(Moitruong.net.vn) – Thời gian gần đây, tình trạng khai thác khoáng sản trái phép hoặc lợi dụng chủ trương cải tạo đất “móc ruột” tài nguyên đang diễn ra phổ biến tại nhiều địa phương trên địa bàn huyện Phù Cát, Bình Định.
Lợi dụng phương án cải tạo đồng ruộng ở khu Đồng Gai, xã Cát Trinh (huyện Phù Cát) để khai thác đất làm đất sét
Khai thác đất trái phép
Thông tin đăng trên báo TNMT, tại ở thôn Liên Trì, xã Cát Nhơn (huyện Phù Cát), gần đây bà con ở địa phương phản ánh ông Tạ Công Dũng (trú thôn Đại Ân, xã Cát Nhơn, huyện Phù Cát) tự ý thuê người, đưa máy đào, xe ben vào khu vực Suối Cạn ở địa phương tiến hành khai thác đất trái phép. Nhận được tin báo, Chủ tịch UBND xã Cát Nhơn đã chỉ đạo bộ phận chuyên môn vào cuộc kiểm tra. Qua đó, tổ công tác của xã đã phát hiện ông Dũng đã khai thác hơn 4.900m3 đất. Ngoài ra, tình trạng khai thác đất trái phép cũng đang diễn ra ở khu nghĩa địa cải táng Cát Nhơn – Cát Hưng. Các đối tượng lấy đất ở đây bằng hình thức dùng xẻng xúc đất lên xe công nông, rồi chở đi nơi khác để tiêu thụ.
Ông Nguyễn Mai Tây, cán bộ địa chính xã Cát Nhơn, xác nhận: “Khối lượng đất ông Dũng khai thác trái phép nằm trên thửa đất được xã giao quyền cho ông Nguyễn Bá Nhơn (trú xã Cát Hanh, huyện Phù Cát) sử dụng theo dự án trồng rừng WB3 và một phần diện tích đất đồi núi do UBND xã Cát Nhơn quản lý. Xã đã báo cáo vụ việc cho UBND huyện Phù Cát để có hướng xử lý”.
Tại xã Cát Trinh, gần đây Công ty TNHH Hưng Thiên Long (trụ sở ở thôn Hòa Mỹ, Xã Bình Thuận, huyện Tây Sơn), lợi dụng việc cải tạo đồng ruộng tại khu Đồng Gai, ở thôn Phú Nhơn, để lấy đất sét đem bán cho các lò gạch ở huyện Tây Sơn. Quá trình cải tạo, xe đào, múc cả tầng đất mặt, nạo sâu xuống tầng đất sét. Xe chở đất không che chắn, gây rơi vãi đất xuống đường, gây bụi bặm, làm ảnh hưởng đến cuộc sống khu dân cư. Từ phản ánh của dân, PV đã tiếp cận hiện trường và thấy rằng phản ánh của bà con là có cơ sở.
Theo tìm hiểu, chúng tôi được biết, phương án cải tạo đồng ruộng tại khu Đồng Gai được UBND xã Cát Trinh thể hiện tại văn bản số 01/PA-UBND ngày 30-8-2016 ghi rõ: Cách thức cải tạo phải giữ lại tầng đất mặt có độ dày 40 cm để phủ lên mặt ruộng sau khi hạ độ cao. Nhưng thực tế, máy đào múc cả tầng đất mặt đưa lên xe ben chở đi. “Đất có tỉ lệ đá, sỏi cao được xe chở về đổ tại sân vận động (cũ) xã Cát Trinh. Đất thịt, ít sỏi (đất sét – PV) được công ty đem bán cho các hộ làm gạch ở huyện Tây Sơn”, một nguồn tin ở thôn Phú Nhơn, xã Cát Nhơn, nói.
Tại xã Cát Lâm, tại cánh đồng thôn An Điềm, hiện tượng lợi dụng việc khắc phục sa bồi cát trên đồng ruộng để lấy cát đem bán cũng diễn ra ồ ạt. Tuy vậy, ông Trương Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch UBND xã Cát Lâm, cho rằng: “Do xã không chủ động được nguồn kinh phí để khắc phục, nên tạo điều kiện cho dân tự thu dọn”. Song, nguồn tin riêng của PV, cho biết máy đào, xe ben đang lấy cát ở địa điểm này do một cá nhân ở địa phương thực hiện với mục đích kinh doanh. Trước đó, tại thửa đất 121, tờ bản đồ số 19, tục danh Bờ Bạn, thôn Hiệp Long, UBND xã Cát Lâm cũng đã tự ý cho một cá nhân vào khai thác đất. Việc làm này theo Sở TN-MT Bình Định, đánh giá là vi phạm nghiêm trọng Luật Đất đai, Luật Khoáng sản.
Xe chở đất không che chắn, gây ô nhiễm ở thôn Phú Nhơn, xã Cát Trinh, huyện Phù Cát
Lãnh đạo UBND huyện Phù Cát “đá quả bóng” trách nhiệm
Để rõ hơn về công tác quản lý, hoạt động khai thác đất, cát trên địa bàn huyện Phù Cát qua các thông tin người dân phản ánh, PV liên lạc làm việc với ông Tạ Công Thượng, Trưởng phòng TN-MT huyện Phù Cát. Ông Thượng cho biết huyện đã có kế hoạch làm việc với xã Cát Nhơn để bàn hướng xử lý việc lấy đất trái phép của ông Tạ Công Dũng. Các nội dung còn lại ông cho rằng: “Bản thân không phải là “người có thẩm quyền phát ngôn” và yêu cầu PV liên hệ làm việc với Chủ tịch UBND huyện Phù Cát là ông Lương Văn Ngân”.
Sau đó, PV đã liên lạc với Chủ tịch UBND huyện Phù Cát, nhưng do có việc bận ông Ngân yêu cầu gọi cho Phó Chủ tịch UBND huyện phụ trách kinh tế là ông Bùi Quang Phương để trao đổi. Nhưng, khi PV gọi cho ông Phương thì vị này yêu cầu gọi cho ông Trần Văn Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện (người phụ trách lĩnh vực Tài nguyên – Môi trường) sẽ nắm rõ hơn. PV gọi điện cho ông Hương thì ông này cho biết không phải là “người có thẩm quyền phát ngôn” và yêu cầu gọi lại cho Chủ tịch UBND huyện.
Trong khi đó, ông Huỳnh Quang Vinh, Phó Giám đốc Sở TN-MT Bình Định, nhấn mạnh: “Để xảy ra tình hình khai thác đất, cát trái phép ở Phù Cát thì trách nhiệm thuộc về UBND huyện Phù Cát, chính quyền sở tại. Với chức năng quản lý về mặt Nhà nước, tuần này Sở TN-MT sẽ chỉ đạo phòng chuyên môn, lực lượng Thanh tra Sở về làm việc với phòng TN-MT huyện Phù Cát cùng các đơn vị liên qua; đồng thời, kiểm tra thực tế hiện trường và sẽ có biện pháp xử lý kiên quyết”.
Việc lạm dụng chủ trương cải tạo đồng ruộng để lấy đất làm mất đi tính năng giữ nước
Riêng về việc cải tạo đất tại khu Đồng Gai, ông Trương Bá Vinh, Phó phụ trách phòng Tài nguyên khoáng sản Sở TN-MT Bình Định, cho hay sau khi nhận đơn phản ánh của bà con, ngày 9-11-2016, Sở TN-MT đã cử Đoàn công tác về kiểm tra hoạt động khai thác đất tại đây. Qua kiểm tra cho thấy, việc vận chuyển đất thừa trong dự án cải tạo đồng ruộng là phù hợp với chủ trương đã được UBND huyện Phù Cát thống nhất. Tuy nhiên, UBND xã Cát Trinh không yêu cầu đơn vị thi công đăng ký khối lượng đất thừa với cơ quan có thẩm quyền là không đúng theo quy định của Luật Khoáng sản. Phương án cải tạo đồng ruộng chưa lập kế hoạch Bảo vệ môi trường để UBND huyện Phù Cát xác nhận là sai với quy định Luật Bảo vệ môi trường. Sau khi phát hiện các tồn tại này, Đoàn công tác yêu cầu UBND xã Cát Trinh thông báo cho đơn vị thi công lập hồ sơ đăng ký khối lượng đất, thời gian vận chuyển và các công trình để san nền từ lượng đất thừa, kế hoạch Bảo vệ môi trường gửi Sở TN-MT để báo cáo UBND tỉnh Bình Định quyết định.
Cũng theo nội dung biên bản làm việc vào ngày 9-11-2016, Đoàn kiểm tra nêu rõ: Việc vận chuyển đất ra khỏi khu vực dự án cải tạo đồng ruộng Đồng Gai chỉ được thực hiện khi hoàn thiện đầy đủ các yêu cầu trên. Thế nhưng đến nay, ông Huỳnh Quang Vinh, Phó Giám đốc Sở TN-MT Bình Định, xác nhận: “Đến nay, Sở vẫn chưa được được hồ sơ nào từ doanh nghiệp để trình xin, ý kiến của UBND tỉnh”. Trong khi vào các ngày 29, 30 và 31-3, PV nhận thấy quá trình vận chuyển đất ra ngoài dự án này vẫn công nhiên diễn ra; mỗi ngày có hàng chục lượt xe ben chở đất đi nơi khác.
Chưa hết, theo ông lời của Huỳnh Quang Vinh, thì qua trình bày của ông Nguyễn Ngọc Phước, Chủ tịch UBND xã Cát Trinh, ngoài cải tạo đồng ruộng, phần đất thừa được Công ty TNHH Hưng Thiên Long (đơn vị hợp đồng thực hiện cải tạo đồng ruộng với UBND xã) vận chuyển để nâng nền Khu quy hoạch dân cư trên nền sân vận động (cũ) xã Cát Trinh và nâng cấp một số tuyến đường đất trong khu vực. Ngoài ra, công ty này có vận chuyển bán cho các hộ để trang trải chi phí cải tạo (do việc cải tạo đồng ruộng là xã hội hóa). Do đó thấy rằng, việc cải tạo đồng ruộng tại khu Đồng Gai là có yếu tố kinh doanh. Căn cứ theo quy định của Luật Đất đai, Luật Khoáng sản, việc khai thác đất hoặc cải tạo đồng ruộng phải lập hồ sơ đăng ký khối lượng đất thừa, nơi vận chuyển, thời gian thực hiện gửi Sở TN-MT để báo cáo UBND tỉnh Bình Định và được sự đồng ý của tỉnh mới được triển khai. Vả lại có mục đích kinh doanh thì phải đóng thuế phí cho Nhà nước theo quy định. Đối với trường hợp này, Tổ công tác của Sở TN-MT sẽ tiến hành kiểm tra ngay, nếu doanh nghiệp vẫn đang hoạt động, Sở sẽ làm việc với địa phương đình chỉ hoạt động. Ai sai đến đâu xử đến đó.
Hoàng Nguyên