Hiện nay, trên địa bàn các huyện như: Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Tân, Tánh Linh… (tỉnh Bình Thuận) đang diễn ra việc khai thác khoáng sản trái phép, đặc biệt là khai thác cát lậu. Nhiều tổ chức, cá nhân ngang nhiên hoạt động rầm rộ.
Điển hình như tại Hàm Tân có nhiều khu vực: Láng cát Phước Sa, khu vực Suối Son (thôn 3 xã Sơn Mỹ) hay khu vực lòng hồ Sông Dinh 3 (địa phận giáp ranh thị trấn Tân Nghĩa – xã Tân Phúc); khu vực láng Mười Mẫu (thôn Cô Kiều, xã Tân Thắng)…, các đối tượng khai thác cát đang hoành hành.
Công trình thủy lợi Tà Pao nằm trên sông La Ngà, thuộc địa bàn xã La Ngâu (huyện Tánh Linh), được khởi công năm 2010, hoàn thành năm 2013. Đây là công trình cung cấp nước tưới cho hơn 20.340 ha đất nông nghiệp của 2 huyện Tánh Linh và Đức Linh; cung cấp nước sinh hoạt cho hơn 150.000 người dân trong vùng dự án với tổng mức đầu tư 2.128 tỉ đồng từ nguồn vốn trái phiếu chính phủ.
Nhiều tổ chức, cá nhân ngang nhiên khai thác khoáng sản trái phép
Tại công trình thủy lợi Tà Pao, hiện có rất nhiều tàu thuyền, sà lan lớn nằm trong khu vực lòng hồ đang hút cát. Đơn vị khai thác còn kéo điện vào tận mép sông La Ngà để đóng sà lan “khủng” nhằm phục vụ tận thu cát.
Đơn vị thực hiện nạo vét, tận thu khoáng sản là Công ty CP khoáng sản Thuận Phong (Công ty Thuận Phong; trụ sở ở Q.9, TP.HCM).
Hoạt động khai thác cát trái phép này không chỉ gây ô nhiễm môi trường, sạt lở đất mà còn làm thất thoát tài nguyên khoáng sản của Quốc gia.
Tình trạng sạt lở dọc sông La Ngà diễn ra ngày càng nghiêm trọng
Theo người dân xã Gia An (huyện Tánh Linh), việc sạt lở sông La Ngà, nhất là ở vị trí xã Gia An là mới nhất. Gần đây, khi vào mùa nước lớn, tình trạng sạt lở càng nhanh và lấn sâu hơn. Đoạn có vườn cao su giáp ranh giữa 2 huyện Tánh Linh và Đức Linh sạt lở sâu hình lòng chảo. Nơi sạt lở đã ăn sâu vào đất vườn cao su cả chục mét, kéo dài khoảng 200m dọc theo sông.
Người dân địa phương cho rằng, nguyên nhân của tình trạng sạt lở chủ yếu xuất phát từ việc khai thác cát trên sông. Tháng 5/2020, 11 hộ dân ở Đức Linh gửi đơn tập thể kêu cứu và tố cáo các tàu hút cát làm bờ sông sạt lở.
Sông La Ngà dài hơn 272 km bắt nguồn từ cao nguyên Di Linh (Lâm Đồng). Đến Bình Thuận, sông chảy qua 3 huyện: Hàm Thuận Bắc, Tánh Linh và Đức Linh với hơn 140 km, sau đó qua Đồng Nai đổ vào hồ Trị An.
Rõ ràng hoạt động khai thác cát trái phép tại địa phương không chỉ gây ô nhiễm môi trường, sạt lở đất mà còn làm thất thoát tài nguyên khoáng sản của Quốc gia. Điều đáng nói, sự việc này diễn ra công khai từ nhiều năm nay, nhưng chưa có cơ quan chức năng nào xử lý.
Ngọc Linh (t/h)