Hạn mặn khốc liệt, khoảng 50.000 hộ dân ở ĐBSCL thiếu nước sạch sinh hoạt

Thanh Thanh|09/04/2024 16:05
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Đó là thông tin được nêu ra trong lễ phát động Tuần lễ Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường năm 2024 diễn ra ngày 9/4, tại huyện U Minh, tỉnh Cà Mau.

Theo đó, trong buổi lễ phát động, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, theo thông lệ, Tuần lễ Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường sẽ được tổ chức từ ngày 29/4 đến 6/5 hằng năm. Tuy nhiên năm nay Bộ tổ chức phát động sớm vì nhiều địa phương đang trong giai đoạn cao điểm của hạn mặn. Vì vậy, tuần lễ có thể kéo dài đến Ngày Môi trường thế giới (5/6) và lồng ghép với sự kiện, ngày lễ lớn khác.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp thông tin, đến nay, tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh khoảng 92%. Trong đó, tỷ lệ sử dụng nước đạt quy chuẩn là 57%; hộ gia đình nông thôn có nhà tiêu đạt 94% (trong đó có 80% có nhà tiêu hợp vệ sinh); 96% trường học, trạm y tế có công trình cấp nước và vệ sinh.

nguyenhoanghiep-moitruongnet.png
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, dù đã rất nỗ lực nhưng hiện vẫn còn 43% người dân nông thôn chưa có nguồn nước hợp quy chuẩn quốc gia sử dụng

Mặc dù đã rất nỗ lực nhưng hiện vẫn còn 43% người dân nông thôn chưa có nguồn nước hợp quy chuẩn quốc gia sử dụng. Việc giảm tỷ lệ này không những là mục tiêu mà còn là áp lực rất lớn…, - ông Hiệp phân tích, đồng thời cho biết thêm, 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long đang có khoảng 50.000 hộ thiếu nước sạch, phải sử dụng nhiều giải pháp khác nhau đảm bảo có nước sạch sinh hoạt.

Điển hình tại tỉnh Cà Mau, hiện khoảng 4.000 hộ phải dùng biện pháp khẩn cấp để có nước sạch phục vụ nhu cầu sinh hoạt. UBND tỉnh đã có nhiều giải pháp kể cả vận động doanh nghiệp, lực lượng vũ trang vận chuyển nước sạch cho người dân nhưng thách thức hiện còn rất lớn.

Trước những vấn đề đang đặt ra, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị, cần thống nhất lại nhận thức rằng, Việt Nam là quốc gia thiếu nước, nước không phải là nguồn tài nguyên vô hạn, vậy nên cần có hành động tương xứng. Đồng thời, các cấp ủy, chính quyền các địa phương tiếp tục có sự đầu tư và hành động cụ thể hơn nữa, đảm bảo mọi người dân, đặc biệt là người dân nông thôn đều được tiếp cận một cách bình đẳng, công bằng về nước sạch cũng như vệ sinh môi trường.

dbscl-moitruongnet.png
Hạn mặn khốc liệt, khoảng 50.000 hộ dân ở Đồng bằng sông Cửu Long thiếu nước sạch sinh hoạt

Hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường 2024, ông Lê Văn Sử - Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã kêu gọi các cấp chính quyền tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân về sử dụng nước sạch, bảo vệ nguồn nước, trồng thêm cây xanh, vệ sinh môi trường sống và cộng đồng.

Với chủ đề “Bảo đảm cấp nước sạch an toàn thích ứng với biến đổi khí hậu”, các thông điệp chính của Tuần lễ Quốc gia Nước sạch và vệ sinh môi trường năm 2024 bao gồm: Bảo đảm nước sạch và vệ sinh môi trường là xây dựng nông thôn mới; chủ động cấp, trữ nước an toàn, giải pháp hiệu quả ứng phó nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; sử dụng nước tiết kiệm - hiệu quả là bạn đã chia sẻ cơ hội cho mọi người; bảo vệ nguồn nước là góp phần bảo đảm an ninh nguồn nước Quốc gia; nước sạch và vệ sinh là sức khỏe cộng đồng và sự phát triển của trẻ em; rửa tay bằng xà phòng - hành động đúng - sức khỏe thật; thu gom, xử lý chất thải, rác thải, vì xóm làng xanh - sạch - đẹp.… 

Thông qua phát động hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nhằm nâng cao hiểu biết, trách nhiệm, sự tham gia của người dân, cộng đồng cùng các tổ chức chính trị - xã hội, địa phương trong việc thúc đẩy thực hiện cấp nước an toàn, bảo vệ nguồn nước, công trình cấp nước. Đồng thời, chủ động triển khai giải pháp cấp nước, thu, trữ nước an toàn đảm bảo đủ nước sạch cho người dân, nhất là khu vực chịu ảnh hưởng của nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn, ô nhiễm nguồn nước...

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hạn mặn khốc liệt, khoảng 50.000 hộ dân ở ĐBSCL thiếu nước sạch sinh hoạt