Theo cảnh báo từ Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, tình trạng nắng nóng ở Nam bộ và Tây Nguyên sẽ kéo dài đến hết tháng 5, cao điểm là trong tháng 4, nên tình trạng hạn hán, thiếu nước ngọt sẽ diễn ra nghiêm trọng; đồng thời hiện tượng xâm nhập mặn tại khu vực ĐBSCL sẽ căng thẳng hơn.
Hiện nay, độ mặn cao nhất tại các trạm ở ĐBSCL phổ biến ở mức cao hơn độ mặn cao nhất trong tháng 4/2023. Tình trạng xâm nhập mặn ở ĐBSCL mùa khô năm 2023-2024 ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng không gay gắt như mùa khô năm 2015-2016 và năm 2019-2020.
Các đợt xâm nhập mặn tăng cao ở khu vực Nam bộ tập trung trong 2 tháng 4 và 5/2024 (nhất là trong các đợt từ ngày 8 đến 13/4; từ ngày 22 đến 28/4 và từ ngày 7 đến 11/5).
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, tình hình xâm nhập mặn ở ĐBSCL phụ thuộc vào nguồn nước từ thượng nguồn sông Mekong, triều cường và còn biến động trong thời gian tới. Các địa phương ở vùng ĐBSCL cần cập nhật kịp thời các thông tin dự báo khí tượng thủy văn và có các biện pháp chủ động phòng chống xâm nhập mặn.
Ngày 9/4, Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ NNPTNT) phối hợp với Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) tại Việt Nam, triển khai dự án hành động sớm với thiên tai ở Việt Nam.
Địa bàn thực hiện dự án là 6 tỉnh ven biển miền Trung (Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Phú Yên) với loại hình thiên tai bão và lũ lụt; tỉnh Gia Lai ở Tây Nguyên với hạn hán và 5 tỉnh ở khu vực ĐBSCL (Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Cà Mau và Kiên Giang) với hạn hán và xâm nhập mặn.
Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, do tác động của El Nino, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn đã ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội và đời sống của người dân tại ĐBSCL và tỉnh Cà Mau nói riêng, như: sụt lún trên một số tuyến đường giao thông, sinh kế của bà con đảo lộn, khu vực nông thôn bị thiếu nước cho sinh hoạt và sản xuất… Thực hiện Chỉ thị số 11 ngày 1/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện các biện pháp phòng chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, qua đánh giá tình hình thực tế tại tỉnh Cà Mau, Bộ NNPTNT phối hợp với Tổ chức FAO tại Việt Nam đã quyết định kích hoạt hành động sớm để hỗ trợ các hộ gia đình khó khăn ở 4 xã (Khánh An, Khánh Thuận - huyện U Minh; Khánh Hưng - huyện Trần Văn Thời; Biển Bạch - huyện Thới Bình) với hơn 1.000 hộ gia đình được hỗ trợ tiền mặt theo 2 đợt (lần đầu trong tháng 4 và lần thứ hai trong tháng 5), mức hỗ trợ là 6 triệu đồng cho mỗi hộ gia đình có 3 nhân khẩu trở lên.
“Số tiền tuy không nhiều, nhưng sẽ giúp đỡ bà con phần nào trong giai đoạn khó khăn bởi thiên tai hạn mặn” - ông Hiệp chia sẻ và cho biết sắp tới Bộ NNPTNT cũng nghiên cứu khả năng kết nối hành động sớm với hệ thống bảo trợ xã hội, thí điểm tại tỉnh Thừa Thiên Huế và thí điểm xây dựng lán trại sơ tán gia súc khi có ngập lụt do mưa bão tại một số tỉnh ở miền Trung.