Bệnh đái tháo đường có xu hướng gia tăng nhanh ở Việt Nam

Bảo An (t/h)|13/10/2019 05:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Một trong những vấn đề sức khỏe hiện nay là đái tháo đường, khoảng 80% ca bệnh mới ở nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

Đái tháo đường đang được xem là đại dịch của toàn cầu, đang có dấu hiệu gia tăng từng ngày và trở thành mối hiểm họa đe dọa tính mạng của hàng trăm triệu người trên thế giới. Được dự đoán sẽ là một trong những vấn đề sức khỏe chính trong thế kỷ 21 và ước tính 80% các ca bệnh mới sẽ là ở những nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, năm 2014 ước tính có 422 triệu người trên toàn cầu phải sống chung với bệnh đái tháo đường, con số này gần gấp đôi so với năm 1980.

Tại Việt Nam, vào năm 2015 đã có 3,5 triệu người mắc bệnh theo báo cáo của Hiệp hội đái tháo đường thế giới IDF Diabetes Atlas và con số này được dự báo sẽ tăng lên 6,1 triệu vào năm 2040. Thực tế những con số thống trên chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, theo kết quả điều tra năm 2015 của Bộ Y tế, 68,9% người tăng đường huyết chưa được phát hiện.

Bệnh đái tháo đường đang gia tăng nhanh chóng, nhất là đái tháo đường type 2, bệnh có thể được ngăn chặn nếu cải thiện được các yếu tố nguy cơ gây bệnh.

Nhận biết bệnh đái tháo đường

Các dấu hiệu điển hình của tăng đường huyết là khát và uống nhiều, tiểu nhiều, mau đói, thèm ăn, ăn nhiều nhưng sụt cân nhanh, mệt mỏi, uể oải toàn thân, hoa mắt, chóng mặt… Nếu có bất cứ dấu hiệu nào nghi ngờ, nên đến bệnh viện khám ngay để được kiểm tra lượng đường trong máu.

Xác định bệnh chủ yếu dựa vào xét nghiệm lượng đường trong máu lúc đói ≥ 126mg/dL (≥ 7mmol/L) hoặc đường máu bất kỳ ≥ 200mg/dL (≥ 11,1 mmol/L).

Phòng bệnh đái tháo đường

Đái tháo đường type 1 không thể dự phòng được nhưng chiếm tỷ lệ không lớn. Còn đái tháo đường type 2 lại có nhiều yếu tố ảnh hưởng, liên quan đến lối sống như sử dụng thực phẩm chế biến sẵn, đồ uống có đường, thực phẩm có hàm lượng chất béo cao và carbohydrate tinh chế cao, lối sống hiện đại ít vận động… Các hành vi này cùng phối hợp làm tăng nguy cơ thừa cân béo phì và sự phát triển của đái tháo đường type 2.

Can thiệp thay đổi các hành vi này góp phần ngăn ngừa sự gia tăng của bệnh. Cụ thể, cần xây dựng và duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý, chọn lựa thực phẩm thông minh. Ăn đa dạng thực phẩm, đủ các nhóm bột đường, đạm, béo, rau và trái cây trong mỗi bữa ăn chính. Bổ sung sữa và chế phẩm từ sữa trong khẩu phần hàng ngày giúp cung cấp đủ chất dinh dưỡng, vitamin, chất khoáng.

Hạn chế các thức ăn làm tăng đường huyết nhanh như đường, bánh kẹo ngọt, nước ngọt hoặc ăn quá nhiều bột đường… Tăng cường các thức ăn giúp làm chậm hấp thu đường như rau, củ quả, chọn lựa bột đường hấp thu chậm như gạo lứt, các loại hạt nguyên vỏ nguyên cám, sữa có chỉ số GI thấp… Phân bố bữa ăn hợp lý, ăn đủ bữa, không bỏ bữa ăn sáng.

Mọi người cũng nên kết hợp lối sống lành mạnh năng vận động, hạn chế sử dụng các chất kích thích, rượu bia, thuốc lá… Nếu bị thừa cân béo phì, cần duy trì cân nặng cơ thể ở mức lý tưởng (bằng chiều cao (m) x chiều cao (m) x 22).

Bệnh đái tháo đường thường diễn biến âm thầm, có thể không gây ra bất cứ dấu hiệu hay triệu chứng gì, do đó để không bỏ sót bệnh nên tầm soát giúp chẩn đoán sớm. Xét nghiệm đường máu định kỳ hàng năm ở người từ 45 tuổi trở lên hoặc thường xuyên hơn (3-6 tháng một lần) ở những người có nguy cơ cao đái tháo đường như người thừa cân béo phì, béo bụng; có người thân bị đái tháo đường; phụ nữ sinh con 4 kg; rối loạn lipid máu…

Bảo An (t/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bệnh đái tháo đường có xu hướng gia tăng nhanh ở Việt Nam