Cần quản lý và sử dụng tốt nguồn nước trong vụ hè thu

Phương Hiền|06/06/2020 01:34
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Vụ hè thu (HT) 2020 có khả năng hạn hán cao, các địa phương vùng Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên cần theo dõi để có biện pháp ứng phó phù hợp.

Sáng ngày 5/6, Tổng cục Thủy lợi phối hợp với tỉnh Quảng Ngãi tổ chức triển khai công tác thủy lợi đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh vụ HT, vụ mùa năm 2020 khu vực Trung bộ và Tây Nguyên.

Theo Tổng cục Thủy lợi, từ đầu năm 2020 đến nay, một số khu vực Trung bộ và Tây Nguyên có lượng mưa thiếu hụt lớn so với trung bình nhiều năm, đã xảy ra tình trạng hạn hán, thiếu nước ở một số địa phương, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.

Tại vùng Duyên hải Trung bộ, từ đầu vụ ĐX 2019 – 2020, do nguồn nước không đảm bảo, một số địa phương đã điều chỉnh giảm diện tích sản xuất cho khoảng 23.500ha cây trồng, chiếm 6% diện tích gieo trồng vụ ĐX 2019 – 2020.

Vào thời điểm cao nhất (cuối tháng 3 đến đầu tháng 4/2020) có 2.990ha cây trồng chủ yếu là lúa ĐX bị ảnh hưởng của hạn hán, thiếu nước đặc biệt là các tỉnh từ Quảng Nam đến Bình Thuận. Bên cạnh đó, khu vực này có gần 35.000 hộ dân đang gặp khó khăn về nguồn nước sinh hoạt.

Khu vực Tây Nguyên trong vụ ĐX, thời điểm cao nhất trong vụ ĐX có 27.387ha cây trồng bị ảnh hưởng của hạn hán, thiếu nước và hiện nay có khoảng gần 7.000 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt.

Hiện, lượng nước còn lại trung bình trong các hồ chứa trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi còn khoảng 40% DTTK.

Mùa khô khu vực Trung bộ vẫn còn kéo dài đến hết tháng 8/2020. Trong khi đó nguồn nước dự trữ tại các hồ chứa hiện đang ở mức thấp. Theo Viện Quy hoạch Thủy lợi, ở vùng Trung bộ, do mùa mưa ở hầu hết các địa phương bắt đầu từ tháng 9 nên lượng nước cung cấp cho sản xuất nông nghiệp chủ yếu từ các hồ chứa thủy lợi, thủy điện. Trong khi đó, dung tích các hồ chứa trong vùng lại đang ở mức thấp.

Cụ thể như các tỉnh từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế, hiện tại dung tích trữ trung bình các hồ chưa trong vùng đạt 59% dung tích thiết kế. Các tỉnh từ Đà Nẵng đến Bình Thuận dung tích trữ trung bình cá hồ chứa chỉ đạt 45%. Đặc biệt, một số tỉnh có mức trữ nước thấp như Ninh Thuận chỉ còn 12% DTTK, Bình Thuận còn18%, Khánh Hòa còn 30% so với dung tích thiết kế.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó chủ tịch Thường trực tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Tăng Bính cho biết, Quảng Ngãi hiện có 755 công trình thủy lợi (gồm 124 hồ chứa nước, 490 đập dâng, 135 trạm bơm, 06 đập ngăn mặn) và 4.275km kênh các loại với nhiệm vụ tưới thiết kế khoảng 90.466,0ha. Do công trình xây dựng đã lâu, qua nhiều năm khai thác, sử dụng, thường xuyên chịu tác động thiên tai làm nhiều công trình xuống cấp, hư hỏng, không đảm bảo nguồn nước nên năng lực tưới thực tế là 59.983,0ha, đạt 66,3% so với năng lực thiết kế.

Cuối mùa mưa năm 2019, lượng nước trữ tại các hồ chứa nước chỉ đạt dung tích 86% so với thiết kế. Từ đầu năm 2020 đến nay, hầu như không có mưa trên địa bàn tỉnh, lượng mưa thấp hơn khoảng 60% so với TBNN trong khi đó nắng nóng kéo dài với nền nhiệt độ cao hơn TBNN khoảng 0,50C đến 1,50C nên đến ngày 04/6/2020, lượng nước còn lại trung bình trong các hồ chứa trên địa bàn tỉnh còn khoảng 40% DTTK, trong đó có một số hồ chứa nước lớn lượng nước còn lại rất ít so với DTTK như: Hồ Liệt Sơn, hồ Sở Hầu, hồ Đá Bàn chỉ còn 20%, hồ Mạch Điểu còn 25%, hồ Diện Trường còn 40% (riêng hồ chứa nước Nước Trong còn khoảng 60% DTTK).

Vụ hè thu có nguy cơ hạn hán, thiếu nước

Theo báo cáo của Tổng cục Thủy lợi, từ đầu năm đến nay, một số khu vực ở Trung Bộ và Tây Nguyên có lượng mưa thiếu hụt lớn so với trung bình nhiều năm (TBNN), đã xảy ra tình trạng hạn hán, thiếu nước ở một số địa phương. Mùa khô ở khu vực Trung Bộ vẫn còn kéo dài đến hết tháng 8/2020, nguồn nước trữ tại các hồ chứa hiện đang ở mức thấp nên có nguy cơ hạn hán, thiếu nước xảy ra trên diện rộng trong vụ Hè Thu 2020.

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, dự báo hiện tượng ENSO tiếp tục duy trì ở trạng thái trung tính nhưng nghiên về pha nóng trong khoảng 2-3 tháng tới, từ khoảng nữa cuối năm 2020 khả năng duy trì ở trạng thái trung tính. Nhiệt độ trung bình từ tháng 6-9/2020 trên phạm vi toàn quốc phổ biến ở mức cao hơn TBNN cùng kỳ khoảng 0,5-1,0oC.

Khu vực Trung Bộ, tổng lượng mưa tháng 6/2020 phổ biến thấp hơn từ 10-25% so với TBNN; tháng 7-8 phổ biến cao hơn từ 10-40% so với TBNN.

Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ, mùa mưa bắt đầu từ tháng 5, tổng lượng mưa dự báo từ tháng 6-9/2020 phổ biến ở mức xấp xỉ so với TBNN cùng thời kỳ, đạt mức trung bình 200 – 300 mm/tháng.

Theo báo cáo của Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), vụ Hè Thu 2020, diện tích đất trồng lúa có khả năng bỏ đất trống không sản xuất do thiếu nước khoảng 44,3 nghìn ha; trong đó Bình Thuận khoảng 26,7 nghìn ha, Ninh Thuận khoảng 10,8 nghìn ha, Bình Định khoảng 5,0 nghìn ha, Quảng Ngãi khoảng 1,8 nghìn ha.

Theo kế hoạch, vụ Hè Thu 2020, toàn tỉnh Quảng Ngãi gieo trồng 58.143 ha (lúa 35.170 ha, màu và cây trồng khác 22.973 ha); nhưng do hạn hán, thiếu nước tưới, nên các địa phương trong tỉnh đã chủ động không sản xuất 1.854 ha, chuyển đổi cây lúa sang cây trồng cạn 710 ha.

Với tình hình nắng nóng kéo dài và không mưa như hiện nay thì khả năng xảy ra hạn hán, thiếu nước là rất cao, dự kiến có khoảng 12.714,0 ha cây trồng bị thiếu nước và thiếu nước sinh hoạt cho khoảng 12.000 người. Hiện tại, các địa phương và Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống hạn theo các Phương án được duyệt ngay từ đầu năm 2020.

Hiện dung tích các hồ chứa của các tỉnh từ Quảng Bình đến T.T Huế đạt 59% DTTK, thấp hơn năm 2018 khoảng 5%, gần tương đương so với các năm 2016, 2019.

Hiện dung tích các hồ chứa trong vùng từ Đà Nẵng đến Bình Thuận đạt 45% DTTK, thấp hơn các năm 2018, 2019 khoảng 19%.

Dung tích trữ hiện tại các hồ chứa khu vực Tây Nguyên chỉ đạt 26-41% DTTK. Mùa mưa trong khu vực đã bắt đầu từ tháng 5, sản xuất vụ Mùa trong thời gian mùa mưa nên nguồn nước sẽ cơ bản được đảm bảo.

Cần chủ động trữ ngọt, tránh hạn phục vụ sản xuất

Giải pháp phòng, chống hạn

Phát biểu tại Hội nghị, Phó chủ tịch Thường trực tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Tăng Bính đề nghị Bộ NN&PTNT, Bộ Tài chính và các bộ ngành Trung ương quan tâm nhiều hơn nữa đối với các tỉnh Khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên, trong đó có tỉnh Quảng Ngãi; tiếp tục trình Chính phủ quan tâm hỗ trợ và đầu tư kinh phí cho các địa phương thực hiện các giải pháp cấp nước ổn định, lâu dài (xây dựng các hồ chứa nước lớn để tích trữ, phân phối, điều tiết nguồn nước; sửa chữa, nâng cấp các hồ chứa bị xuống cấp…). Trước mắt, đề nghị Chính phủ hỗ trợ kinh phí cho các địa phương Khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên chủ động triển khai cấp bách các biện pháp phòng chống hạn hán, phục vụ sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt, công nghiệp, dân sinh vụ Hè Thu năm 2020, hạn chế thấp nhất thiệt hại do hạn hán gây ra.

Về giải pháp trước mắt, theo dõi chặt chẽ việc vận hành các nhà máy thủy điện theo lịch điều tiết tại các thông báo đã được Bộ NN&PTNT ban hành; tiếp tục xây dựng lịch điều tiết các hồ chứa thủy điện để phục vụ thủy lợi khi xảy ra hạn hán, thiếu nước theo đúng qui định hiện hành.

Hướng dẫn, đôn đốc các địa phương xây dựng phương án, kế hoạch phòng, chống hạn, thiếu nước cho sản xuất nông nghiệp và dân sinh theo hướng chủ động, linh hoạt bố trí cơ cấu sản xuất, mùa vụ, thời điểm xuống giống lúa phù hợp, ở những vùng đủ nước cần đẩy sớm lịch sản xuất để tận dụng nguồn nước, vùng không đảm bảo nguồn nước cần xem xét giãn, dừng cho diện tích lúa để chờ mưa hoặc chuyển đổi cơ cấu cây trồng…

Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng cục Trưởng Tổng cục Thủy lợi đề nghị UBND các tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch phòng, chống hạn theo các kịch bản có thể xảy ra, huy động nguồn lực để chủ động triển khai các giải pháp phù hợp, đảm bảo tưới, tiêu cho sản xuất nông nghiệp.

Phương Hiền

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Cần quản lý và sử dụng tốt nguồn nước trong vụ hè thu
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.