Bình Thuận: Định hướng phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững

Hoàng Minh|21/09/2021 13:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Trước ảnh hưởng của dịch COVID-19, Tỉnh ủy Bình Thuận mới đây đã ban hành Nghị quyết 05 để định hướng phát triển ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, có giá trị kinh tế cao.

Bình Thuận là tỉnh duyên hải cực Nam Trung bộ, có diện tích đất sản xuất nông nghiệp 356.746 ha, chiếm 44,91% diện tích đất tự nhiên. Bên cạnh đó, tỉnh này còn có bờ biển dài 192 km, ngư trường rộng lớn. Do đó, có thể nói Bình Thuận rất có điều kiện để phát triển ngành nông nghiệp toàn diện, bao trùm cả 3 lĩnh vực: Trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản.

Cơ cấu cây trồng được chuyển đổi đúng hướng, đã hình thành một số mô hình liên kết sản xuất gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Để phát triển chăn nuôi, ngành chuyển mạnh chăn nuôi sang hình thức trang trại, gia trại theo hướng công nghiệp và bán công nghiệp có kiểm soát an toàn dịch bệnh và môi trường, đồng thời khuyến khích phát triển chăn nuôi bò, gia cầm.

Vườn thanh long sản xuất tiêu chuẩn VietGAP. Ảnh: K.S

Đối với thủy sản, tiếp tục thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ ngư dân khai thác hải sản xa bờ. Chú trọng công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tăng cường quản lý chất lượng tôm giống, giữ vững chất lượng và thương hiệu tôm giống Bình Thuận trên thị trường… Qua đó, góp phần thúc đẩy ngành Nông nghiệp của tỉnh phát triển theo hướng bền vững hơn.

Ngoài ra, việc trang bị, áp dụng các loại máy móc, thiết bị cơ giới hóa nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng. Cơ giới hóa được áp dụng thực hiện đồng bộ từ khâu làm đất đến thu hoạch ngày càng được phổ biến, giúp cho nông dân có cơ hội, có điều kiện thâm canh, tăng vụ, rút ngắn thời gian gieo trồng, chủ động trong sản xuất. Từng bước thực hiện công nghiệp hóa sản xuất trong nông nghiệp, tiến tới sản xuất tập trung, tăng dần quy mô canh tác, giảm chi phí, tăng cao năng suất lao động và thu nhập trên đơn vị diện tích sản xuất.

Tỉnh Bình Thuận phấn đấu đến năm 2030, ngành nông nghiệp đạt trình độ khá về ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, có hệ sinh thái phát triển bền vững. Trong đó, giai đoạn 2021 – 2025 tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng ngành nông nghiệp hàng năm đạt bình quân từ 2,8 – 3,3% năm và giá trị kim ngạch xuất khẩu nông sản tăng bình quân khoảng 5%năm.

Đến năm 2025, tỷ trọng nông, lâm, thủy sản chiếm 22 – 23% trong giá trị tăng thêm; tỷ lệ giá trị sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản (gọi chung là nông sản) được sản xuất dưới các hình thức hợp tác và liên kết đạt trên 25%; tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt trên 20%; tốc độ tăng giá trị gia tăng công nghiệp chế biến nông sản đạt trên 8%/năm; diện tích đất nông nghiệp sản xuất hữu cơ đạt khoảng 1,5 – 2% tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp.

Thu hút số lượng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp tăng 50% so với năm 2020; trên 70% hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả; tỷ lệ lao động nông nghiệp qua đào tạo đạt trên 64%. Thu nhập của cư dân nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020; giá trị sản phẩm thu hoạch bình quân trên 1 ha đất trồng trọt đạt khoảng 130 triệu đồng…

Như vậy có thể thấy, ngành nông nghiệp Bình Thuận đã và đang từng bước nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao giá trị kinh tế, tăng thu nhập cho người dân, hướng đến mục tiêu phát triển nông nghiệp theo hướng toàn diện, hiện đại và bền vững.

Hoàng Minh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Bình Thuận: Định hướng phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.