Bình Thuận: TP. Phan Thiết đề xuất nhiều biện pháp xử lý rác thải biển
Mới đây, Phòng Tài nguyên và Môi trường TP.Phan Thiết đã kiến nghị UBND TP một số biện pháp để xử lý rác biển được nhanh chóng, kịp thời, đồng thời giảm dần lượng rác biển trôi dạt trong thời gian tới.
Theo số liệu của Phòng Tài nguyên và Môi trường, trong 7 tháng đầu năm, tổng số đợt ra quân dọn dẹp làm vệ sinh ven biển (nhất là khu vực biển Hàm Tiến, Mũi Né) 22 đợt, thực hiện thu gom 450m³ rác.
Trước đó, vào ngày 20/7/2024, UBND TP.Phan Thiết phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường, tỉnh đoàn Bình Thuận tổ chức phát động lễ ra quân Chiến dịch làm sạch biển, bảo vệ môi trường năm 2024 tại phường Mũi Né thu hút hơn 400 người tham gia, thu gom hơn 45m³ rác biển (chủ yếu là rác nhựa). Tại phường Hàm Tiến vào các ngày 3/8 – 8/8 đã tổ chức thu gom rác biển tại khu vực khu phố 3, khu phố 4 với lượng rác thu gom là hơn 150m³.
Phòng Tài nguyên và Môi trường nhận định, rác biển trôi dạt vào bờ xuất phát từ 3 nguồn chính: Rác từ các sông trôi ra biển sau đó tấp vào bờ; rác do hoạt động của các tàu cá, phương tiện vận tải thủy; rác từ các hoạt động dân cư, cơ sở dịch vụ ven biển và rác thải từ biển trôi dạt tập trung nhiều tại các khu vực bờ biển chưa có hoạt động khai thác du lịch.
Trước tình hình đó, Phòng Tài nguyên và Môi trường đã kiến nghị UBND TP.Phan Thiết chỉ đạo các phường, xã duy trì hoạt động thu gom, xử lý rác biển hàng tháng, hàng tuần (trong thời gian cao điểm); tăng tần suất thu gom vớt rác trên sông để giảm lượng rác thải trôi ra biển.
Đồng thời, nghiên cứu áp dụng các biện pháp vớt rác bán tự động bằng thiết bị cơ giới để đảm bảo thu gom được triệt để. Trong tương lai cần phải áp dụng các phương pháp thu gom hiện đại để vớt rác tại vùng nước biển ven bờ để giảm dần lượng rác tấp vào bờ.
Ngoài ra, cần tuyên truyền tiến đến bắt buộc ngư dân không xả rác thải nhựa xuống biển trong quá trình đánh bắt; cùng với đó kêu gọi tổ chức doanh nghiệp đủ năng lực để chuyên thu gom, xử lý rác biển tránh tình trạng rác biển gây mất mỹ quan.