Bảo vệ rừng ngập mặn – Giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu

Hà Anh|03/11/2021 01:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Rừng ngập mặn không chỉ là nơi cư trú mà còn là nơi cung cấp nguồn dinh dưỡng, hỗ trợ cho sự tồn tại và phát triển phong phú của các quần thể sinh vật cửa sông ven biển, đồng thời là nơi duy trì đa dạng sinh học cho biển.

Rừng ngập mặn – “Lá chắn” bảo vệ vùng ven biển và nguy cơ suy giảm nghiêm trọng

Với chiều dài bờ biển hơn 3.260 km, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có diện tích rừng ngập mặn lớn nhất thế giới với đa dạng sinh học cao. Rừng ngập mặn của Việt Nam có tại 600 xã của 130 huyện/thị thuộc 28 tỉnh thành có biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang. Theo đánh giá của các nhà khoa học, rừng ngập mặn ở nước ta đa dạng về số lượng và chủng loại, được phân bố từ Bắc đến Nam, theo 4 khu vực và 12 tiểu khu. Thực vật ở rừng ngập mặn chủ yếu là các loại cây có bộ rễ nơm, như: Đước, sú, vẹt, tràm, mắm, cùng các loài cỏ, cây bụi,… làm “bức tường” chắn sóng, giữ đất, tạo điều kiện cho trầm tích bồi tụ nhanh hơn. Đây cũng là nơi cư trú của các loài chim; vườn ươm cho các loài cá với hơn 80% các loại hải sản dành một phần đời để trú ngụ, là mái nhà bảo vệ sinh vật biển trước những hiểm nguy trong lòng đại dương. Đồng thời, rừng ngập mặn còn có tác dụng như “bộ lọc” hấp thu các chất độc hại trong nước, điều hòa khí hậu trong vùng, bảo vệ cuộc sống con người,…

Với vai trò là “bức tường xanh”, rừng ngập mặn cũng sẽ làm hạn chế thiệt hại trong sản xuất và đời sống người dân do thiên tai, bão lũ gây ra, phòng chống xói lở bờ biển, cố định đất bãi bồi, mở rộng sản xuất, hạn chế tình trạng mặn xâm nhập, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nhất là môi trường nước; bảo vệ sản xuất nông nghiệp, thủy sản ổn định và bền vững thông qua việc chặn gió biển, cải tạo làm sạch môi trường.

Rừng ngập mặn ở nước ta đa dạng về số lượng và chủng loại, được phân bố từ Bắc đến Nam

Nghiên cứu của các chuyên gia cho thấy rừng ngập mặn ven biển vượt trội hơn so với hầu hết các khu rừng khác về khả năng lưu giữ carbon, giúp chống lại sự nóng lên toàn cầu bằng cách loại bỏ khí cacbonic khỏi tầng khí quyển, phần lớn được lưu trữ trong sinh khối. Mặt khác, nhờ có rừng ngập mặn nên nhiều loài thủy hải sản có giá trị kinh tế cao sinh trưởng và phát triển một cách tự nhiên.

Mặc dù có vai trò quan trọng, là “lá phổi xanh” không thể thiếu để đảm bảo cho hệ sinh thái ven biển, song hiện nay diện tích rừng ngập mặn ở Việt Nam đang bị thu hẹp nghiêm trọng. Theo thống kê của ngành Lâm nghiệp, năm 2019 diện tích rừng ngập mặn của Việt Nam 256,3 nghìn ha, trong đó diện tích có rừng 150,1 nghìn ha (trong đó: rừng tự nhiên: 54,7 nghìn ha, rừng trồng: 95,3 nghìn ha), diện tích chưa thành rừng 106,2 nghìn ha.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, mặc dù trong giai đoạn 2015 – 2017, cả nước đã thực hiện 88 dự án với kế hoạch trồng mới và trồng bổ sung, phục hồi trên 25 nghìn ha rừng, với tổng mức đầu tư hơn 7.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, do sinh kế người dân sống ven biển, gần các khu vực có rừng còn khó khăn, chưa bền vững và dựa nhiều vào tài nguyên thiên nhiên dẫn đến các hoạt động phá rừng; nuôi trồng thủy sản tự phát; quảng canh; khai thác gỗ, củi rừng ngập mặn trái phép đã khiến cho diện tích rừng ngập mặn bị suy giảm nghiêm trọng. Bên cạnh đó, triều cường, sạt lở bờ biển, cửa sông làm mất rừng, nhất là vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), tại các tỉnh Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau, Bến Tre, Sóc Trăng,… đã gây thiệt hại một diện tích không nhỏ rừng ngập mặn ven biển.

Kết quả trồng mới và trồng phục hồi rừng ven biển đạt thấp; tình trạng chuyển mục đích sử dụng đất quy hoạch cho trồng rừng ven biển sang mục đích khác, xâm lấn đất rừng để nuôi trồng, đánh bắt thủy sản và các hoạt động trái phép khác vẫn diễn biến phức tạp làm ảnh hưởng đến tiến độ và kết quả trồng rừng ven biển. Một số dự án trồng rừng ven biển triển khai thực hiện còn chậm; công tác chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc của một số địa phương chưa quyết liệt. Mặt khác, do ảnh hưởng của thiên tai như: Bão lốc, rét hại, lũ lụt, sinh vật hại,… đã làm chết nhiều diện tích rừng trồng tại các địa phương như: Thái Bình, Quảng Ninh, Quảng Bình… vốn là các tỉnh có phong trào trồng rừng ngập mặn phát triển.

Theo thống kê, ĐBSCL là nơi có diện tích rừng ngập mặn lớn nhất nước, chiếm khoảng 62%. Tuy nhiên, nguồn vốn tự nhiên quan trọng này đã phải đối mặt với nhiều áp lực, dẫn đến sự suy giảm về độ che phủ và chất lượng. Trước năm 1975, sự suy giảm chủ yếu là do việc sử dụng chất độc da cam. Sau năm 1975, sự suy giảm rừng ngập mặn phần lớn là do sự phát triển nuôi trồng thủy sản, điển hình là nuôi tôm và xói lở ven biển.

Các nghiên cứu cho thấy, dưới tác động của biến đổi khí hậu và con người khiến diện tích rừng ngập mặn tại khu vực này bị suy giảm nghiêm trọng. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trong giai đoạn từ 2011-2016, diện tích rừng ngập mặn toàn vùng ĐBSCL đã giảm gần 10%, từ 194,7 nghìn ha năm 2011 xuống còn 179,3 nghìn ha vào năm 2016 (tức là đã giảm khoảng 15,3 nghìn ha).

Cũng theo báo cáo nêu trên, toàn vùng ĐBSCL có 24 khu vực thường xuyên bị xói lở trên tổng chiều dài khoảng 147 km. Tốc độ xói lở từ 5-45 m/năm (tức trung bình mỗi năm mất khoảng 500 ha đất).

Các chuyên gia cho rằng, ngoài các nguyên nhân làm mất rừng ven biển như: Bão gió tàn phá, xói lở bờ biển, phá rừng nuôi tôm, khai thác gỗ,… thì việc quản lý, bảo vệ rừng ngập mặn của các cơ quan chức năng hiện còn thiếu sự đồng bộ ở nhiều địa phương; việc triển khai, áp dụng các cơ chế, chính sách hỗ trợ trồng, tái sinh rừng ngập mặn ở nhiều địa phương chưa mang lại hiệu quả thiết thực…

Vai trò của rừng ngập mặn

Hệ sinh thái rừng ngập mặn không chỉ là nguồn cung cấp oxy mà còn giúp điều hòa không khí. Đây là một trong những lá chắn giúp phòng hộ ven biển và phòng tránh được sự bào mòn của nước biển. Ngoài ra, rừng ngập mặn còn có vai trò quan trọng đối với lợi ích kinh tế của chúng ta:

Cung cấp nhiều loại dược liệu và chất đốt cho một số ngành công nghiệp.

Tạo ra môi trường sống thuận lợi cho người dân nuôi trồng thủy hải sản.

Đây cũng là một nơi thu hút nhiều khách du lịch tới thăm quan và khám phá về rừng ngập mặn.

Rừng ngập mặn đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái, có nhiều lợi ích cho động vật, con người và cả hệ sinh thái xung quanh.

Rừng ngập mặn cung cấp sinh kế cho rất nhiều người trên toàn thế giới

Bảo vệ chống lại thiên tai

Thân, cành và rễ của rừng ngập mặn đóng vai trò là rào cản giúp giảm ảnh hưởng của ngập lụt, sóng, gió mạnh. Nhờ vậy bảo vệ con người, nhà cửa, đồng ruộng khỏi thiên tai, bão lũ, sóng triều.

Bên cạnh đó, hệ thống thân, rễ, cành nhiều của rừng ngập mặn còn giúp lấn biển, tăng diện tích đất thông qua việc giữ lại và kết dính vật liệu phù sa.

Cung cấp sinh kế cho con người

Hệ sinh thái rừng ngập mặn có nhiều loài động vật có vỏ (cá, tôm…) cho con người. Đồng thời, cung cấp nhiều nguyên liệu mà con người thường xuyên dùng đến: sợi, dược liệu, than củi, mật ong, lá dừa để lợp mái nhà.

Rừng ngập mặn còn có giá trị về văn hóa, kinh tế và thích hợp cho phát triển du lịch.

Hiện nay, rừng ngập mặn cung cấp sinh kế cho rất nhiều người trên toàn thế giới. Do họ sống dựa vào việc khai thác giá trị của nó.

Giảm tác động của biến đổi khí hậu

Biến đối khí hậu gây ra những thiên tai như bão lũ. Khi đó, rừng ngập mặn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ con người, đồng ruộng, nhà cửa khỏi các thiên tai này.

Ngoài ra, rừng ngập mặn còn có khả năng loại bỏ thải khí nhà kính ra khỏi bầu khí quyển, giảm biến đổi khí hậu.

Giảm ô nhiễm

Rừng ngập mặn loại bỏ các ô nhiễm, trầm tích, phú dưỡng ra khỏi kênh rạch, sống, ngòi, đại dương. Chính vì vậy, chúng giúp lọc sạch nước cho hệ sinh thái xung quanh như san hô, cỏ biển.

Rừng ngập mặn được ví thận của môi trường. Nhờ những quá trình sinh hóa phức tạp, chúng phân giải, hấp thụ và chuyển hóa các chất độc hại, giảm ô nhiễm môi trường.

Cung cấp thức ăn và môi trường sống động vật

Không chỉ có tác dụng đối với con người, rừng ngập mặn còn cung cấp thức ăn, là nơi trú ngụ cho nhiều loài cá, tôm, động vật có vỏ, chim và động vật có vú. Các loài động thực vật phổ biến trong rừng ngập mặn là cây chịu mặn, chim nước, hải sản, chim di cư, lợn rừng, trăn, khỉ, chồn và kỳ đà.

Rừng ngập mặn đóng vai trò quan trọng trong hệ thống lưới thức ăn phức tạp. Do đó, nếu phá hủy rừng ngập mặn sẽ tác động xấu đến đời sống thủy sinh và đại dương.

Một số giải pháp bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn

Để bảo vệ rừng ngập mặn cần chú trọng thực hiện một số giải pháp sau: Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật giúp nâng cao nhận thức về bảo vệ và phát triển rừng cho người dân vùng rừng; nâng cao năng lực của lực lượng trực tiếp quản lý bảo vệ rừng thông qua việc tham gia các chương trình tập huấn, đào tạo chuyên môn… lồng ghép với chương trình giáo dục pháp luật của các Sở, ban, ngành và các lớp tập huấn do các tổ chức trong và ngoài nước tài trợ.

Thực hiện tốt công tác phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương với các cơ quan chức năng đóng quân trên địa bàn quản lý để kiểm tra, truy quét ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng, bảo vệ biển.

Xây dựng kế hoạch tăng cường công tác phối hợp giữa các trạm quản lý bảo vệ rừng, biển với chính quyền địa phương và các ngành chức năng nhằm đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm tra, ngăn chặn, xử lý kịp thời những vụ việc vi phạm xảy ra trên địa bàn quản lý.

Xây dựng cơ cấu xã hội nghề rừng ổn định, phù hợp với các mục tiêu quản lý, bảo vệ và phát triển rừng thông qua việc cải thiện và nâng cao tính bền vững của các hệ canh tác lâm – ngư nghiệp, tăng năng suất của rừng để nâng cao giá trị bảo tồn đa dạng sinh học của rừng ngập mặn

Xây dựng và thực hiện chính sách quản lý hệ sinh thái rừng, biển, trong đó người dân được phối hợp quản lý, sử dụng tài nguyên thiên nhiên bền vững theo quy định của pháp luật.

Cần xây dựng quy hoạch tổng thể sử dụng các vùng rừng ngập mặn; tiến hành khảo sát và nghiên cứu chi tiết về tình trạng rừng ngập mặn, diện tích ao nuôi tôm, diện tích đất lở, đất bồi ở tất cả các tỉnh ven biển có rừng ngập mặn thông qua ảnh vệ tinh, ảnh máy bay và nghiên cứu thực địa. Các kết quả nghiên cứu sẽ là cơ cở khoa học cho quy hoạch tổng thể sử dụng đất và tài nguyên một cách hợp lý và bền vững ở các vùng ven biển.

Nghiên cứu phát triển các ngành nghề nuôi trồng thủy sản ở các vùng ven biển như nuôi sò, nuôi vạng hoặc các loài cá có giá trị kinh tế cao để dần dần thay thế nghề nuôi tôm ở các vùng rừng ngập mặn. Cũng cần thiết phải cải thiện cơ cấu và đa dạng hóa nuôi trồng thủy sản nhằm đáp ứng nhu cầu khắt khe của thị trường và giảm thiểu nguy cơ bệnh dịch.

Xem xét, đánh giá nguồn tài nguyên kinh tế và các tác động tới môi trường của một số mô hình lâm ngư kết hợp nhằm phát huy những thành tựu và rút ra những bài học kinh nghiệm. Cần tiếp tục xây dựng các mô hình nuôi tôm kết hợp bảo vệ rừng ngập mặn…

Một vấn đề cấp bách khác đặt ra là diện tích sử dụng vào mục đích nuôi tôm cần được thống kê để đảm bảo diện tích nuôi chỉ từ 1/5 đến 1/4 tổng diện tích bề mặt theo đúng mô hình lâm – ngư kết hợp trong vùng rừng ngập mặn. Ngay khi nghề nuôi tôm có dấu hiệu suy giảm hiệu quả thì cần thu hồi đất phục vụ cho việc trồng lại rừng ngập mặn và tạo môi trường sống lâu dài cho các loài thủy sản.

Giới thiệu về rừng ngập mặn và giáo dục bảo vệ nguồn lợi động vật biển, thành một phần trong giáo dục giảng dạy ở tất cả các bậc học. Tổ chức các khóa đào tạo về vai trò của hệ sinh thái rừng ngập mặn trong tiến trình phát triển kinh tế và bảo tồn tự nhiên cho các nhà quản lý địa phương và cán bộ nòng cốt. Lập ra các công cụ chính sách rõ ràng và các quy định sử dụng một phần lợi nhuận thu được từ kinh doanh các sản phẩm tôm đông lạnh (thông qua hàng rào thuế quan) cho việc phục hồi rừng.

Áp dụng các chính sách khả thi nhằm hạn chế tốc độ tăng dân số và kế hoạch hóa dân số cho mỗi vùng rừng ngập mặn. Đồng thời, đẩy mạnh việc giao đất và giao rừng cho các hộ chịu trách nhiệm trồng và bảo vệ rừng. Các chính sách lâu dài về sử dụng bãi bồi ven biển cần phải được quy định rõ ràng nhằm ứng phó với tình trạng chuyển đổi đất rừng sang sử dụng vào mục đích không thích hợp và bảo vệ quyền lợi của người nghèo.

Hà Anh

Bài liên quan
  • 10 thảm họa liên quan khí hậu xảy ra gần đây NHẤT
    Moitruong.net.vn – Từ hàng loạt vụ cháy rừng nghiêm trọng cùng những trận lũ lụt lịch sử xảy ra trong mùa hè, cho tới các đợt sương giá bất thường và những “cơn bão châu chấu” phá hủy mùa màng, một số chuyên gia nhận định biến đổi khí hậu do con người gây ra đang tàn phá thời tiết trên thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Bảo vệ rừng ngập mặn – Giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.