Bệnh chân tay miệng tăng mạnh ở Trà Vinh

An Nhiên (th)|19/10/2017 00:20
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Bệnh chân tay miệng đang tăng mạnh ở Trà Vinh, theo số liệu thống kê của ngành Y tế Trà Vinh riêng trong tháng 10/2017 toàn tỉnh đã có trên 403 ca mắc bệnh tay chân miệng và từ đầu năm đến nay số ca mắc 1.664 ca (không có tử vong).

Bệnh chân tay miệng tăng mạnh ở Trà Vinh

Thông tin trên báo Nông Nghiệp Việt Nam đưa, theo Sở Y tế tỉnh Trà Vinh, riêng trong tháng 10/2017 toàn tỉnh đã có trên 403 ca mắc bệnh tay chân miệng và từ đầu năm đến nay số ca mắc 1.664 ca (không có tử vong), tăng gấp 8,4 lần so với cùng kỳ năm 2016 (194 ca). Các địa phương có dịch bệnh tăng cao như huyện Châu Thành 330 ca, Càng Long 302 ca và Trà Cú 196 ca…

Hiện nay Sở Y tế tỉnh Trà Vinh phối hợp với các ngành chức năng và chính quyền địa phương tổ chức giám sát các ổ dịch; khuyến cáo giáo viên các trường mầm non, nhà trẻ cũng như người dân có con dưới 6 tuổi chủ động phòng chống bệnh tay chân miệng để xử lý triệt để các ổ dịch phát sinh.

Đồng thời tuyên truyền phòng, chống bệnh tay chân miệng, cấp phát 15.000 tờ rơi cho các địa phương tổ chức truyền thông tại các huyện, thị xã và thành phố Trà Vinh.

Để nhận biết và phòng tránh dịch bệnh chân tay miệng chúng ta cần:

Dấu hiệu nhận biết bệnh tay chân miệng:

Giai đoạn ủ bệnh từ 3-7 ngày khi trẻ đã tiếp xúc với nguồn lây từ trước.

Giai đoạn khởi phát: Từ 1-2 ngày với các triệu chứng như sốt nhẹ, mệt mỏi, đau họng, biếng ăn, tiêu chảy vài lần trong ngày.

Giai đoạn toàn phát:

Có thể kéo dài 3-10 ngày với các triệu chứng điển hình của bệnh:

Loét miệng: vết loét đỏ hay phỏng nước đường kính 2-3 mm ở niêm mạc miệng, lợi, lưỡi.

Phát ban dạng phỏng nước: Ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông; tồn tại trong thời gian ngắn (dưới 7 ngày) sau đó để lại vết thâm.

Sốt nhẹ.

Nôn.

Nếu trẻ sốt cao và nôn nhiều dễ có nguy cơ biến chứng.

Biến chứng thần kinh, tim mạch, hô hấp thường xuất hiện sớm từ ngày 2 đến ngày 5 của bệnh.

Giai đoạn lui bệnh: Thường từ 3-5 ngày sau, trẻ hồi phục hoàn toàn nếu không có biến chứng.

Triệu chứng của bệnh thường xuất hiện từ 14 đến 16 ngày sau lần tiếp xúc với nguồn lây nhưng có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong khoảng thời gian từ 10 đến 21 ngày.

Triệu chứng khởi phát thường là sốt nhẹ từ một đến 2 ngày, cảm giác mệt mỏi mỏi toàn thân, và phát ban.

Cách chữa trị và phòng bệnh chân tay miệng

Nếu trẻ mới có các dấu hiệu như sốt hoặc bệnh sử có sốt, ban sẩn mụn nước ở tay chân, có thể loét miệng hoặc không. Đây là giai đoạn không có biến chứng có thể điều trị tại nhà các triệu chứng này: dùng paracetamol hạ sốt giảm đau. Uống bù nước và điện giải bằng dung dịch oresol. Dùng dung dịch sát khuẩn da như xanhmethylen, milian… và niêm mạc như zytee, kamistad… cho các vết loét.

Nếu trẻ có biểu hiện như sốt cao, li bì, nôn… cần đưa trẻ đến cơ sở y tế. Theo dõi các dấu hiệu lâm sàng chưa có nguy cơ từ 1 – 2 ngày hoặc tới 1 tuần lúc đó bé sẽ hồi phục.

Nếu trẻ có các dấu hiệu nặng lên cần đưa trẻ tới viện ngay.

Để phòng tránh bệnh chân tay miệng chúng ta cần:

Cho bé ăn các loại thức ăn cho trẻ cần đảm bảo đủ chất dinh dưỡng; ăn chín, uống chín.

Rửa tay đúng và thường xuyên bằng xà phòng, nhất là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

Làm sạch các vết bẩn, các dụng cụ đồ chơi bằng xà phòng hay dung dịch sát khuẩn.

Tránh tiếp xúc (hôn, ôm ấp, dùng chung đồ dùng hoặc cốc chén) với người bệnh chân tay miệng.

An Nhiên (th)


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Bệnh chân tay miệng tăng mạnh ở Trà Vinh
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.