Bình Định: Đề xuất lễ hội đô thị Nước Mặn là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Minh Trang|09/03/2021 12:26
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Bình Định đang lập hồ sơ kiến nghị Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch đưa lễ hội đô thị Nước Mặn vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Sở VH-TT tỉnh Bình Định đang xây dựng hồ sơ khoa học di sản lễ hội Đô thị Nước Mặn, tham mưu UBND tỉnh này trình Bộ VH-TT&DL xem xét, đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Lễ hội đô thị Nước Mặn mừng đón mùa xuân mới ở Bình Định. Ảnh: T.Th.

Lễ hội Đô thị Nước Mặn được tổ chức từ ngày 29 tháng Giêng đến mùng 3.2 âm lịch, tại Chùa Bà (thôn An Hòa, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước). Lễ hội nhằm để tưởng nhớ các vị thần, các bậc tiền nhân khai sinh lập địa ra cảng thị Nước Mặn.

Theo ông Nguyễn Văn Chín – Trưởng ban quản lý Khu di tích lịch sử Chùa Bà, vào thế kỷ XVIII, vùng đất An Hòa là vùng đầm lầy nước mặn, chưa có người dân sinh sống.

Qua biến đổi thời gian, nơi đây trở thành một trong những thương cảng lớn nhất xứ Đàng Trong. Đó là thương cảng Nước Mặn khi đó có tên trên bản đồ hàng hải của người Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha.

Từ lúc đó, người dân vùng cảng thị Nước Mặn đã xây dựng ngôi chùa thờ các vị gồm Thiên Hậu Thánh Mẫu, Bà Thai sanh (Bà Mụ) và Thần Hoàng làng để tưởng nhớ những người có công xây dựng nên cảng Nước mặn; phù hộ cho người đi biển, buôn bán mưa thuận gió hòa, an cư lạc nghiệp.

Đây là một trong những lễ hội truyền thống, có quy mô lớn ở Bình Định, với nhiều nghi lễ trang trọng gồm lễ tế Thiên Hậu Thánh Mẫu, Thần Hoàng làng, Bà Thai sanh…

Ông Nguyễn Văn Ngọc – Phó phụ trách Phòng Văn hóa – Gia đình (Sở VH-TT) cho hay, lễ hội Đô thị Nước Mặn là loại hình lễ hội dân gian chuyển tải những nét văn hóa bản địa, trải qua quá trình giao thoa, tiếp biến, thể hiện tinh thần nhân văn, cầu an, chúc phúc, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng.

Trước ngày diễn ra lễ hội, bà con ở An Hòa cùng nhau quét dọn, vệ sinh môi trường đường làng, cổng ngõ. Từng gia đình tổ chức gói bánh tét, bánh chưng, bánh bột lọc…

Ngoài ra, mỗi gia đình cũng chuẩn bị mâm cơm với các món ăn dân dã, truyền thống như một dịp Tết cổ truyền thứ hai trong năm để dâng lên tiền nhân, sau là chiêu đãi khách, họ hàng, bạn bè ở xa về thăm, chúc phúc gia đình.

Lễ hội Đô thị Nước Mặn nhằm để tưởng nhớ các vị thần, các bậc tiền nhân khai sinh lập địa ra cảng thị Nước Mặn. Ảnh: V.N

Ông Tạ Xuân Chánh – Giám đốc Sở VH-TT cho rằng, việc xây dựng hồ sơ khoa học di sản lễ hội Đô thị Nước Mặn để trình Bộ VH-TT&DL xem xét, đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia sẽ góp phần hoạch định, đề ra kế hoạch bảo vệ và phát huy giá trị di sản trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội.

Đồng thời, xứng với giá trị lịch sử, văn hóa vùng đất được ghi dấu là một trong những nơi “phôi thai” chữ Quốc ngữ.

Minh Trang

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bình Định: Đề xuất lễ hội đô thị Nước Mặn là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia