Bình Thuận: Phát triển hệ thống giao thông đường bộ

Nhật Lệ (T/h)|02/11/2019 03:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bình Thuận cho biết, xác định tập trung huy động nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông.

Bình Thuận tiếp tục khai thác thế mạnh, xây dựng gắn kết quy hoạch phát triển du lịch với phát triển đô thị biển; kêu gọi các nhà đầu tư chiến lược đầu tư hạ tầng du lịch tạo bước đột phá, nhất là các dự án ven biển mà hạt nhân là tổ hợp du lịch thương mại bất động sản để tạo hành lang phát triển xứng tầm, phấn đấu đưa Khu du lịch quốc gia Mũi Né trở thành điểm đến hàng đầu khu vực Đông Nam Á…

Hiện mạng lưới đường tỉnh lộ của Bình Thuận có chiều dài hơn 700km. Hệ thống đường huyện, đường đô thị, đường đến các trung tâm xã, thôn… cơ bản được liên thông, 100% xã có đường ô tô đến trung tâm. Tổng chiều dài hệ thống đường huyện, đường đô thị, đường đến các trung tâm xã đạt gần 4.200km; trong đó, hơn 1.300km được trải nhựa, bê tông hóa.

Ảnh minh họa

Tỉnh đã tranh thủ nhiều nguồn vốn đầu tư khác nhau như vốn Trung ương hỗ trợ, huy động đóng góp trong nhân dân… tập trung các dự án giao thông. Nhờ vậy, nhiều công trình giao thông được xây dựng và đưa vào sử dụng có ý nghĩa chiến lược cho phát triển kinh tế-xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng.

Đối với Bình Thuận với nhiều lợi thế để phát triển du lịch, nhất là du lịch biển, trong khi đó các tuyến đường ven biển của tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế về kết cấu hạ tầng. Thực tế hiện nay khách du lịch lưu thông chủ yếu bằng đường bộ. Do vậy ngoài mở rộng, nâng cấp một số tuyến đường tỉnh sẽ làm mới tuyến đường trục ven biển ĐT719B, đoạn Phan Thiết – Kê Gà. Dự án làm mới đường trục ven biển ĐT719B đoạn Phan Thiết – Kê Gà  đã được HĐND tỉnh đồng ý chủ trương đầu tư dự án. Đây là dự án trọng điểm cấp bách cần được đầu tư và sớm hoàn thành đưa vào khai thác, sử dụng.

Việc đầu tư tuyến đường này góp phần thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, nhất là phát triển du lịch để đưa Bình Thuận trở thành Trung tâm du lịch thể thao biển mang tầm quốc gia, làm nhiệm vụ tuyến tránh cho tuyến Quốc lộ 1A khi xảy ra ách tắc giao thông, củng cố an ninh quốc phòng và từng bước đầu tư hoàn chỉnh đường trục ven biển quốc gia. Tuyến đường có chiều dài khoảng 25.546 m, chiều rộng nền đường 28 m, chiều rộng mặt đường 16 m, dải phân cách giữa 11 m. Dự kiến tổng mức đầu tư dự án khoảng 999.431 triệu đồng, từ nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ và ngân sách tỉnh…

Việc đưa vào khai thác đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây rút ngắn thời gian đi lại giữa Thành phố Hồ Chí Minh với thành phố Phan Thiết. Các tuyến đường đang trong quá trình đầu tư xây dựng như cao tốc Dầu Giây-Phan Thiết, Phan Thiết-Nha Trang và sân bay Phan Thiết…giúp thành phố Phan Thiết chuyển mình mạnh mẽ về kinh tế, du lịch, đầu tư…

Nhờ hệ thống đường giao thông thông suốt, Bình Thuận đã thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư tại địa phương. Tính đến tháng 10/2019, toàn tỉnh có 1.200 dự án đầu tư trong và ngoài nước với tổng vốn đầu tư khoảng 230.000 tỷ đồng; trong đó,110 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký 3,5 tỷ USD.

Theo Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bình Thuận, khi giao thông từ Thành phố Hồ Chí Minh đến Phan Thiết và từ Phan Thiết đến Nha Trang được kết nối hoàn toàn bằng đường cao tốc, đặc biệt khi sân bay Phan Thiết đi vào hoạt động, thành phố Phan Thiết sẽ là một trong những điểm đến thuận lợi, hấp dẫn và tăng trưởng mạnh nhất của ngành du lịch Việt Nam.

Nhật Lệ (T/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Bình Thuận: Phát triển hệ thống giao thông đường bộ
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.