Bệnh viện Trung Ương Huế ghép thành công giác mạc được trao tặng từ nước Mỹ

03/06/2019 14:21
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Sáng 3/6, Bệnh viện Trung ương Huế (BVTW Huế) cơ sở 2 đã tiến hành ghép 5 giác mạc được trao tặng từ nước Mỹ cho các bệnh nhân, giúp người bệnh có cơ hội phục hồi lại thị lực.

Theo thông tin từ Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2 cho biết, ngày 2/6, bác sĩ Edward Charles Kondrot – một bác sĩ Nhãn khoa thuộc thành viên Hội Nhãn khoa Hawaii và Tổ chức See International (Hoa Kỳ) đã mang theo món quà gồm 10 chiếc giác mạc của những người Mỹ đã qua đời cuối tháng 5 vừa qua trao tặng cho BVTW Huế (5 chiếc) và Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia (5 chiếc ).

Trước đó, từ ngày 16/5-18/5, tại Khoa Mắt – BVTW Huế cơ sở 2 đã khám mắt miễn phí cho 500 người và đã chọn được 5 bệnh nhân phù hợp để ghép giác mạc. Các bệnh nhân ghép giác mạc sẽ được hỗ trợ một phần chi phí phẫu thuật.

Bác sỹ Kondrot và BS CKII Phạm Như Vĩnh Tuyên – Trưởng khoa Mắt (BVTW Huế cơ sở 2) đang tiến hành phẫu thuật ghép giác mạc cho bệnh nhân

Trao đổi với GS.TS Phạm Như Hiệp – Giám đốc BVTW Huế cho biết, Ban Giám đốc BVTW Huế luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi và hỗ trợ thêm nhiều thiết bị hiện đại để giúp cho BVTW Huế cơ sở 2 phát triển mạnh về chuyên môn kỹ thuật cũng như chất lượng điều trị bệnh nhân. Phẫu thuật ghép giác mạc là kỹ thuật cao trong các phương pháp điều trị bệnh lý về mắt mang lại hy vọng cho các bệnh nhân mắc các bệnh lý về giác mạc.

“Hiện nay, nhu cầu ghép giác mạc của bệnh nhân trong nước rất lớn, tuy nhiên nguồn giác mạc hiến tặng lại quá hiếm. Mặt khác, mỗi ca ghép giác mạc có chi phí cao lên đến vài trăm triệu đồng, với những gia đình có thu nhập thấp, người bệnh rất khó tìm lại được ánh sáng. Vì vậy, BVTW Huế sẽ cố gắng kết hợp với các tổ chức từ thiện để có thể hỗ trợ tối đa cho nhiều bệnh nhân phải ghép giác mạc”, BS Phạm Như Hiệp chia sẻ.

Cũng theo BS Hiệp, hiện nay ghép giác mạc đang là giải pháp duy nhất cho những người bệnh không may bị thương tích hoặc bệnh lý về mắt khi điều trị nội khoa đã thất bại. Tuy nhiên, với số lượng giác mạc hiến tặng rất ít nên hiện có rất nhiều bệnh nhân phải chờ đợi để được nhìn thấy ánh sáng.

Bác sỹ Kondrot kiểm tra mắt cho bệnh nhân trước khi ghép giác mạc

Tại BVTW Huế, kỹ thuật này đã được triển khai cách đây 30 năm và nay đã phát triển thêm tại BVTW Huế cơ sở 2, đây là tin vui đối với người dân ở tỉnh Thừa Thiên Huế và các tỉnh lân cận, là một bước tiến mới trong công cuộc chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân, giúp mang lại ánh sáng cho các bệnh nhân mắc các bệnh về giác mạc.

Được biết, bác sĩ Kondrot và vợ ông – bà Ly Kondrot thường tổ chức các hoạt động từ thiện khắp nơi trên thế giới. Ông bà thường tới các quốc gia nghèo để thực hiện các chương trình mổ mắt, ghép giác mạc miễn phí cho các bệnh nhân, đặc biệt là trẻ em.

Ông Kondrot cho biết, mỗi lần thực hiện các chương trình thiện nguyện, ông sẽ thông báo trước với Ngân hàng Mắt tại Mỹ. Ngân hàng Mắt tiếp nhận đề xuất của bác sĩ và sẽ gửi các giác mạc bao gồm đầy đủ hồ sơ tới nhà ông trước chuyến bay, thông thường họ sẽ gửi cho ông từ 2 – 3 giác mạc để đem đi ghép. Tuy nhiên lần này ông rất ngạc nhiên khi Ngân hàng Mắt gửi tới cho ông những 10 giác mạc, đây là số giác mạc lớn nhất mà bác sĩ từng nhận được khi đi tới các quốc gia. Ngân hàng Mắt nói với ông rằng: “Việt Nam rất thiếu giác mạc nên chúng tôi dành 10 chiếc cho chương trình này”.

Bài, ảnh: Đinh Văn

Bài liên quan
  • Dự án Mua sắm Bền vững thuốc và trang thiết bị y tế (SHiPP) lần thứ2 tại Việt Nam
    Moitruong.net.vn – Dự án sức khỏe bền vững trong mua sắm (SHiPP) là 1 chương trình được phát triển bới Chương trình phát triển Hoa Kỳ trong sự hợp tác với Chăm sóc sức khỏe không gây hại và được tài trợ bởi cơ quan Phát triển quốc tế Thụy Điển. Với mục đích là giảm tác hại cho con người và môi trường gây ra bởi sản xuất, sử dụng và xử lý các sản phẩm y tế bằng cách thực hiện những chương trình mua sắm y tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Bệnh viện Trung Ương Huế ghép thành công giác mạc được trao tặng từ nước Mỹ
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.