Biến đổi khí hậu: Lượng khí CO2 trong khí quyển tăng kỷ lục

Ngọc Ánh (t/h)|27/03/2019 03:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Lượng khí thải carbon trong lĩnh vực năng lượng đã tăng lên mức cao kỷ lục trong năm 2018 do nhu cầu tiêu thụ năng lượng và việc sử dụng than đá gia tăng, chủ yếu ở các nước châu Á.

Ảnh minh họa

Trong báo cáo công bố ngày 26/3, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho biết, trong năm ngoái, lượng khí thải CO2 liên quan tới năng lượng đã tăng 1,7% so với năm 2017 lên 33 tỷ tấn, mức cao nhất trong 6 năm qua, trong đó khí thải từ hoạt động sản xuất điện năng chiếm gần 70%.

Cụ thể, lượng khí thải CO2 của Mỹ tăng 3,1%, đảo ngược đà giảm trong năm 2017, trong khi mức tăng của Trung Quốc và Ấn Độ lần lượt là 2,5% và 4,5%. Tại châu Âu, lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính đã giảm 1,3% so với một năm trước đó. Nhật Bản cũng chứng kiến mức giảm lượng khí phát thải trong năm thứ 5 liên tiếp.

Các nhà khoa học cho rằng sự gia tăng bất thường lượng khí phát thải toàn cầu trong vòng 5-6 năm trở lại đây đã cho thấy có sự thay đổi trong sử dụng than đá. Bà Le Quere chỉ rõ xu hướng này liên quan đến nhu cầu tiêu thụ than đá tăng nhanh tại Trung Quốc. Trong khi lượng khí CO2 phát thải từ việc đốt than đá chiếm tới 40% lượng khí CO2 toàn cầu, thì Trung Quốc chiếm tới 27% và dự báo con số này sẽ tăng thêm 4,7% trong năm 2018.

Cũng với xu hướng này, Mỹ sẽ ghi nhận khí CO2 phát thải tăng 2,5%, chiếm 15% lượng khí toàn cầu trong năm 2018. Ấn Độ, quốc gia chiếm tới 7% khí CO2 toàn cầu, cũng chứng kiến xu hướng tương tự với mức tăng 6%. Trong khi đó, các nước Liên minh châu Âu sẽ ghi nhận mức khí gây ô nhiễm này giảm nhẹ và chỉ chiếm 0,1% lượng khí CO2 toàn cầu. Các nhà khoa học cảnh báo tình trạng gia tăng khí CO2 phát thải có thể khiến con người phải hứng chịu nắng nóng nghiêm trọng vào mùa hè và lạnh giá vào mùa đông.

Khí thải carbon dioxide là nguyên nhân chính khiến nhiệt độ trung bình toàn cầu gia tăng. Việc kiềm chế mức tăng nhiệt toàn cầu đang là thách thức đối với nhiều nước trên thế giới nhằm tránh những tác động tiêu cực của tình trạng biến đổi khí hậu.

IEA đã lần đầu tiên đánh giá tác động của việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch đối với mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu và nhận thấy rằng lượng khí CO2 thải ra từ việc tiêu thụ than đá là nguyên nhân gây ra mức tăng nhiệt 0,3 độ C trong mỗi mức tăng 1 độ C của nhiệt độ toàn cầu. Trong năm 2018, lượng khí thải CO2 từ than đá được sử dụng để sản xuất điện đã lần đầu tiên vượt quá 10 tỷ tấn.

Trong khi đó, mức tăng trưởng hai con số trong sản xuất điện Mặt trời và điện gió vẫn chưa đủ nhanh để đáp ứng nhu cầu điện năng đang gia tăng vốn cũng đã thúc đẩy việc sử dụng than đá – loại nhiên liệu thải nhiều carbon nhất. Trung Quốc, Mỹ và Ấn Độ chiếm gần 70% tổng nhu cầu tiêu thụ năng lượng toàn cầu. Về than đá nói riêng, các nước châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Philippines và Malaysia là những nước tiêu thụ nhiều nhất.

Giám đốc điều hành của IEA Fatih Birol cảnh báo: “Chúng ta đang chứng kiến sự gia tăng bất thường về nhu cầu năng lượng toàn cầu trong năm 2018, hiện tăng ở mức nhanh nhất trong thập kỷ này.” Ông Birol nhấn mạnh, mặc dù năng lượng tái tạo đã tăng trưởng mạnh song lượng khí thải trên toàn cầu vẫn tăng, một lần nữa cho thấy thế giới cần nhiều hành động khẩn cấp hơn trên tất cả các lĩnh vực để giải quyết tình trạng biến đổi khí hậu.

Báo cáo của IEA được công bố trong bối cảnh hàng loạt báo cáo mới nhất cho thấy những thách thức về khí hậu vẫn chưa được giải quyết. Ủy ban Liên chính phủ Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (IPCC) cho rằng các nước cần phải giảm 50% lượng khí thải CO2 tới năm 2030 và đạt mức không khí thải vào năm 2050 nếu mức tăng nhiệt độ toàn cầu đạt mức giới hạn an toàn 1,5 độ C.

Bên cạnh đó, ngày càng gia tăng mối lo ngại về khả năng hấp thụ CO2 trong tự nhiên đang suy yếu. Các nghiên cứu trong những năm gần đây cho thấy nhiều cánh rừng đang bị khai thác và suy thoái nhanh đến mức chúng thải ra nhiều khí thải hơn là hấp thụ.

Ngọc Ánh (t/h)

Bài liên quan
  • Bão có xu hướng hoạt động muộn, nguy cơ xâm nhập mặn ở Nam Trung bộ
    Moitruong.net.vn – Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia nhận định, mùa bão 2019 trên khu vực Biển Đông có xu hướng hoạt động muộn so với trung bình nhiều năm. Trong khi đó, khu vực ven biển, Bắc và giữa Biển Đông trong nửa cuối tháng 2 đến tháng 3 xuất hiện gió mạnh do hoạt động của gió mùa Đông Bắc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Biến đổi khí hậu: Lượng khí CO2 trong khí quyển tăng kỷ lục
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.