Cụ thể, UBND tỉnh Bình Thuận giao các khối thi đua thuộc các cơ quan cấp tỉnh xây dựng kế hoạch thực hiện các công trình trồng cây xanh trong giai đoạn từ năm 2023 đến năm 2025; theo đó, hàng năm mỗi khối thi đua thực hiện hoàn thành ít nhất 02 công trình trồng cây xanh trên các tuyến đường dọc kênh thủy lợi, các tuyến đường liên huyện, liên xã, khuôn viên cơ quan, trường học, các khu đất trống, đồi trọc do nhà nước quản lý trên địa bàn tỉnh cho phù hợp; mỗi công trình trồng tối thiểu 1.000 cây.
Năm 2023, các khối thi đua thuộc các cơ quan cấp tỉnh hoàn thành xây dựng kế hoạch trước 15/02/2023; khảo sát, huy động nguồn lực trong quý I năm 2023, báo cáo về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước ngày 15/5/2023 và tổ chức trồng cây trong mùa mưa năm 2023.
Theo kế hoạch của UBND tỉnh Bình Thuận, địa điểm trồng cây xanh dọc các tuyến kênh thủy lợi gồm: kênh tiếp nước hồ Lòng Sông - Đá Bạc (Tuy Phong); kênh chính Đông của Dự án tưới Phan Rí - Phan Thiết; kênh tiếp nước hồ Cà Giây (Bắc Bình); kênh tiếp nước đập 812 - Châu Tá - Sông Quao (Bắc Bình và Hàm Thuận Bắc); kênh chính Sông Quao (Hàm Thuận Bắc); kênh tiếp nước hồ Đu Đủ - Tân Lập - Tà Mon; kênh chính Đông và Bắc Ba Bàu (Hàm Thuận Nam); kênh chính Sông Phan; kênh chính Tây hồ Sông Dinh 3 (Hàm Tân). Ngoài ra còn các tuyến đường liên huyện, liên xã, khuôn viên cơ quan, trường học, các khu đất trống tại các địa phương; các khu vực đất đồi núi chưa sử dụng do Nhà nước quản lý trên địa bàn các huyện Tuy Phong, Bắc Bình và TP. Phan Thiết.
UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu loài cây trồng được lựa chọn phải phù hợp với điều kiện lập địa, điều kiện sinh thái của từng địa phương, từng khu vực cụ thể. Trong đó ưu tiên trồng cây bản địa lâu năm, cây gỗ lớn, có giá trị bảo vệ môi trường và phòng hộ cao như bạch đàn, keo lai, xoan chịu hạn… Ngoài ra, có thể nghiên cứu, lựa chọn một số loài cây trồng phân tán khu vực đô thị theo danh mục loài cây trồng thực hiện Kế hoạch trồng 10 triệu cây xanh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025.
Việc tổ chức triển khai trồng cây xanh thực hiện trong mùa mưa, từ năm 2023 đến năm 2025 (để đảm bảo cây trồng đạt tỷ lệ sống cao và phát triển tốt sau khi trồng, việc triển khai thực hiện trồng cây nên tiến hành vào đầu mùa mưa (tháng 6 đến tháng 7 đối với các huyện phía Nam tỉnh và tháng 8 đến tháng 9 đối với các huyện phía Bắc tỉnh).
UBND tỉnh giao các khối thi đua xây dựng kế hoạch chi tiết triển khai thực hiện, trong đó phân công rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị trong khối; xác định số lượng, loài cây, địa điểm, thời gian trồng đảm bảo thực hiện hoàn thành kế hoạch; sau khi tổ chức trồng cây xanh, phân công rõ trách nhiệm quản lý bảo vệ cây trồng đối với từng đơn vị. Phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tham vấn, lựa chọn chủng loại cây trồng và quy cách trồng cho phù hợp; phối hợp với các địa phương nơi thực hiện công trình để tuyên truyền mục đích, ý nghĩa công trình; vận động nhân dân tham gia bảo vệ, chăm sóc cây sau khi trồng; có kế hoạch thay thế những cây sinh trưởng kém, không đủ khả năng sống.
Giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, hướng dẫn các đơn vị trong khối thi đua tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch này và hướng dẫn đăng ký nguồn kinh phí trồng cây phân tán từ các chương trình, dự án do Sở quản lý (nếu có). Chỉ đạo các chủ rừng phối hợp với các sở, ngành, đơn vị của các khối thi đua thuộc các cơ quan cấp tỉnh trong việc lập kế hoạch và thực hiện trồng cây, chăm sóc, bảo vệ cây sau khi trồng đối với các công trình trồng tại các khu vực đất đồi núi chưa sử dụng do nhà nước quản lý.
Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các phòng chức năng và Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn phối hợp với các sở, ngành, đơn vị của các khối thi đua thuộc các cơ quan cấp tỉnh trong việc lập kế hoạch và thực hiện trồng cây, chăm sóc, bảo vệ cây sau khi trồng đối với các công trình trồng cây xanh trên tuyến đường liên huyện, liên xã, các khu đất trống, đồi trọc do nhà nước quản lý.