Bão Trà Mi khiến cao tốc La Sơn - Túy Loan sạt lở nghiêm trọng
Mưa lớn do bão Trà Mi khiến nhiều khu vực trên cao tốc La Sơn – Túy Loan sạt lở nghiêm trọng, gây nguy hiểm cho các phương tiện lưu thông.
Sáng nay (30/10), trên tuyến cao tốc La Sơn – Túy Loan (đoạn qua TP Đà Nẵng), các cơ quan chức năng đang khẩn trương huy động máy móc, nhân lực để khắc phục hậu quả sạt lở đất đá do ảnh hưởng của bão số 6 (bão Trà Mi). Lực lượng chức năng cũng phân công người điều tiết, hướng dẫn giao thông qua khu vực nguy hiểm.
Trước đó, mưa lớn do bão số 6 đã gây ra nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng trên tuyến cao tốc này. Tại Km39+750, sạt lở xảy ra với quy mô lớn khi phần taluy dương được gia cố bằng bê tông bị mưa bão làm vỡ toạc, tạo thành "hàm ếch" lớn. Đất đá ngấm nước trên đồi bị sụt trượt xuống sát mép đường, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở tiếp tục.
Nhiều vị trí khác trên cao tốc cũng ghi nhận tình trạng sạt lở đất đá, biển báo giao thông bị hư hỏng. Mưa lớn những ngày qua cũng tạo ra các dòng chảy từ trên đồi xuống, gây nguy hiểm cho các phương tiện lưu thông. Lực lượng chức năng đã giăng dây và đặt biển cảnh báo nguy hiểm để người điều khiển phương tiện chú ý quan sát.
Theo Văn phòng Quản lý đường bộ 3.1, bên cạnh điểm sạt lở nặng tại Km39+750, cao tốc La Sơn – Túy Loan còn bị mưa lớn gây xói lở, ăn sâu tại trụ cầu Km35+879. Cùng với đó, có 15 vị trí trên tuyến bị đất đá lấp rãnh dọc, rãnh đỉnh. 250 cây ngã đổ vào tường rào bảo vệ. Mưa lớn còn khiến hàng loạt biển báo bị ngã đỗ, đang được lực lượng thi công gia cố, lắp đặt trở lại.
Văn phòng Quản lý đường bộ 3.1 cho biết đang chỉ đạo các nhà thầu triển khai nhân lực, máy móc thiết bị để triển khai hốt dọn đất, đá, đảm bảo giao thông.
Sạt lở đất có tác động tiêu cực lớn đến môi trường theo nhiều khía cạnh:
Mất đất và tài nguyên: Sạt lở làm mất đi diện tích đất màu mỡ, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và sinh kế của người dân. Những vùng đất bị mất này có thể mất nhiều năm để hồi phục, hoặc thậm chí không thể tái tạo được.
Phá hủy môi trường sống của động thực vật: Sạt lở làm mất đi môi trường sống của nhiều loài động, thực vật, đặc biệt là ở các khu vực núi rừng. Điều này có thể dẫn đến suy giảm hoặc tuyệt chủng cục bộ của một số loài.
Gia tăng lượng carbon trong không khí: Khi thảm thực vật bị phá hủy do sạt lở, khả năng hấp thụ carbon của cây cối giảm, làm gia tăng lượng carbon trong không khí, góp phần vào biến đổi khí hậu.
Tác động lâu dài đến địa chất và cảnh quan: Sạt lở có thể làm thay đổi địa hình và gây mất ổn định cho các khu vực xung quanh. Những vết nứt, sụt lún do sạt lở cũng gây ảnh hưởng đến các công trình xây dựng và hệ thống giao thông, dẫn đến chi phí bảo trì và sửa chữa cao hơn.