Biện pháp phòng dịch bệnh trên lúa tại các tỉnh Nam Bộ

Trần Hiếu|07/07/2017 01:43
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Cần xác định thời vụ xuống giống thích hợp trên cơ sở điều kiện của từng vùng từng địa phương. Phải dựa vào kết quả máy đèn để xác định rầy nâu trên đồng và tiến hành xuống giống. Chọn những giống chống chịu rầy nâu, bệnh VL-LXL để đưa vào cơ cấu.

Nông dân trao đổi kinh nghiệm phòng trừ rầy nâu, VL-LXL

Thông tin trên Nông nghiệp, trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp cùng Cục Bảo vệ thực vật, Sở NN-PTNT Cần Thơ vừa tổ chức diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề “Biện pháp phòng chống rầy nâu và bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá trên lúa tại các tỉnh Nam Bộ”.

Theo đánh giá của Cục BVTV, rầy nâu và bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá (VL-LXL) có thể gây hại rất lớn. Trong giai đoạn từ 2006 – 2008 đối tượng rầy nâu đã gây hại nghiêm trọng và phát tán thành dịch tại các tỉnh phía Nam. Thực tế, diện tích lúa giai đoạn này bị nhiễm rầy nâu lên tới 1,5 triệu ha và bị bệnh LXL trên 300.000ha. Chỉ tính riêng 5 năm, từ 2006 – 2010 ước có khoảng 37.800ha lúa phải tiêu hủy do bệnh VL-LXL, gây tổn thất trên 2 triệu tấn lúa.

Trong vụ HT 2017 rầy nâu và bệnh VL-LXL tái phát, mật độ rầy nâu trên đồng tăng, có một số diện tích bị cháy cục bộ, mức độ phân bố bệnh VL-LXL khá rộng từ các tỉnh ĐBSCL đến miền Đông Nam Bộ.

Tại Hậu Giang vụ lúa ĐX 2016 – 2017, chỉ có hơn 1.600ha lúa bị rầy nâu gây hại và chủ yếu ở mức nhiễm nhẹ. Tuy nhiên, vụ HT 2017, diện tích bị rầy nâu hoành hành tăng đột biến lên hơn 5.100ha. Đặc biệt, vụ TĐ 2017, tính đến thời điểm này, mặc dù chỉ mới xuống giống khoảng 23.900ha, nhưng đã có gần 6.300ha nhiễm rầy nâu, trong đó có 2.100ha mật số tập trung rất cao từ 3.000 – 14.000 con/m2.

Tại Bạc Liêu, trong 6 tháng đầu năm 2017 cũng đã ghi nhận khoảng 27.700ha lúa nhiễm rầy nâu (chiếm 26,4% diện tích gieo trồng). TP Cần Thơ cũng có ít nhất 3.300ha lúa bị nhiễm dịch hại, cao hơn 2.700ha so với cùng kỳ vụ HT 2016.

Tỉnh có “sở đoản” về cây lúa như Cà Mau, với hơn 35.000ha đất sản xuất 2 vụ lúa/năm, năm 2016 cũng có hơn 3.800ha lúa nhiễm rầy nâu, bằng gần 50% diện tích lúa bị nhiễm rầy nâu nặng nhất vào năm 2007.

Ông Trần Văn Khởi, Quyền GĐ Trung tâm KNQG cho biết, chỉ riêng vụ HT 2017 đã có hơn 300.000ha lúa nhiễm rầy nâu, trên 8.000ha lúa bị bệnh VL-LXL tập trung chủ yếu tại các tỉnh thành vùng ĐBSCL. Dự báo vụ lúa TĐ này rầy nâu sẽ di trú với số lượng lớn, nguy cơ bùng phát dịch bệnh rất cao nếu không kịp thời phòng tránh.

Nói về giải pháp, ông Khởi cho rằng, cần xác định thời vụ xuống giống thích hợp trên cơ sở điều kiện của từng vùng từng địa phương. Phải dựa vào kết quả máy đèn để xác định rầy nâu trên đồng và tiến hành xuống giống. Chọn những giống chống chịu rầy nâu, bệnh VL-LXL để đưa vào cơ cấu. Cần xuống giống tập trung, đồng loạt, né rầy. Đảm bảo vụ cách vụ từ 20 – 30 ngày, sạ thưa, đảm bảo mức từ 80 – 100 kg/ha. Điều tiết nước hợp lý, hạn chế bón đạm. Thường xuyên thăm đồng, khoanh vùng rầy nâu, nếu mật độ trên 2.000 con phải phun thuốc kịp thời, đồng loạt và tập trung cho cả vùng.

Trần Hiếu


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Biện pháp phòng dịch bệnh trên lúa tại các tỉnh Nam Bộ
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.