Theo tổ chức khí tượng thế giới hôm 28/3 công bố báo cáo cho thấy, nhiệt độ của các đại dương tăng cao kỷ lục trong năm 2018 vừa qua, đe dọa nghiêm trọng hệ sinh thái biển và đặt cộng đồng thế giới trước những thách thức mới trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Phần lớn các hiểm họa tự nhiên trong năm 2018 vừa qua là có liên quan tới điều kiện khí hậu và thời tiết cực đoan. Trong đó, lũ lụt ảnh hưởng tới nhiều người nhất, hơn 35 triệu người. Hơn 1.600 người chết do các đợt nắng nóng khắc nghiệt và cháy rừng tại châu Âu, Nhật Bản và Mỹ. Chỉ riêng tại Mỹ thiệt hại về vật chất ước tính lên tới 24 tỷ USD, một con số kỷ lục. Còn tại Ấn Độ, bang Kerala cũng lần đầu tiên trong gần 1 thế kỷ qua phải chứng kiến những trận mưa lớn và lũ lụt tàn phá khủng khiếp như năm 2018 qua.
Hoàng hôn trên đại dương. Ảnh: Ensia.
Trong báo cáo công bố hôm qua về tình trạng khí hậu trên thế giới, Tổ chức Khí tượng thế giới cho biết, nhiệt độ của các đại dương trong năm 2018 tăng lên các mức cao nhất kể từ khi số liệu chính xác bắt đầu được ghi nhận vào những năm 1950 và vượt mức kỷ lục trước đó được ghi nhận vào năm 2017. Báo cáo cũng cung cấp chi tiết về sự gia tăng các “biểu hiện vật lý” của biến đổi khí hậu, như tần xuất và mức độ của các hiện tượng thời tiết cực đoan, cũng như những tác động ngày càng tăng về kinh tế – xã hội.
Tổng thư ký Tổ chức Khí tượng thế giới Petteri Taalas cho biết: “Chúng ta có những số liệu rõ ràng về các thảm họa thiên nhiên xảy ra trong 10 năm qua và sức tàn phá khủng khiếp của các trận lũ lụt, của hạn hán, của các đợt nắng nóng,… Gần 1 nửa dân số thế giới chịu tác động của các thảm họa tự nhiên nghiêm trọng như thế này. Chúng ta cần phải hành động khẩn cấp chống biến đổi khí hậu”.
Phát biểu với báo chí tại thành phố New York, Mỹ Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cho biết, những dữ liệu được nêu trong bản báo cáo là rất đáng lo ngại. Bốn năm vừa qua là những năm nóng nhất từng được ghi nhận và nhiệt độ trung bình bề mặt trái đất trong năm 2018 vừa qua cũng cao hơn khoảng 1 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đồng thời cảnh báo sự bất lực của cộng đồng quốc tế trong nỗ lực đảo ngược xu hướng khí hậu. Theo ông, thế giới đang tiến rất gần tới thời điểm mà mọi thứ không còn thể cứu vãn được nữa. Cuộc chiến chống biến đổi khí hậu cần những hành động, kế hoạch cụ thể chứ không phải những lời nói suông.
Ông Guterres nói: “Đã đến lúc phải hành động. Chúng ta cần hành động đa phương của tất cả các chính phủ và cần hợp tác với khu vực tư nhân, xã hội dân sự. Các cuộc tuần hành khí hậu toàn cầu đang gửi một thông điệp rõ ràng. Giới trẻ đang yêu cầu các nhà lãnh đạo ngày nay hành động thay mặt cho các thế hệ tương lai. Chúng ta phải giải quyết tình trạng khẩn cấp toàn cầu này với tham vọng và sự cấp bách”.
Chia sẻ quan điểm này Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp Quốc Maria Fernanda Espinosa cho rằng, cần phải đưa ra những cam kết mạnh mẽ hơn, những tham vọng lớn hơn.
Hầu hết các nhà khoa học khí hậu cho rằng phát thải khí nhà kính nhân tạo đang làm nóng bầu khí quyển, và một phần lớn nhiệt được các đại dương hấp thụ. Đó là nguyên nhân khiến cá phải chạy trốn đến vùng nước mát.
“Sự nóng lên toàn cầu đang diễn ra, và đã gây ra những hậu quả lớn. Không còn nghi ngờ gì nữa!”, các tác giả viết.
“Dữ liệu được công bố vào tuần tới sẽ cho thấy năm 2018 là năm nóng nhất trong kỷ lục của đại dương toàn cầu, vượt qua năm 2017”, tác giả chính Lijing Cheng đến từ Viện Vật lý Khí quyển thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc cho biết.
Ông nói với Reuters rằng các kỷ lục về sự nóng lên của đại dương đã bị phá vỡ gần như hàng năm kể từ năm 2000.
Nước biển ấm hơn cũng làm tăng mực nước biển bằng cách làm tan băng, xung quanh rìa Nam Cực và Greenland.
Linh Chi (t/h)