Tại TP. Phan Thiết, các con đường như Lê Duẩn, Nguyễn Thông, Hải Thượng Lãn Ông, Mậu Thân, Tuyên Quang, khu bờ kè đường Phạm Văn Đồng và nhiều tuyến đường khác đâu đâu cũng bắt gặp hình ảnh những đống rác thải từ nhỏ đến lớn, gồm rác thải sinh hoạt như túi nilon, bao tải… Đổ rác trên đường chán chê, rác lại được ném luôn xuống sông Cà Ty. Trời nắng, nước cạn lộ đáy, thấy rõ đủ các loại rác thải. Đến ngày nước lên thì hàng chục loại rác thi nhau trôi nổi, bốc mùi nồng nặc.
Hàng ngày đi làm trên QL1A từ thị trấn Phú Long (huyện Hàm Thuận Bắc) đến TP. Phan Thiết, hình ảnh quen thuộc đập vào mắt anh Phạm Trương Công là những bãi rác to tướng nằm dọc 2 bên đường tồn tại trong một thời gian dài. Dai dẳng nhất là 2 bãi rác “tự phát” tồn tại hơn chục năm nằm ngay trên cầu Phú Long khu vực tiếp giáp với thị trấn Phú Long và xã Hàm Thắng. Điểm chung ở những nơi này thường có bảng “cấm đổ rác, và có lắp camera giám sát”, nhưng xem ra giải pháp này chưa thể ngăn chặn được vấn nạn xả rác bừa bãi. “Hầu hết, các bãi đất trống dọc theo QL1A đều nghiễm nhiên trở thành bãi rác của người dân”, anh Phạm Trương Công nói.
Vấn nạn xả rác bừa bãi không chỉ có ở TP. Phan Thiết hay huyện Hàm Thuận Bắc mà còn ở nhiều địa phương khác trong tỉnh Bình Thuận. Bỏ qua nguyên nhân lâu nay hay nhắc tới là do ý thức người dân, thì các cấp quản lý tại địa phương chưa nghiêm túc trong thực hiện. Công bằng mà nói, dù luật và các quy định đã có nhưng các cấp, các ngành vẫn hờ hững, không có những động thái triển khai tuyên truyền, hành động quyết liệt một cách có hệ thống. Từ ngày 25/8, Nghị định 45 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường có hiệu lực với những quy định chặt chẽ về thẩm quyền lập biên bản, xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả…
Theo đó, các hành vi sẽ bị xử phạt theo Nghị định 45 và mức phạt gồm: Hành vi vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng sẽ bị phạt tiền từ 150.000 - 250.000 đồng. Hành vi vứt, thải, bỏ rác thải trên vỉa hè, lòng đường hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị; thải bỏ chất thải nhựa phát sinh từ sinh hoạt vào ao hồ, kênh rạch… sẽ bị phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng.
Một bộ phận người dân TP. Phan Thiết và nhiều địa phương khác hy vọng đây sẽ là tiền đề quan trọng để từng bước có những chuyển biến rõ nét loại bỏ vấn nạn. Vẫn biết tạo dựng ý thức tốt trong cộng đồng không phải là chuyện có thể “một sớm một chiều”, nhưng để duy trì, lan tỏa thói quen văn minh đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định rất cần sự nỗ lực đổi mới trong phương thức thu gom, vận chuyển rác cũng như sự bền bỉ tuyên truyền, vận động.
Đặc biệt, với Nghị định 45 thì vai trò của các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương các cấp sẽ càng được nâng cao hơn nữa. Khi ý thức, trách nhiệm hòa quyện với tinh thần thượng tôn pháp luật và phương thức điều hành khoa học, chắc chắn nếp sống văn minh sẽ ăn sâu, bám rễ trong cộng đồng dân cư.