Bình Thuận: Phát triển nông thôn bền vững, nông nghiệp xanh ở huyện Đức Linh

Gia Hân|02/03/2023 15:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Nhằm phát triển nông thôn bền vững, nông nghiệp xanh, huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận đề xuất mô hình tuyến đường xanh, kênh mương sạch, cánh đồng không rác thải, bao bì thuốc bảo vệ thực vật.

Xây dựng tuyến đường xanh, kênh mương sạch, cánh đồng không rác thải

Những ngày cuối tháng 2, hội nông dân huyện Đức linh tổ chức ngày “Chủ nhật xanh”, ra quân thu gom rác thải, vệ sinh đồng ruộng. Có gần 200 hội viên nông dân của 12 hội cơ sở của huyện Đức Linh tham gia hưởng ứng phong trào ngày “Chủ nhật xanh”.

nong-thon-xanh.jpg
Hội Nông dân Đức Linh tổ chức ngày chủ nhật xanh, vệ sinh đồng ruộng

Các hội viên nông dân đã tích cực đến từng đồng ruộng của địa phương thu gom rác thải, chủ yếu là chai lọ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng, do một số người thiếu ý thức vứt bỏ trên đồng ruộng, có không ít trường hợp vứt xuống kênh mương dẫn nước, cản trở dòng chảy, gây ô nhiễm cho môi trường đồng ruộng. Những nông dân tình nguyện không ngại lội cả xuống mương nước, dùng cuốc kéo vớt các chai lọ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật, thu gom vào bao đưa đi xử lý; đồng thời dùng rựa phát quang, khơi thông dòng nước chảy. Rác thải khi gom lại vào bao được đưa đến các lò thiêu hủy rác thải nông nghiệp đã được xây sẵn trên các cánh đồng lúa. Được biết, trên địa bàn huyện Đức Linh đã triển khai lắp đặt nhiều lò thiêu hủy rác thải nông nghiệp bằng bê tông cốt thép, đặt tại những vị trí thuận lợi, trên các trục đường chính dẫn ra ruộng để tiện cho người dân bỏ chai lọ, vỏ thuốc bảo vệ thực vật.

Tuy nhiên một số người dân ý thức chưa tốt nên vẫn còn tình trạng chai lọ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật vứt bỏ tùy tiện, gây ô nhiễm môi trường. Qua hoạt động này, hội Nông dân các cấp ở huyện Đức Linh cũng đã tuyên truyền sâu hơn cho bà con nông dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường đồng ruộng; góp phần bảo vệ nguồn nước và bảo vệ hệ sinh thái.

Ông Bùi Chín - Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn 10, xã Nam Chính, chia sẻ: “Trong đợt này, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến bà con nông dân nên bỏ chai lọ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật đúng nơi quy định; bảo vệ cảnh quan, môi trường đồng ruộng cũng chính là bảo vệ sức khỏe cho chính mình”.

Đây là hoạt động thiết thực của hội Nông dân huyện Đức Linh, nhằm chào mừng đại hội hội Nông Dân các cấp nhiệm kỳ 2023-2028 và kỷ niệm 40 năm ngày tái lập huyện Đức Linh (1/5/1983-1/5/2023) gắn với kỷ niệm 48 năm Ngày giải phóng quê hương Hoài Đức – Đức Linh (23/3/1975 -23/3/2023) và hưởng ứng năm Du lịch Quốc gia 2023 tại tỉnh Bình Thuận.

nong-nghiep-xanh-1.png
Xã Nam Chính nơi đề xuất xây dựng tuyến đường xanh, kênh mương sạch, cánh đồng không rác thải

Hướng tới xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao

Hiện nay, Đức Linh đang phấn đấu xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao theo Bộ tiêu chí quốc gia 2021-2025 của Thủ tướng Chính phủ cũng như hướng tới nền nông nghiệp xanh, bền vững, thân thiện môi trường.

Tuy nhiên, theo UBND huyện Đức Linh thực trạng cảnh quan, môi trường trong các vùng sản xuất chưa thực sự đáp ứng yêu cầu để hướng tới sản xuất bền vững, cũng như tình trạng ô nhiễm môi trường đất, nguồn nước sản xuất do phế thải thuốc BVTV còn xảy ra.

Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng, cảnh quan môi trường còn sơ sài, chưa gắn kết chặt chẽ về phương diện cảnh, mỹ quan trong vùng sản xuất. Bên cạnh đó nhận thức về xây dựng môi trường sản xuất bền vững, hướng tới hiện đại trong nông dân còn nhiều hạn chế, tư duy chưa được đổi mới.

Trước thực trạng trên, ông Huỳnh Văn Tú, Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Linh cho rằng, việc xây dựng mô hình “tuyến đường xanh - kênh mương sạch - cánh đồng không rác thải, bao bì thuốc BVTV” là cần thiết.

Điều này nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền trực quan, hướng tới thay đổi nhận thức của người dân và tư duy lãnh đạo, điều hành của các cấp ủy, chính quyền trong xây dựng, cải tạo cảnh quan môi trường sống, sản xuất ở nông thôn. Cũng như hướng tới xây dựng diện mạo mới trong xây dựng nông thôn mới nâng cao tại địa phương.

Do đó, huyện Đức Linh đã có văn bản gửi Văn phòng Điều phối Nông thôn mới tỉnh Bình Thuận đề xuất đăng ký mô hình trên triển khai tại 2 địa điểm xã Nam Chính, nơi đăng ký xây dựng nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025.

Theo đó, mô hình này sẽ nâng cấp 7 km kênh tưới thủy lợi, nhằm tạo thêm tính thẩm mỹ về cảnh quan, đồng bộ về kết cấu để tăng cường khả năng ứng phó thiên tai, hướng tới hình thành cánh đồng mẫu về sản xuất an toàn, bền vững, hiện đại trong xây dựng NTM.

Cùng với đó sẽ trồng hoa, cây xanh dọc trên các tuyến đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng và các tuyến kênh thủy lợi được nâng cấp có liên thông kết nối với nhau trong phạm vi thực hiện mô hình với chiều dài 12km…Tổng kinh phí thực hiện mô hình này hơn 12 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trong điều kiện nhận thức và khả năng đóng góp của người nông dân trong đầu tư kết cấu hạ tầng thủy lợi còn nhiều hạn chế, nguồn ngân sách địa phương còn khó khăn. Do đó, huyện Đức Linh cho rằng việc xây dựng mô hình này cần có sự hỗ trợ của Trung ương, tỉnh để thực hiện. Trong đó ngân sách Trung ương cần hỗ trợ 70%, còn lại vốn ngân sách đối ứng của địa phương 20% và nguồn vốn khác 10%.

nong-nghiep-xanh-2.png
Hệ thống kênh mương nội động tại xã Nam Chính

Theo ông Huỳnh Văn Tú, nếu mô hình được triển khai thì các công trình thủy lợi sau khi nâng cấp sẽ đảm bảo nước tưới tiêu phục sản xuất; nâng năng suất, sản lượng cây trồng và góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân giảm thiểu chi phí sửa chữa, duy tu bảo dưỡng hàng năm do ảnh hưởng của thiên tai mưa lũ…

Cũng như nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền trực quan, hướng tới thay đổi nhận thức của người dân và tư duy lãnh đạo, điều hành của các cấp ủy, chính quyền trong xây dựng, cải tạo cảnh quan môi trường sống, sản xuất ở nông thôn. Hình thành được mô hình mẫu về cảnh quan xanh - sạch - đẹp giữa khu dân cư và vùng sản xuất ở nông thôn gắn với kết cấu hạ tầng đồng bộ, thống nhất theo hướng nông thôn bền vững, hiện đại tạo tiền đề nhân rộng trong quá trình xây dựng NTM ở địa phương.

Bên cạnh đó, việc trồng hoa, cây xanh trên các tuyến đường ngoài tạo được cảnh quan đẹp còn góp phần nâng tỷ lệ che phủ bóng mát, hấp thu bức xạ tạo không khí mát mẻ, trong lành, giúp cân bằng hệ sinh thái và tạo nơi trú ngụ cho các loài chim, bò sát.

Ngoài ra, các công trình sau khi nâng cấp giúp tăng cường khả năng chống chịu an toàn trước thiên tai, nâng cao hiệu quả sử dụng nước tưới… góp phần nâng cao hiệu quả ứng phó trước thiên tai mưa lũ, hạn hán…

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bình Thuận: Phát triển nông thôn bền vững, nông nghiệp xanh ở huyện Đức Linh