Bình Định: Chủ động quản lý an toàn hồ, đập thủy điện trước mùa mưa bão

Vũ Thành|19/09/2022 10:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Trước mùa mưa bão, các nhà máy thủy điện đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Bình Định đã chủ động hoàn thành việc duy tu, bảo dưỡng hệ thống máy móc vận hành, đảm bảo an toàn hồ, đập, lên kế hoạch ứng phó các tình huống có thể xảy ra.

Trong tháng 8, Sở Công Thương Bình Định phối hợp với các cơ quan, đơn vị và địa phương có liên quan tổ chức kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy điện. 5 thủy điện hoạt động tại địa bàn tỉnh được kiểm tra gồm: Thủy điện Vĩnh Sơn, thủy điện Định Bình, thủy điện Trà Xom, thủy điện Vĩnh Sơn 5, thủy điện Ken Lút hạ (huyện Vĩnh Thạnh).

Theo báo cáo của Sở Công Thương, hiện trạng đập, hồ chứa của các công trình thủy điện đang hoạt động bình thường, các hạng mục công trình không có hiện tượng bất thường xảy ra như nứt nẻ, sạt trượt mái bờ hay xói lở hạ lưu..., 4/5 đập thủy điện theo thiết kế có lắp đặt thiết bị quan trắc. Riêng công trình thủy điện Ken Lút hạ có đập, hồ chứa nhỏ với dung tích là 67.415 m3 nên không thiết kế trang thiết bị quan trắc, chủ yếu quan sát, theo dõi bằng trực quan. Các chủ hồ chứa thủy điện đã thực hiện công tác quản lý an toàn đập, hồ chứa và báo cáo hiện trạng an toàn đập, hồ chứa thủy điện đúng theo quy định tại Nghị định 114, Thông tư 09 và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

an-toan-ho-dap.jpg
Đoàn công tác Sở Công Thương Bình Định kiểm tra tại thủy điện Vĩnh Sơn 5

Ông Nguyễn Văn Phú, Chủ tịch Công ty TNHH Khai thác công trình Thủy lợi Bình Định, cho biết: Hồ Định Bình có dung tích lớn 226,21 triệu m3. Trước mùa mưa lũ, công ty tiến hành kiểm tra đập bê tông đảm bảo an toàn công trình; 6 cửa tràn xả mặt và 6 cửa tràn xả đáy hoạt động bình thường. Hệ thống điện vận hành công trình và máy phát điện dự phòng; thiết bị đo mực nước thượng lưu đập, các thiết bị đo mưa tự động; 12 camera giám sát vận hành cửa tràn; hệ thống mái gia cố và đường quản lý hoạt động bình thường…

Các đơn vị đã bố trí lực lượng thường xuyên theo dõi, kiểm tra các hạng mục công trình liên quan đến công tác vận hành an toàn đập, hồ chứa thủy điện. Công ty CP Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh đã hoàn chỉnh báo cáo hiện trạng an toàn đập, phương án ứng phó thiên tai, đảm bảo các thiết bị ở trạng thái vận hành tin cậy trước mùa lũ. Đồng thời chuẩn bị đầy đủ điều kiện cần thiết về nhân lực, vật tư, phương tiện, thiết bị, đảm bảo hệ thống thông tin liên lạc thông suốt, sẵn sàng ứng phó giảm nhẹ thiệt hại khi có thiên tai hoặc sự cố xảy ra.

Toàn tỉnh có 6 thủy điện đang hoạt động thì có 5 thủy điện ở huyện Vĩnh Thạnh. Do đó, trước mùa mưa bão, UBND huyện Vĩnh Thạnh chỉ đạo chủ tịch UBND các xã Vĩnh Hảo, Vĩnh Hiệp, Vĩnh Kim, Vĩnh Sơn và các đơn vị trực thuộc là CA, Ban CHQS huyện, Phòng NN&PTNT, Phòng Kinh tế và Hạ tầng, Trạm Viễn thông, Trung tâm VH-TT-TT, Trạm điện 35 KV huyện, Điện lực Phú Phong, có biện pháp đảm bảo ANTT, thông tin liên lạc, điện vận hành công trình để ứng phó với thiên tai.

Ông Bùi Tấn Thành, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: Trong trường hợp bão mạnh, mưa lũ lớn bất thường, các đơn vị liên quan của huyện cập nhật thông tin về tình hình thời tiết; thông tin chỉ đạo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh. Cùng với đó, huyện chỉ đạo huy động khẩn cấp nhân lực, vật lực tại chỗ để ứng cứu và tổ chức phương án di dời dân; thông báo kịp thời tình hình vận hành điều tiết lũ công trình cho UBND các xã và nhân dân vùng hạ lưu biết để chủ động đối phó. Lực lượng xung kích các xãđã được thành lập từ 40 - 80 người/đội/xã, sẵn sàng ứng phókhi được huy động. Trong trường hợp khẩn cấp, huyện sẽ báo cáo UBND tỉnh huy động lực lượng hỗtrợ.

Nằm trong khu vực có thể chịu ảnh hưởng của mưa lũ và quá trình điều tiết các hồ thủy điện, UBND các huyện Tây Sơn, Tuy Phước và TX An Nhơn đã lên phương án phòng, chống cụ thể. Theo đó, sau khi nhận được thông báo về việc điều tiết lũ của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh, các địa phương phải thông báo kịp thời theo quy định tình hình vận hành xả lũ cho nhân dân trên địa bàn biết để phòng tránh. Địa phương và các cơ quan, đơn vị cũng bàn phương án phối hợp thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn công trình, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân trên địa bàn khi điều tiết lũ và xảy ra trường hợp khẩn cấp.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Bình Định: Chủ động quản lý an toàn hồ, đập thủy điện trước mùa mưa bão
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.