Theo đó, Bộ Công an đang dự thảo Thông tư quy định kiểm định môi trường về khí thải công nghiệp của lực lượng Công an nhân dân.
Dự thảo Thông tư gồm 03 chương, 14 điều và 05 phụ lục, quy định về thu mẫu, đo kiểm tại hiện trường, kiểm định mẫu khí thải công nghiệp, điều kiện chuyên môn của cán bộ kiểm định, bảo đảm chất lượng và kiểm soát chất lượng trong kiểm định môi trường về khí thải công nghiệp của lực lượng Công an nhân dân.
Cán bộ kiểm định khí thải công nghiệp phải có giấy chứng nhận tập huấn hoặc bồi dưỡng
Dự thảo quy định điều kiện chuyên môn của cán bộ kiểm định khí thải công nghiệp: Cán bộ làm nhiệm vụ thu mẫu, đo kiểm tại hiện trường, kiểm định mẫu khí thải công nghiệp phải có năng lực trình độ chuyên môn phù hợp và được cấp giấy chứng nhận tập huấn hoặc bồi dưỡng về thu mẫu, đo kiểm tại hiện trường và kiểm định mẫu khí thải công nghiệp.
Cán bộ kiểm định khí thải công nghiệp có trách nhiệm:
a) Thực hiện đúng quy trình thu mẫu và đo kiểm tại hiện trường khí thải công nghiệp, quy trình kiểm định mẫu khí thải công nghiệp theo quy định;
b) Thực hiện đúng quy trình vận hành, sử dụng, bảo quản phương tiện, thiết bị và chịu trách nhiệm về việc sử dụng phương tiện, thiết bị kiểm định khí thải công nghiệp;
c) Đảm bảo phương tiện, thiết bị kiểm định khí thải công nghiệp được giao hoạt động bình thường, ổn định và được hiệu chuẩn hoặc kiểm định theo quy định; thực hiện các biện pháp khắc phục hoặc hạn chế ảnh hưởng theo hướng dẫn hoặc khuyến cáo của nhà sản xuất; thực hiện đầy đủ quy trình kiểm soát chất lượng và bảo đảm chất lượng;
d) Từ chối thu mẫu, đo kiểm tại hiện trường khí thải công nghiệp khi vị trí thao tác không đảm bảo an toàn hoặc không có các biện pháp đảm bảo an toàn cho cán bộ thực hiện.
Dự thảo cũng nêu rõ trách nhiệm của đơn vị quản lý cán bộ kiểm định khí thải công nghiệp:
a) Lập hồ sơ quản lý phương tiện, thiết bị kiểm định khí thải công nghiệp bao gồm: lý lịch; hướng dẫn sử dụng; nhật ký sử dụng; giấy kiểm định hoặc hiệu chuẩn; sổ giao, nhận phương tiện, thiết bị;
b) Tổ chức bảo dưỡng, kiểm định, hiệu chuẩn các phương tiện, thiết bị kiểm định khí thải công nghiệp; mua sắm hóa chất, vật tư theo quy định, kịp thời sửa chữa phương tiện, thiết bị kiểm định khí thải công nghiệp đảm bảo công tác;
c) Mở và lưu trữ hồ sơ về năng lực chuyên môn của cán bộ kiểm định khí thải công nghiệp: lý lịch khoa học; hồ sơ đào tạo, các văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận liên quan; bảng thống kê năng lực kiểm định của cán bộ;
d) Mở và lưu trữ đầy đủ hồ sơ về kiểm định khí thải công nghiệp, bao gồm hồ sơ về thu mẫu khí thải công nghiệp, hồ sơ đo kiểm tại hiện trường khí thải công nghiệp, hồ sơ kiểm định mẫu khí thải công nghiệp và các văn bản, tài liệu liên quan trực tiếp đến vụ việc kiểm định khí thải công nghiệp theo quy định của pháp luật.
Chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc sử dụng phương tiện, thiết bị, phương pháp, trình tự kiểm định khí thải công nghiệp và kết quả thu thập được bằng phương tiện, thiết bị, phương pháp kiểm định khí thải công nghiệp.
Lựa chọn đơn vị phối hợp kiểm định khí thải công nghiệp
Khi năng lực của đơn vị thu mẫu, đơn vị kiểm định thuộc lực lượng Công an nhân dân không đáp ứng yêu cầu thì sử dụng đơn vị phối hợp bên ngoài ngành Công an nhân dân. Đơn vị được phối hợp phải có Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường còn hiệu lực với thông số cần kiểm định.
Khi lựa chọn đơn vị phối hợp đáp ứng yêu cầu kiểm định khí thải công nghiệp thì phải lập danh sách kèm theo hồ sơ năng lực của đơn vị đó và được lãnh đạo phê duyệt. Chỉ sử dụng đơn vị phối hợp trong danh sách đã được lãnh đạo phê duyệt.
Khi thực hiện việc thu mẫu và đo kiểm tại hiện trường khí thải công nghiệp thì đơn vị thuộc Công an nhân dân phải chủ trì thực hiện và cùng đơn vị phối hợp lập biên bản thu mẫu khí thải công nghiệp, biên bản đo kiểm tại hiện trường khí thải công nghiệp.