Ngày 24 tháng 5 năm 2019, tại tỉnh Vĩnh Phúc – Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) phối hợp với tổ chức Health Care without Harm (HCWH) lần thứ 2 tổ chức hội thảo định hướng và khởi động Dự án Mua sắm Bền vững Trang thiết bị y tế (SHiPP) tại Việt Nam. Hội thảo tập trung giới thiệu tầm quan trọng và các kết quả kỳ vọng của dự án.
Dự án Mua sắm Bền vững Trang thiết bị y tế (SHiPP) được tài trợ bởi Cơ quan Phát triển Quốc tế Thụy Điển (Sida) và được triển khai trên cơ sở phối hợp với tổ chức Health Care without Harm (HCWH).
Tại hội thảo, các đại biểu tham dự và các điều phối viên sẽ có cơ hội tìm hiểu tác động của hoạt động mua sắm thuốc và trang thiết bị y tế (TTBYT) đến môi trường, phân tích các chính sách và quy trình mua sắm bền vững thuốc và TTBYT trong khu vực công và tư nhân, cũng như thảo luận về hoạt động hỗ trợ kỹ thuật tiềm năng để xây dựng tính bền vững trong hoạt động mua sắm tại tất cả các giai đoạn trong chuỗi cung ứng và quy trình mua sắm thuốc, hàng hóa y tế và tại các cơ sở y tế của Việt Nam.
Tham dự hội thảo có đại diện của Bộ Y tế Việt Nam, Cơ quan liên ngành về mua sắm bền vững trong lĩnh vực y tế của Liên Hợp Quốc (SPHS), Mạng lưới UN Global Compact tại Việt Nam, các công ty tư nhân trong ngành dược, các tổ chức phi chính phủ và các cơ quan nghiên cứu.
Ngành y tế đóng một vai trò quan trọng trong việc đảm bảo sức khỏe và phúc lợi của người dân; tuy nhiên ngành y tế cũng có thể tác động tiêu cực đến sức khỏe con người và môi trường.
Bệnh nhân, nhân viên y tế và cộng đồng đang phải đối mặt với các nguy cơ về sức khỏe và môi trường trong quá trình triển khai các chương trình y tế. Một trong số đó là mối quan ngại về dư lượng hóa chất từ quá trình sản xuất dược phẩm đối với môi trường.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế, ông Nguyễn Trường Sơn cho biết “việc quan tâm đến mối liên kết giữa mua sắm y tế, y tế và các tác động đến môi trường cũng được đặc biệt quan tâm. Ứng dụng mua sắm công bền vững sẽ góp phần nâng cao chất lượng sản xuất, sử dụng hiệu quả và bền vững tài nguyên thiên nhiên, an ninh và bình đẳng trong xã hội.’’
Mua sắm bền vững các sản phẩm và dịch vụ y tế có thể tạo ra các tác động sức khỏe tích cực cho bệnh nhân, cộng đồng và môi trường. Mua sắm công đã được xác định là một điểm khởi đầu quan trọng để thúc đẩy các mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững hơn.
Vai trò của mua sắm trang thiết bị đối với tác động của các hoạt động của ngành y tế đến môi trường đã được thừa nhận; và các hoạt động mua sắm bền vững có thể giúp giảm thiểu đáng kể phát thải khí thải nhà kính của ngành y tế.
Việc xả nước thải không qua xử lý vào môi trường khiến cho các thành phần kháng sinh lan rộng, từ đó gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như kháng kháng sinh và suy thoái môi trường. Bên cạnh đó, việc xử lý nước thải không đúng cách này còn đe dọa cuộc sống của động vật hoang dã và là nguyên nhân khiến các loài động vật tử vong.
Ngoài ra, các hóa chất độc hại như PVC, đioxin và thủy ngân có mặt trong nhiều thiết bị y tế khi bị giải phóng ra môi trường cũng là một mối đe dọa đối với sức khỏe cộng đồng và cả hành tinh.
Ví dụ, lượng khí thải liên quan đến chuỗi cung ứng chiếm ít nhất 65% lượng khí thải carbon của Cơ quan Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh, và 82% lượng khí thải carbon của Quỹ Dự án HIV/AIDS và Lao toàn cầu do UNDP quản lý ở Tajikistan.
Bằng cách áp dụng các chính sách, chiến lược và thực tiễn mua sắm bền vững, các hệ thống y tế, chính phủ và các cơ quan phát triển quốc tế có thể trở thành động lực cho sự chuyển đổi mạnh mẽ sang nền kinh tế xanh bao trùm bằng cách yêu cầu các sản phẩm và dịch vụ tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường và xã hội trong suốt vòng đời của chúng.
Bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú tại Việt Nam nhấn mạnh rằng “Mua sắm xanh là chìa khóa để sản xuất và quản lý chất thải bền vững trong ngành y tế”.
“Dự án này nhằm thúc đẩy sự bền vững trong chuỗi cung ứng của ngành y tế để cải thiện sức khỏe con người và giảm khí nhà kính, giảm cạn kiệt tài nguyên và ô nhiễm hóa chất.”
Dự án sẽ phối hợp với một số quốc gia thu nhập thấp và trung bình để xây dựng và thí điểm các chính sách và thực hành về mua sắm thuốc và TTBYT phù hợp với sáng kiến liên ngành không chính thức của Liên Hợp Quốc về Mua sắm bền vững trong lĩnh vực y tế.
Dự án được triển khai tại Argentina, Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ, Moldova, Ukraine, Tanzania, Nam Phi, Việt Nam và Zambia.
Ngọc Phương