Biến đổi khí hậu: Cuộc khủng hoảng toàn cầu đe dọa tương lai nhân loại
Biến đổi khí hậu đang trở thành mối đe dọa nghiêm trọng đối với sự phát triển bền vững của con người, đặt ra những thách thức lớn trong thế kỷ 21 mà toàn thế giới phải đối mặt.
Những thay đổi do biến đổi khí hậu gây ra, như tăng nhiệt độ toàn cầu, mực nước biển dâng cao, hạn hán, và lũ lụt, đang trở thành cuộc khủng hoảng toàn cầu.
Bà Samantha Burgess, Giám đốc chiến lược khí hậu của Cơ quan giám sát biến đổi khí hậu Copernicus cho rằng, nguyên nhân chính của tình trạng này là sự tích tụ khí nhà kính từ việc đốt cháy nhiên liệu hóa thạch. Trong bối cảnh này, Liên hợp quốc kêu gọi các quốc gia hành động khẩn cấp vào năm 2025 để tránh "sự sụp đổ khí hậu".
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh rằng, biến đổi khí hậu không còn là vấn đề của tương lai mà là cuộc khủng hoảng hiện tại, cần phải hành động ngay lập tức để giảm thiểu hậu quả.
Theo ông Guterres, năm 2025 sẽ là cột mốc quyết định cho tương lai của hành tinh. Nếu không có hành động cụ thể và đồng bộ, các hậu quả sẽ trở nên nghiêm trọng và không thể đảo ngược. Vì vậy, ông kêu gọi tất cả quốc gia và cá nhân cùng chung tay tạo ra sự thay đổi thực sự. Mỗi hành động, dù nhỏ như tiết kiệm năng lượng hay ủng hộ các chính sách xanh, đều đóng góp vào việc bảo vệ hành tinh cho các thế hệ sau.
Trong khi đó, nhiều nỗ lực chống biến đổi khí hậu đã được các quốc gia đưa ra. Tại Hội nghị COP29 tổ chức ở Baku (Azerbaijan) cuối năm ngoái, 25 quốc gia cam kết không xây dựng thêm nhà máy điện than nếu không áp dụng công nghệ thu giữ và lưu trữ carbon. Tháng 10 năm 2024, nhà máy điện than cuối cùng tại Anh, Ratcliffe-on-Soar, đã chính thức đóng cửa, đánh dấu bước đi quan trọng trong việc chấm dứt sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nhóm G7.
Tuy nhiên, việc huy động tài chính để hỗ trợ các quốc gia nghèo đối phó với biến đổi khí hậu vẫn gặp nhiều khó khăn. Tại COP29, các quốc gia phát triển được yêu cầu cam kết tài trợ lên tới 900 tỷ USD mỗi năm, trong khi các quốc gia đang phát triển yêu cầu 1.300 tỷ USD/năm. Đây là con số cần thiết để thu hẹp khoảng cách chuyển đổi xanh giữa các quốc gia. Tuy nhiên, sau nhiều cuộc đàm phán căng thẳng, các quốc gia chỉ thống nhất được mục tiêu tăng gấp ba lần khoản tài chính công hỗ trợ các nước đang phát triển, từ 100 tỷ USD lên 300 tỷ USD mỗi năm đến năm 2035, vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu thực tế.
Thực tế, một số quốc gia lớn sản xuất điện than như Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ lại thể hiện sự thờ ơ với lời kêu gọi hành động tại COP29. Điều này khiến nhiều người nghi ngờ về khả năng thực hiện cam kết loại bỏ nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm.
Tuy nhiên, việc chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, bao gồm năng lượng mặt trời, gió và thủy điện, là giải pháp quan trọng để giảm khí thải và bảo vệ môi trường lâu dài. Sự nỗ lực chung tay từ các quốc gia và cộng đồng quốc tế là cần thiết để đảm bảo sự phát triển bền vững cho hành tinh trong tương lai.