Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận, năm 2020, mặc dù không có hiện tượng El Nino như năm 2016 nhưng tỉnh này vẫn xảy ra hạn và mức độ nghiêm trọng hơn.
Theo đó, các dòng chảy trên các sông, suối suy giảm nhanh sau khi mùa mưa kết thúc, mực nước ngầm hạ thấp, nắng nóng kéo dài. Lượng mưa từ đầu năm đến tháng 5/2020 thấp hơn mức trung bình nhiều năm từ 20% đến 90%. Toàn tỉnh Bình Thuận đã phải cắt giảm gần 14.000 ha diện tích cây trồng trong vụ đông – xuân và hơn 30.000 ha lúa vụ hè – thu không thể sản xuất, chờ mưa và hơn 30.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt…
Hiện, nhiều diện tích cây trồng lâu năm ở các huyện Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam và Hàm Tân không có nguồn nước thủy lợi để tưới. Hàng nghìn ha thanh long bị khô hạn, nhiều vườn bị héo úa do không có nước trong thời gian dài, gây thiệt hại nặng nề cho nông dân địa phương.
Vườn thanh long ở Bình Thuận bị khô hạn kéo dài . (Ảnh: K.V)
Năm nay, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận lượng mưa ít và đến muộn. Từ sau Tết Nguyên đán, dòng chảy trên các sông, suối đều cạn kiệt. Nguồn nước ngầm cũng bị suy giảm mạnh. Các giếng khoan, giếng đào hầu hết đều trong tình trạng cạn nước, có nhiều khu vực không còn nước hoặc nhiễm mặn.
Nước tích trữ trong hệ thống thủy lợi cũng thiếu hụt. Nhiều hồ thủy lợi cạn khô, trơ đáy. Đến tháng 5/2020, trong toàn hệ thống chỉ còn khoảng trên 27 triệu m3, chưa tới 11% dung tích thiết kế; chỉ bằng 1/3 so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ, và chỉ bằng 31% so với thời điểm xảy ra hạn hán năm 2016.
Nước sinh hoạt cũng thiếu trầm trọng, nhất là địa bàn huyện Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam và Hàm Tân. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Thuận, từ cuối tháng 4/2020, toàn tỉnh này đã có 38 xã, phường, thị trấn thiếu nước sinh hoạt cục bộ. Hơn 26.000 gia đình với trên 97.000 người ở khu vực nông thôn đang thiếu nước sinh hoạt.
Để đảm bảo cấp nước tưới hết diện tích sản xuất vụ Hè Thu 2020 theo kế hoạch, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Chi cục Thủy lợi thường xuyên theo dõi tình hình nguồn nước các hồ chứa, đôn đốc đơn vị quản lý sử dụng công trình thủy lợi thực hiện vận hành công trình, điều tiết nguồn nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất.
Đồng thời, Chi cục Thủy lợi phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan đề xuất lưu lượng chạy máy phát điện từ hai nhà máy thủy điện Đại Ninh và Hàm Thuận-Đa Mi theo nhu cầu dùng nước đã đăng ký, tận dụng triệt để nguồn nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất.
Bên cạnh đó, các địa phương tiếp tục củng cố, thành lập các tổ chức hợp tác dùng nước ở cơ sở, tổ chức nạo vét, bảo dưỡng hệ thống kênh nội đồng phục vụ sản xuất vụ Hè Thu 2020; kiểm tra tình hình sử dụng nước trong dân; hướng dẫn nhân dân tranh thủ nguồn nước mưa nội đồng tích trữ vào ruộng, đẩy nhanh tiến độ làm đất gieo sạ, thực hiện các biện pháp tưới tiết kiệm nước; ưu tiên chuyển đổi cơ cấu cây trồng…
Trước đó, để ứng phó với tình hình hạn hán, thiếu nước, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận đã xây dựng 3 phương án cụ thể cho vụ Hè Thu.
Phương án thứ nhất là nếu có mưa, đảm bảo nguồn nước tưới, Bình Thuận sẽ gieo trồng 52.000ha cây lương thực, phấn đấu đạt sản lượng khoảng 317.000 tấn.
Phương thứ 2 là mưa xuất hiện từ 15/6 đến 30/6, toàn tỉnh sẽ cắt giảm một số diện tích sản xuất lúa ở huyện Hàm Thuận Nam, còn các huyện khác vẫn cho sản xuất vụ Hè Thu muộn.
Phương án 3 là nếu mưa đến trễ sau 30/6, chỉ bố trí sản xuất ở một số vùng ở khu vực đồng bằng sông La Ngà, các khu vực còn lại tạm dừng sản xuất, tiến hành khâu làm đất, cày ải chờ mưa.
Hồng Anh