Nghiên cứu dữ liệu hàng ngày của 80% bệnh viện Brazil từ năm 2000 đến 2015 phát hiện ra rằng cứ mỗi 1 độ C nhiệt độ trung bình hàng ngày tăng trong mùa nóng, số người nhập viện do thiếu ăn tăng 2,5%. Nghiên cứu ước tính biến đổi khí hậu sẽ giảm sản lượng lương thực toàn cầu 3,2% và do đó gây ra khoảng 30.000 trường hợp tử vong do thiếu cân vào năm 2050.
Biến đổi khí hậu làm tăng tình trạng suy dinh dưỡng
Kêu gọi cải thiện các chiến lược toàn cầu để giải quyết tình trạng thiếu ăn và cải thiện các hệ thống thực phẩm, các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng tuổi tác và tình trạng kinh tế xã hội có thể khiến một số cá nhân dễ bị rơi vào tình trạng thiếu ăn hơn so với các đối tượng khác khi nhiệt độ tăng.
Nghiên cứu cho rằng biến đổi khí hậu là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với nỗ lực giảm tình trạng thiếu ăn và đói, đặc biệt tại các nước thu nhập trung bình và thấp. Ngoài ra những người trên 80 tuổi và trong độ tuổi từ 5 đến 19 tuổi là những nhóm có tỷ lệ nhập viện lớn do thiếu ăn khi nhiệt độ tăng. Có thể suy đoán rằng sự thay đổi khí hậu không chỉ làm tăng tỷ lệ thiếu dinh dưỡng ở các khu vực bị ảnh hưởng nhất trên toàn cầu, mà còn làm suy giảm khả năng thích ứng với nhiệt độ tăng dự kiến của mỗi người.
Tác động của khí hậu lên năng suất cây trồng sẽ làm gia tăng số lượng trẻ em bị suy dinh dưỡng, khoảng 11 triệu trẻ em ở châu Á, 10 triệu bé ở châu Phi và 1,4 triệu em nhỏ ở châu Mỹ Latinh.
Đến năm 2050, sản lượng cây trồng ở châu Á dự kiến sẽ giảm 50% đối với lúa mì, 17% đối với gạo và điều này sẽ đe dọa hàng tỷ người sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp.
Minh Anh (T/h)