Những tranh cãi quanh kiến nghị xin lùi thu tiền tài nguyên nước, khoáng sản

An Nhiên|01/11/2019 15:02
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Các đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi ‘có lợi ích nhóm hay không’ khi chậm ban hành quy định hướng dẫn cách thu, mức thu tiền tài nguyên nước, khoáng sản.

Trong báo cáo giải trình đại biểu Quốc hội về việc lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước tại Nghị trường Quốc hội chiều 1/11, Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường xin nhận trách nhiệm với tư cách là cơ quan chủ trì xây dựng, trình Chính phủ các Nghị định; chưa kịp thời báo cáo, đề xuất Chính phủ, trình cấp có thẩm quyền để tháo gỡ.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng khẳng định việc chậm ban hành Nghị định về vấn đề trên không có chuyện “lợi ích nhóm” và “nếu bây giờ cho lùi thời hạn hay cho miễn tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước thì người dân sẽ được hưởng lợi.”

Bộ trưởng Hà cho hay, một trong những nguyên nhân Chính phủ chậm ban hành hai nghị định trên là do giai đoạn 2011-2016 có tình trạng “quá tải” xây dựng văn bản pháp luật với số lượng gần 500 các văn bản dưới luật, nghị định và hơn 100 bộ luật. Mặt khác, chính sách thu tiền cấp quyền khai thác mỏ là một chính sách mới, được đưa ra trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, ngành khai thác khoáng sản bị ảnh hưởng, nhiều doanh nghiệp bị phá sản nên thời điểm đó Quốc hội cũng khẳng định cần phải có chính sách để “khoan dân”.

Thời điểm Bộ Tài nguyên & Môi trường Bộ trưởng Hà triển khai hội nghị đánh giá nghị định hướng dẫn Luật Tài nguyên thì nảy sinh vấn đề “thuế chồng thuế” vì bản chất thu cấp quyền khai thác tài nguyên cũng là một loại thuế.

Một nguyên nhân nữa được ông đưa ra là, đến nay Việt Nam chưa đánh giá được trữ lượng các mỏ khoáng sản, để làm căn cứ thu tiền cấp quyền khai thác. “Có gần 4.000 giấy phép khai thác khoáng sản địa phương cấp là không có đánh giá trữ lượng trước đó. Luật Khoáng sản ban hành chính là thay đổi toàn bộ tư duy để quản lý. Đánh giá trữ lượng của một mỏ nhỏ cũng mất khoảng vài năm, như TKV hiện nay có những mỏ vẫn chưa đánh giá xong trữ lượng”, Bộ trưởng Hà dẫn chứng.

Ông cũng khẳng định việc lùi thời hạn thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản là hợp lý, vì thực tế Luật Khoáng sản không quy định về hồi tố mà chỉ quy định từ khi luật này ban hành thì sau khi có đánh giá trữ lượng (thường mất khoảng 3 đến 5 năm).

“Bây giờ có lùi thời hạn thu thì dựa trên tổng trữ lượng và được phân kỳ ra thu lần thứ nhất, thứ hai, thứ ba. Như vậy, không ảnh hưởng gì đến việc chúng ta lùi một, hai năm mà vẫn thu trên tổng số lượng đó, tức là thu trước 2 năm và thu bây giờ thì vẫn dựa trên toàn bộ đánh giá trữ lượng mỏ”, ông phân trần.

Khai thác tài nguyên nước sẽ phải trả phí

Ông Tạ Văn Hạ – Ủy viên thường trực Uỷ ban Văn hoá, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng gọi đây là “lỗi của nhiệm kỳ trước”, và lý do xin lùi của Chính phủ nêu trong tờ trình chưa thuyết phục. Để đảm bảo công bằng, ông đề nghị Chính phủ phải

xem rõ có dấu hiệu tham nhũng, trục lợi chính sách ở đây không?

“Tôi cho rằng vấn đề này không chỉ là vấn đề thực thi chính sách pháp luật mà còn giảm uy tín, giảm ‘thượng tôn pháp luật’. Nếu chỉ xử lý kiểm điểm, rút kinh nghiệm là chưa thoả đáng”, ông Hạ nhấn mạnh.

Ông Hoàng Quang Hàm – Uỷ viên Uỷ ban Tài chính ngân sách cũng cho rằng, khó khăn Chính phủ nêu chưa thuyết phục. Và bản chất xin lùi thời gian là “không tính, không thu khoản cấp quyền này”. Ông Hàm phân tích, tại thời điểm ban hành các nghị định thì các khoản thu cấp quyền này không phải là các chính sách mới mà đã được luật định từ lâu và là khoản thu không hồi tố.

Hơn nữa, theo ông, việc thu cấp quyền khai thác được ban hành để ngăn chặn tình trạng thất thu từ khoáng sản, tài nguyên nên không thể miễn thu khoản thu này chỉ vì lý do Chính phủ chậm ban hành nghị định là chưa thoả đáng.

Ngoài ra, việc cho rằng do có các doanh nghiệp dừng hoạt động, phá sản nên khó khăn, không khả thi khi thu, theo ông Hàm không đáng lo vì trường hợp này sẽ được khoanh nợ, xóa nợ theo qui định của Luật Quản lý thuế.

“Thực tế còn nhiều doanh nghiệp đang hoạt động để có thể thu. Việc phải tính toán lại và bù trừ với các khoản đã nộp ngân sách cũng không đáng ngại vì khi tính lại chắc chắn sẽ tăng thu thêm cho ngân sách”, ông Hoàng Quang Hàm nói, và đề nghị Chính phủ rà soát, tính toán đủ các khoản phải nộp ngân sách, xác định các khoản không thể thu được, nguyên nhân, số còn lại phải thu.

“Đây là khoản thu ngân sách theo luật định nên việc phải nộp vào ngân sách là bình thường”, ông Hàm nêu, và nhấn mạnh Chính phủ cần xử lý nghiêm những trường hợp ban hành văn bản hướng dẫn luật chậm để bảo đảm quyền lợi của các bên được điều chỉnh bởi văn bản.

Cho rằng, đề xuất xin lùi thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, tài nguyên nước là “vấn đề mới, chưa có tiền lệ”, đại biểu Nghiêm Vũ Khải nói nên lùi lại việc thông qua Nghị quyết này tới kỳ họp giữa năm 2020. Lý do, ông Khải cho hay, số ước tính 5.000 tỷ đồng là ước lệ, chưa đủ tin cậy, mà có thể lớn hơn. Bên cạnh đó, liệu chỉ có khoáng sản, tài nguyên nước thất thoát nguồn thu do chậm ban hành văn bản hướng dẫn thi hành luật hay còn những nguồn thu khác?

“Phải đánh giá cụ thể, việc thất thoát này, tránh tạo tiền lệ xấu sau này. Khoản nào không thu được thì xin Quốc hội miễn giảm”, ông Khải đề nghị.

Trong khi đó, ở góc độ lãnh đạo một doanh nghiệp Nhà nước lớn trong lĩnh vực khai thác khoảng sản, ông Lê Minh Chuẩn – Chủ tịch Tập đoàn Than, khoáng sản Việt Nam (TKV) tha thiết đề nghị Quốc hội thông qua nghị quyết cho lùi thời gian thu các khoản tiền trên, bởi thực tế cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý Nhà nước đều rất khó khăn.

Ông Chuẩn nói, sau 2,5 năm khi Luật Khoáng sản có hiệu lực thì nghị định 203 hướng dẫn thi hành mới có hiệu lực, từ 20/1/2014. Trong khoảng thời gian đó các doanh nghiệp đã được hạch toán kinh tế, phân bổ lợi nhuận và công khai tài chính. “Giờ nếu hồi tố lại thì chúng ta phải hồi tố sau thời kỳ 2014 và không có cơ sở pháp lý để thu tiền thu nhập doanh nghiệp. Và nếu hồi tố thì doanh nghiệp rất khó khăn, nhất là việc tái đấu tư lại phát triển các mỏ than. Đây là một vấn đề không khả thi chút nào”, Chủ tịch TKV chia sẻ.

Chưa kể, giai đoạn 2011 – 2013 nhiều doanh nghiệp Nhà nước, trong đó có TKV đã cổ phần hoá. Trường hợp hồi tố lại khoản thu này sẽ rất khó khăn vì có đơn vị đã tách ra, đơn vị còn trực thuộc.

Chủ tịch TKV đề xuất để tránh hiểu lầm việc xin lùi thời gian thu tiền là tạm hoãn thu và sau này có thể truy thu, Nghị quyết của Quốc hội sửa cụm từ “lùi thời gian thu tiền cấp quyền” thành “lùi thời điểm bắt đầu tính tiền cấp quyền”. Theo đó thời điểm bắt đầu tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và tài nguyên nước sẽ không được tính từ ngày Luật Khoáng sản và Luật Tài nguyên nước có hiệu lực mà sẽ được xác định tại thời điểm các nghị định có hiệu lực.

An Nhiên

   
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Những tranh cãi quanh kiến nghị xin lùi thu tiền tài nguyên nước, khoáng sản
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.