Bình Thuận: Khẩn trương giải quyết nơi nhiễm mặn kéo dài hơn 13 năm

Theo PLO|28/10/2018 04:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Ngày 26-10 vừa qua, ông Lương Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, đã có văn bản gửi các sở NN&PTNT, TN&MT, Xây dựng, Công an tỉnh Bình Thuận, UBND huyện Tuy Phong và Công ty TNHH Thông Thuận liên quan việc giải quyết khắc phục dứt điểm ô nhiễm môi trường tại đồng muối Thông Thuận.

– 13 năm qua UBND tỉnh Bình Thuận đã có hàng trăm cuộc họp về đồng muối Thông Thuận, nơi gây nhiễm mặn cho hàng trăm nhà dân khiến hàng ngàn người khổ sở.

>>> Việt Nam: Mỗi năm thiệt hại 1,7 tỉ USD do thiên tai

>>>Xây bờ kè bảo vệ phố cổ Hội An trước biến đổi khí hậu

Theo đó, yêu cầu Công ty Thông Thuận khẩn trương phối hợp với chính quyền địa phương để bồi thường, hỗ trợ dứt điểm cho 11 hộ dân trong và ngoài vùng nhiễm mặn chưa nhận tiền bồi thường, hỗ trợ. Thời gian hoàn thành chậm nhất cuối tháng 12-2018.

Đồng muối Thông Thuận

Tỉnh Bình Thuận cũng yêu cầu các đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thành việc trồng dặm số cây đã chết đúng theo tiến độ cam kết. Trong quá trình thực hiện, phải thực hiện theo đúng hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây trồng, đồng thời phải có biện pháp bảo vệ, chăm sóc hiệu quả để đảm bảo cây trồng phát triển tốt, không bị gia súc phá hoại trong thời gian chưa có hàng rào trên phần diện tích còn lại dọc tuyến kênh ngoại lai.

Cạnh đó, khẩn trương phối hợp với Công ty Cổ phần Năng lượng Vĩnh Hảo 6 triển khai, hoàn thành việc lập hàng rào trên phần diện tích còn lại dọc tuyến kênh ngoại lai theo chỉ đạo của UBND tỉnh.

UBND tỉnh giao UBND huyện Tuy Phong tiếp tục theo dõi, phối hợp với Công ty Thông Thuận triển khai thực hiện; chỉ đạo công an huyện phối hợp với chính quyền cơ sở nắm tình hình để kịp thời xử lý, không để xảy ra bất ổn về an ninh chính trị, trật tự xã hội tại địa phương.

Theo hồ sơ, cuối năm 2002, tỉnh Bình Thuận thu hồi hơn 200 ha đất (xã Vĩnh Hảo, Tuy Phong) cho Công ty Thông Thuận thuê, xây dựng đồng muối. Năm 2005, khi chưa lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, chủ đầu tư đã đưa đồng muối vào sản xuất, gây nhiễm mặn, ảnh hưởng xấu đến sinh hoạt, sản xuất của người dân…

Cụ thể, nhiều năm qua hàng loạt nhà dân bị bong tróc, hư hại; giếng nước không uống được, cây cối chết khô…, dẫn đến việc người dân khiếu kiện gay gắt.

Theo công bố của Viện Môi trường và Tài nguyên (ĐH Quốc gia TP.HCM) và Sở TN&MT tỉnh Bình Thuận thì phạm vi nhiễm mặn là gần 26 ha đất rất mặn, hơn 12 ha đất nhiễm mặn, ảnh hưởng trực tiếp 150 hộ dân. Do không giải quyết dứt điểm, cuối năm 2011, hàng chục người dân đã “cấm vận” Công ty Thông Thuận, chặn xe khiến hàng chục ngàn tấn muối của công ty bị nằm kho.

Đáng nói là công ty này lại được UBND tỉnh vô cùng “ưu ái” khi cấp “nhầm” gần 15 ha đất cho công ty này và sau khi bị phản ứng đến năm 2013 mới ra quyết định thu hồi. Vụ việc gây bức xúc, kéo dài nhiều năm liền và UBND tỉnh Bình Thuận đã có hàng trăm cuộc họp để giải quyết vấn đề này.

Gần đây nhất, tháng 7-2018, tỉnh Bình Thuận lại tiếp tục họp nhằm giải quyết dứt điểm các nội dung còn tồn tại trong việc khắc phục ô nhiễm môi trường tại đồng muối Thông Thuận.

Theo báo cáo của Sở TN&MT, đến nay Công ty Thông Thuận đã giải quyết bồi thường, hỗ trợ cho 435/446 hộ, còn lại 11 hộ chưa nhận tiền, hiện đã được công ty gửi vào tài khoản tạm giữ của ngân hàng. Đã triển khai thi công xong và đưa vào hoạt động tuyến kênh thoát lũ ngoại lai. Đồng thời, công ty đã thực hiện hoàn thành việc nạo vét khơi thông kênh suối Vách.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở TN&MT, việc thực hiện các nội dung nhằm khắc phục nhiễm mặn của Công ty TNHH Thông Thuận chưa thực sự quyết liệt, có việc làm còn dây dưa kéo dài và chậm so với tiến độ đã cam kết, dẫn đến hiện nay chưa giải quyết dứt điểm việc khắc phục ô nhiễm môi trường tại đồng muối.

Theo PLO


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Bình Thuận: Khẩn trương giải quyết nơi nhiễm mặn kéo dài hơn 13 năm
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.