhưng qua hai lần điều tra năm 1992 và năm 2007, số lượng các loài được ghi trong Sách đỏ của Việt Nam đã tăng lên 1,5 lần. Trong đó, thực vật có 37 loài rất nguy cấp, 178 loài nguy cấp; động vật có 4 loài tuyệt chủng, 5 loài tuyệt chủng trong thiên nhiên, 48 loài rất nguy cấp và 113 loài nguy cấp. Số lượng các giống, chủng động vật, thực vật được nuôi trồng phục vụ sản xuất nông, lâm, thủy sản, y tế… đã mất đi khá nhanh, trong số này có nhiều giống quý. Cùng với đó, lực lượng cán bộ làm công tác bảo tồn ĐDSH còn thiếu và yếu. Nguồn lực tài chính bảo đảm thực thi quản lý nhà nước về hệ sinh thái nói riêng và ĐDSH nói chung còn hạn chế.

da-dang-sinh-hoc-3-.jpg
Việc đầu tư ngân sách cho công tác đánh giá tác động đa dạng sinh học còn hạn chế

Việc đánh giá tác động đa dạng sinh học nhằm xác định các yếu tố đa dạng sinh học trong các giai đoạn thực hiện để giảm thiểu các tác động tiêu cực của dự án đến đa dạng sinh học và thúc đẩy các giải pháp bảo tồn đa dạng sinh học, sử dụng bền vững và chia sẻ công bằng lợi ích đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường trong quá trình thực hiện các dự án có ảnh hưởng đến ĐDSH.

Luật BVMT 2020 cũng quy định rõ nội dung của báo cáo ĐTM phải nhận định, đánh giá hệ thực, động vật, xem xét đến mối quan hệ giữa sinh vật với hệ sinh thái. Đánh giá mức độ tác động ĐDSH đến khu vực, đến hệ sinh thái, đến hiện trạng sử dụng và sự can thiệp về sự bảo tồn đa dạng sinh học. Đặc biệt, báo cáo ĐTM phải đánh giá, nhận dạng các sự cố môi trường có thể xảy ra; đánh giá sự phù hợp của dự án đầu tư với quy hoạch BVMT quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy định của pháp luật về BVMT và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Tuy nhiên, hiện nay công tác đánh giá tác động đa dạng sinh học còn một số hạn chế như chất lượng báo cáo còn phụ thuộc vào chủ đầu tư, đơn vị tư vấn, loại hình dự án, nguồn lực thực hiện, hội đồng, cơ quan thẩm định. Có những trường hợp quá trình đánh giá tác động đa dạng sinh học chưa dự báo đúng mức, chưa lường trước các vấn đề môi trường nhạy cảm, phức tạp của dự án. Việc đầu tư ngân sách cho công tác đánh giá tác động đa dạng sinh học còn hạn chế, chưa có đủ kinh phí để xây dựng cơ sở dữ liệu về ĐDSH.

Cùng với đó, các thông tin dữ liệu về ĐDSH trên phạm vi toàn quốc còn tản mạn, không đầy đủ và thiếu hệ thống. Chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa chủ dự án và tư vấn. Nhiều trường hợp chủ dự án đã giao khoán, phó mặc cho tư vấn thực hiện đánh giá tác động đa dạng sinh học, trong khi trách nhiệm pháp lý đối với nội dung báo cáo ĐTM là thuộc chủ dự án.

Ngoài ra, Việt Nam cũng chưa áp dụng hệ thống cấp Chứng chỉ hành nghề tư vấn ĐTM và có tới khoảng 80% các đơn vị tư vấn không có chuyên gia về ĐDSH tham gia.

Tiêu chí bảo tồn đa dạng sinh học


Mới đây, Bộ TN&MT vừa hoàn thành Dự thảo Báo cáo Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để trình Chính phủ phê duyệt.

Theo đó, Dự thảo Báo cáo đưa ra các chỉ tiêu quy hoạch đối với phân vùng môi trường; các khu xử lý chất thải rắn, chất thải nguy hại tập trung; thiết lập khu vực bảo vệ, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; thiết lập mạng lưới quan trắc và cảnh báo môi trường quốc gia, liên tỉnh và tỉnh.

Cụ thể, phân các vùng có yếu tố nhạy cảm về môi trường dễ bị tổn thương trước tác động của ô nhiễm môi trường trên phạm vi cả nước thành vùng bảo vệ nghiêm ngặt, vùng hạn chế phát thải và vùng khác.

Về tiêu chí phân vùng môi trường thống nhất trên phạm vi cả nước, căn cứ theo tiêu chí xác định nhạy cảm môi trường đối với các đối tượng quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 22 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật bảo vệ môi trường.

Đối với việc thiết lập khu vực bảo vệ, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, sẽ chuyển tiếp 178 khu bảo tồn, chuyển hạng 01 khu bảo tồn và thành lập mới 104 khu bảo tồn với diện tích khoảng 3.945.585,4 ha (trên đất liền: 3.468.071,6 ha; vùng biển: 477.513,9 ha); chuyển tiếp 07 cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học; xác nhận và thành lập mới 40 cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học; chuyển tiếp 03 hành lang đa dạng sinh học và thành lập mới 9 hành lang đa dạng sinh học, với diện tích khoảng 605.307 ha; thành lập 32 khu vực đa dạng sinh học cao với diện tích khoảng 6.731.747,9 ha; thành lập 28 cảnh quan sinh thái quan trọng với diện tích khoảng 5.535.645,6 ha; đưa vào danh mục 28 vùng đất ngập nước quan trọng để quản lý với tổng diện tích khoảng 339.027 ha.

da-dang-sinh-hoc-1-.jpg
Bảo tồn đa dạng sinh học là trách nhiệm của Nhà nước và mọi tổ chức, cá nhân

Đối với xử lý chất thải rắn, chất thải nguy hại tập trung, ở cấp quốc gia sẽ hình thành 03 khu xử lý chất thải rắn, chất thải nguy hại tập trung liên vùng ở 03 miền (miền Bắc, miền Trung, miền Nam). Đối với cấp vùng, hình thành 08 khu xử lý chất thải rắn, chất thải nguy hại tập trung cấp vùng tại 6 vùng kinh tế - xã hội. Đối với cấp liên tỉnh; khuyến khích hình thành các khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt tập trung cấp liên tỉnh khi khoảng cách vận chuyển chất thải từ khu vực thu gom tới các khu xử lý vượt quá 60 km nhằm giảm thời gian vận chuyển, giảm ô nhiễm môi trường, giảm chi phí vận chuyển, giảm chi phí xử lý trên cơ sở thỏa thuận giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

Với thiết lập mạng lưới quan trắc và cảnh báo môi trường quốc gia, liên tỉnh và tỉnh, sẽ tiếp tục quản lý và triển khai thống nhất, đồng bộ hệ thống quan trắc môi trường đất tác động tại các trạm thuộc mạng lưới quan trắc môi trường quốc gia do Bộ NN&PTNT thực hiện. 100% hệ thống sông lớn xuyên quốc gia, liên vùng và liên tỉnh (13 hệ thống sông lớn: Kỳ Cùng - Bằng Giang, Cầu, Hồng - Thái Bình, Mã, Cả, Ba, Vu Gia - Thu Bồn, Trà Khúc, Sê San, Srêpốk, Đồng Nai, Mekong) có hệ thống quan trắc môi trường nước mặt tự động, liên tục và định kỳ; Xây dựng và vận hành trạm quan trắc tự động, liên tục tại 09 hồ chứa và các điểm quan trắc định kỳ tại 33 hồ chứa lớn quan trọng trên cả nước. Đồng thời, xây dựng và vận hành 08 trạm quan trắc môi trường không khí nền định kỳ tại 6 vùng kinh tế - xã hội; Xây dựng hoàn thiện và vận hành hiệu quả mạng lưới trạm quan trắc môi trường không khí tác động, liên tục ở 02 đô thị đặc biệt và các đô thị loại I…

Một số quy định của Luật đa dạng sinh học


Một số quy định về nguyên tắc, hành vi bị nghiêm cấm, quy định về bảo tồn và phát triển bền vững hệ sinh thái tự nhiên, quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân sinh sống hợp pháp trong khu bảo tồn, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân có hoạt động hợp pháp trong khu bảo tồn và phát triển bền vững các hệ sinh thái tự nhiên như sau:

Nguyên tắc bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học


Bảo tồn đa dạng sinh học là trách nhiệm của Nhà nước và mọi tổ chức, cá nhân. Kết hợp hài hòa giữa bảo tồn với khai thác, sử dụng hợp lý đa dạng sinh học; giữa bảo tồn, khai thác, sử dụng hợp lý đa dạng sinh học với việc xóa đói, giảm nghèo. Bảo tồn tại chỗ là chính, kết hợp bảo tồn tại chỗ với bảo tồn chuyển chỗ. Tổ chức, cá nhân hưởng lợi từ việc khai thác, sử dụng đa dạng sinh học phải chia sẻ lợi ích với các bên có liên quan; bảo đảm hài hoà giữa lợi ích của Nhà nước với lợi ích của tổ chức, cá nhân. Bảo đảm quản lý rủi ro do sinh vật biến đổi gen, mẫu vật di truyền của sinh vật biến đổi gen gây ra đối với đa dạng sinh học.

Những hành vi bị nghiêm cấm về đa dạng sinh học

Săn bắt, đánh bắt, khai thác loài hoang dã trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của khu bảo tồn, trừ việc vì mục đích nghiên cứu khoa học; lấn chiếm đất đai, phá hoại cảnh quan, hủy hoại hệ sinh thái tự nhiên, nuôi trồng các loài ngoại lai xâm hại trong khu bảo tồn.

Xây dựng công trình, nhà ở trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của khu bảo tồn, trừ công trình phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh; xây dựng công trình, nhà ở trái phép trong phân khu phục hồi sinh thái của khu bảo tồn.

Điều tra, khảo sát, thăm dò, khai thác khoáng sản; chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô trang trại, nuôi trồng thuỷ sản quy mô công nghiệp; cư trú trái phép, gây ô nhiễm môi trường trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt và phân khu phục hồi sinh thái của khu bảo tồn.

Săn bắt, đánh bắt, khai thác bộ phận cơ thể, giết, tiêu thụ, vận chuyển, mua, bán trái phép loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; quảng cáo, tiếp thị, tiêu thụ trái phép sản phẩm có nguồn gốc từ loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.

Nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng và trồng cấy nhân tạo trái phép loài động vật, thực vật hoang dã thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.

Nhập khẩu, phóng thích trái phép sinh vật biến đổi gen, mẫu vật di truyền của sinh vật biến đổi gen.

Nhập khẩu, phát triển loài ngoại lai xâm hại.

Tiếp cận trái phép nguồn gen thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.

Chuyển đổi trái phép mục đích sử dụng đất trong khu bảo tồn.

Quy định về bảo tồn và phát triển bền vững hệ sinh thái tự nhiên quy định về khu bảo tồn, phân cấp khu bảo tồn gồm: Vườn quốc gia; Khu dự trữ thiên nhiên; Khu bảo tồn loài - sinh cảnh; Khu bảo vệ cảnh quan.

Căn cứ vào mức độ đa dạng sinh học, giá trị đa dạng sinh học, quy mô diện tích, khu bảo tồn được phân thành cấp quốc gia và cấp tỉnh để có chính sách quản lý, đầu tư phù hợp. Khu bảo tồn phải được thống kê, kiểm kê diện tích; xác lập vị trí trên bản đồ hiện trạng sử dụng đất hoặc xác định tọa độ trên mặt nước biển.

Vườn quốc gia phải có các tiêu chí chủ yếu sau đây: Có hệ sinh thái tự nhiên quan trọng đối với quốc gia, quốc tế, đặc thù hoặc đại diện cho một vùng sinh thái tự nhiên; Là nơi sinh sống tự nhiên thường xuyên hoặc theo mùa của ít nhất một loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; Có giá trị đặc biệt về khoa học, giáo dục; Có cảnh quan môi trường, nét đẹp độc đáo của tự nhiên, có giá trị du lịch sinh thái.

Khu dự trữ thiên nhiên gồm có: Khu dự trữ thiên nhiên cấp quốc gia; Khu dự trữ thiên nhiên cấp tỉnh. Khu dự trữ thiên nhiên cấp quốc gia phải có các tiêu chí chủ yếu sau đây: Có hệ sinh thái tự nhiên quan trọng đối với quốc gia, quốc tế, đặc thù hoặc đại diện cho một vùng sinh thái tự nhiên; Có giá trị đặc biệt về khoa học, giáo dục hoặc du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Khu dự trữ thiên nhiên cấp tỉnh là khu thuộc nội dung bảo tồn đa dạng sinh học trong quy hoạch tỉnh8 nhằm mục đích bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên trên địa bàn.

Khu bảo tồn loài - sinh cảnh gồm có: Khu bảo tồn loài - sinh cảnh cấp quốc gia; Khu bảo tồn loài - sinh cảnh cấp tỉnh.

Khu bảo tồn loài - sinh cảnh cấp quốc gia phải có các tiêu chí chủ yếu sau đây: Là nơi sinh sống tự nhiên thường xuyên hoặc theo mùa của ít nhất một loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; Có giá trị đặc biệt về khoa học, giáo dục. Khu bảo tồn loài - sinh cảnh cấp tỉnh là khu thuộc nội dung bảo tồn đa dạng sinh học trong quy hoạch tỉnh9 nhằm mục đích bảo tồn các loài hoang dã trên địa bàn.

Khu bảo vệ cảnh quan cấp quốc gia phải có các tiêu chí chủ yếu sau đây: Có hệ sinh thái đặc thù; Có cảnh quan môi trường, nét đẹp độc đáo của tự nhiên; Có giá trị về khoa học, giáo dục, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Khu bảo vệ cảnh quan cấp tỉnh là khu thuộc nội dung bảo tồn đa dạng sinh học trong quy hoạch tỉnh10 nhằm mục đích bảo vệ cảnh quan trên địa bàn.

Quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân sinh sống hợp pháp trong khu bảo tồn


Hộ gia đình, cá nhân sinh sống hợp pháp trong khu bảo tồn có các quyền và nghĩa vụ sau đây: Khai thác nguồn lợi hợp pháp trong khu bảo tồn theo quy định của Luật này, quy chế quản lý khu bảo tồn và các quy định khác của pháp luật có liên quan; Tham gia, hưởng lợi ích từ hoạt động kinh doanh, dịch vụ trong khu bảo tồn; Hưởng chính sách ưu đãi, hỗ trợ, bồi thường, tái định cư theo quy định của pháp luật; Thực hiện quy chế quản lý khu bảo tồn; Quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân có hoạt động hợp pháp trong khu bảo tồn: Tổ chức, cá nhân có hoạt động hợp pháp trong khu bảo tồn có các quyền và nghĩa vụ sau đây: Khai thác nguồn lợi hợp pháp trong khu bảo tồn theo quy định của Luật này, quy chế quản lý khu bảo tồn và các quy định khác của pháp luật có liên quan; Tiếp cận nguồn gen, chia sẻ lợi ích từ việc tiếp cận nguồn gen và các hoạt động hợp pháp khác trong khu bảo tồn theo quy định của pháp luật; Thực hiện quy chế quản lý khu bảo tồn; Tiến hành các hoạt động khác theo quy định của pháp luật; Quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Phát triển bền vững các hệ sinh thái tự nhiên, các hệ sinh thái tự nhiên phải được điều tra, đánh giá và xác lập chế độ phát triển bền vững. Hệ sinh thái rừng tự nhiên phải được điều tra, đánh giá và xác lập chế độ phát triển bền vững theo quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Hệ sinh thái tự nhiên trên biển phải được điều tra, đánh giá và xác lập chế độ phát triển bền vững theo quy định của pháp luật về thủy sản và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Hệ sinh thái tự nhiên trên các vùng đất ngập nước tự nhiên, vùng núi đá vôi, vùng đất chưa sử dụng không thuộc đối tượng quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này được điều tra, đánh giá và xác lập chế độ phát triển bền vững theo quy định tại Điều 35 và Điều 36 của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo tồn đa dạng sinh học để phát triển bền vững