Phó Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Bình Thuận Đỗ Văn Thái cho hay: “Thông qua hưởng ứng chiến dịch trên, cùng với các hoạt động kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh Bình Thuận vừa qua, 10 huyện, thị, thành phố đã và đang triển khai những hoạt động thiết thực chỉnh trang đô thị, bảo vệ môi trường thành thị, nông thôn. Nhiều người dân, đoàn viên thanh niên hưởng ứng chiến dịch đồng loạt ra quân làm vệ sinh môi trường nơi công cộng, công viên, thôn văn hóa, địa bàn dân cư ven biển các huyện: Hàm Tân, Tuy Phong, Bắc Bình, thị xã La Gi, TP. Phan Thiết... dọn dẹp rác ứ đọng 2 bên đường, phát quang bụi rậm, cây cối che khuất tầm nhìn để đảm bảo an toàn giao thông ở các tuyến quốc lộ (1A, 55, 28), đường tỉnh, đại lộ Võ Nguyên Giáp (TP. Phan Thiết), đường giao thông nông thôn”. Các khu vực tập trung nhiều nguồn thải, các trang trại chăn nuôi heo tập trung dễ gây ô nhiễm môi trường đến đời sống, sinh kế của người dân cũng được chính quyền địa phương tăng cường kiểm soát chặt chẽ, không để trang trại lợi dụng mùa mưa xả thải ra sông, suối.
Đồng thời, các địa phương, doanh nghiệp xúc tiến trồng cây, phục hồi môi trường, vớt rác sông, suối, ao hồ ứ chất thải; công ty, hợp tác xã môi trường tăng tần suất thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải trên địa bàn các huyện thị, giải quyết nạn rác thải phát sinh hàng ngày. Đồng thời, chính quyền, đoàn thể chú trọng tuyên truyền trong nhân dân về phân loại chất thải tại nguồn, giảm thiểu phát sinh chất thải, khuyến khích tái chế chất thải; từ chối sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy; khuyến khích phát triển, sử dụng các sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường.
Cùng với đó, lãnh đạo Sở Tài nguyên & Môi trường Bình Thuận cũng đề nghị các huyện, thị, thành phố chú trọng kiểm tra, xử phạt nghiêm hành vi vi phạm pháp luật trong quản lý chất thải và bảo vệ môi trường; lồng ghép công tác vệ sinh môi trường khu vực đô thị, nông thôn, hỗ trợ tích cực hoạt động phòng, chống sốt xuất huyết, hậu dịch Covid-19; lồng ghép mô hình kinh tế xanh trong xây dựng, phát triển kinh tế, xã hội tại các địa phương. Bên cạnh đó, chính quyền, đoàn thể các địa phương phối hợp cơ quan tài nguyên và môi trường cùng cấp quan tâm tuyên truyền Nghị định số 45/2022/NĐ-CP của Chính phủ, có hiệu lực từ ngày 25/8/2022, nhằm kịp thời hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, đảm bảo đồng bộ, thống nhất hệ thống pháp luật bảo vệ môi trường, phù hợp pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính hiện hành, nâng cao ý thức cộng đồng bảo vệ môi trường nơi công cộng.
Ông Lê Văn Hùng, Phó phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Tuy Phong cho biết: “Mới đây, hơn 300 chủ tàu, thuyền trưởng, thuyền viên tàu cá, tàu du lịch cùng đại diện ban cán sự các thôn, khu phố thuộc 6 xã, thị trấn trên địa bàn Tuy Phong đã được huyện tập huấn thu gom, xử lý rác thải các loại tại nguồn, bảo vệ môi trường, sinh thái biển”. 3 đơn vị chức năng (Phòng Tài nguyên & Môi trường, Ban Quản lý Cảng cá Phan Rí Cửa, Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Hòn Cau) đã hướng dẫn hàng trăm chủ tàu cá, thuyền trưởng, thuyền viên thu gom rác trong thời gian sinh hoạt, khai thác hải sản trên biển dài ngày đem về đất liền xử lý, không thải bất cứ chất thải nhựa (vỏ can, bình, chai) cũng như chất thải khó phân hủy (ngư lưới cụ hư hỏng) xuống biển.
Tương tự, các tàu du lịch Khu bảo tồn biển Hòn Cau trong thời gian chở khách du lịch ra đảo ven bờ tham quan, hướng dẫn khách thu gom vỏ, lon, bao bì qua sử dụng để đưa vào bờ xử lý. Cùng với đó, ban cán sự các thôn, khu phố 6 xã, thị trấn được ban tổ chức truyền đạt về quản lý tổng hợp rác thải, giảm thiểu và không rác thải nhựa đại dương; phân loại rác thuộc Dự án kết nối các nguồn lực nhằm giảm thiểu rác thải đại dương do Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc, chương trình tài trợ các dự án nhỏ - Quỹ Môi trường toàn cầu tại Việt Nam (UNDP GEF SGP) tài trợ. Phòng Tài nguyên & Môi trường kết hợp tuyên truyền, phổ biến Nghị định số 08/2022 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, trọng tâm là các hành vi vi phạm không phân loại rác tại nguồn, vứt, xả rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định; vận động hộ dân không sử dụng túi ni lon, sản phẩm nhựa dùng 1 lần; hướng dẫn phân loại rác tại nguồn ra từng loại khác nhau: rác dễ phân hủy, rác khó phân hủy và rác tái chế.
Hàng trăm chủ tàu, thuyền viên đã được ban tổ chức phát tài liệu tuyên truyền, tờ rơi hướng dẫn phân loại rác tại nguồn, ký “Bản cam kết thực hiện đối với các chủ tàu cá, tàu du lịch phân loại rác tại nguồn và không rác thải nhựa đại dương”. Hoạt động thu gom các loại rác thải tại nguồn ở Tuy Phong cần được nhân rộng ở các địa phương ven biển nhằm tăng cường bảo vệ môi trường, triển khai bước đầu phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực đầu năm nay. Qua đó, giúp người dân nâng cao nhận thức, cùng chung tay hành động, bảo vệ môi trường xanh sạch đẹp ở các địa bàn thành thị, nông thôn, miền núi, hải đảo.