Bình Định: Triển khai mô hình phân loại rác thải tại nguồn

Nhật Hiên|20/06/2021 01:34
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – 400 hộ dân tại xã Cát Minh (huyện Phù Cát, Bình Định) được hỗ trợ thực hiện mô hình phân loại rác thải tại nguồn. Đây là hoạt động thiết thực nhằm giảm áp lực cho các bãi chôn lấp rác tại địa phương, đồng thời nâng cao nhận thức, tạo thói quen phân loại rác thải cho người dân.

Ngày 18/6, Qũy Bảo vệ Môi trường tỉnh Bình Định tổ chức tập huấn cho những hộ dân tham gia mô hình cách phân loại rác và xử lý rác thải bằng chế phẩm sinh học. Tham gia buổi tập huấn có 400 hộ dân thuộc 4 thôn gồm: Trung Chánh, Trung An, Xuân An, Gia Thạnh, Gia Lạc. Mỗi hộ dân tham gia mô hình phân loại rác thải được nhận hỗ trợ: 01 thùng chứa rác hữu cơ, 01 xọt nhựa đựng rác vô cơ có thể tái chế, 01 xọt nhựa đựng rác vô cơ không tái chế, 6 gói vi sinh xử lý rác thải loại bột, 02 chai vi sinh xử lý rác thải dạng nước. Tổng kinh phí thực hiện mô hình khoảng 200 triệu đồng. Trong đó, Qũy Bảo vệ Môi trường tỉnh Bình Định hỗ trợ 100 triệu đồng, còn lại trích từ nguồn ngân sách của địa phương.

Đại diện Qũy Bảo vệ Môi trường tỉnh Bình Định cho biết, thời gian tới, Qũy sẽ tiếp tục tài trợ kinh phí (khoảng 100 triệu đồng/xã) nhằm nhân rộng mô hình này cho 02 xã khác thuộc huyện Phù Cát.

Buổi tập huấn mô hình phân loại rác thải tại nguồn được tổ chức tuân thủ quy định về an toàn phòng chống dịch COVID-19

Được biết, năm 2019, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Định đã phối hợp với UBND huyện Phù Cát và UBND xã Cát Minh xây dựng mô hình phân loại và xử lý rác thải nông thôn cho 28 hộ dân thôn Trung An. Chế phẩm sinh học AT-Bio được sử dụng để xử lý rác thải hữu cơ cũng như chất thải từ mô hình chăn nuôi. Bước đầu, mô hình này cũng khá thành công. Tuy nhiên, hiện nay, các loại chế phẩm sinh học có giá thành cao, không phù hợp với thu nhập của người nông dân; đồng thời, các loại chế phẩm này không được bán đại trà ở các vùng nông thôn. Do đó, người dân địa phương cũng gặp phải khó khăn để duy trì hay nhân rộng mô hình.

Theo thống kê, lượng rác thải bình quân HTX Dịch vụ nông nghiệp Cát Minh (đơn vị dịch vụ) phải thu gom là 18m3/ngày. Vì vậy, bãi chôn lấp rác thải của xã đang trong tình trạng quá tải. Do đó, việc nhân rộng mô hình phân loại rác thải tại nguồn và xử lý rác hữu cơ trên địa bàn sẽ làm giảm bớt lượng rác thải phải xử lý tại bãi chôn lấp, giảm thiểu ô nhiễm môi trường cho địa phương.

Nhật Hiên


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Bình Định: Triển khai mô hình phân loại rác thải tại nguồn