(Moitruong.net.vn) – Vừa qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức Hội nghị tập huấn nghiệp vụ và triển khai công tác thanh tra, kiểm tra ngành Tài nguyên và Môi trường năm 2018. Tại Hội nghị, lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường và Thanh tra Bộ đều khẳng định luôn sẵn sàng phối hợp, hỗ trợ chính quyền các tỉnh, thành phố và Sở Tài nguyên và Môi trường các địa phương trong công tác thanh, kiểm tra đối với lĩnh vực quản lý tài nguyên và môi trường.
>>>Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Thanh tra để giúp các địa phương quản lý tài nguyên và môi trường tốt hơn
Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Thị Phương Hoa phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
Sau phát biểu chỉ đạo khai mạc Hội nghị của Bộ trưởng Trần Hồng Hà, ông Lê Quốc Trung, Chánh Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình bày Báo cáo công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại tố cáo năm 2017 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2018 của ngành Tài nguyên và Môi trường.
Theo đánh giá của Chánh Thanh tra Lê Quốc Trung, việc xây dựng chương trình, kế hoạch công tác thanh tra, kiểm tra của các đơn vị trực thuộc Bộ và các Sở đã bám sát định hướng của ngành và Thanh tra Chính phủ. Nội dung kế hoạch thanh tra, kiểm tra đã tập trung vào những vấn đề nội cộm về tài nguyên và môi trường và hạn chế việc chồng chéo giữa Bộ và địa phương.
Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý Đất đai Lê Thanh Khuyến trình bày tham luận tại Hội nghị
Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã từng bước chuyển mạnh từ việc chỉ tập trung thực hiện công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo sang thanh tra chuyên ngành và thanh tra trách nhiệm việc chấp hành pháp luật đối với UBND các cấp tại địa phương. Năm 2017 số cuộc thanh tra, kiểm tra tăng 510 cuộc so với năm 2016.
Công tác thanh tra, kiểm tra đã phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật của các đối tượng được thanh tra, đồng thời kiến nghị chấn chỉnh khắc phục các bất cập, sơ hở trong công tác quản lý Nhà nước và hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; hiệu quả và vai trò của công tác thanh tra, kiểm tra về lĩnh vực tài nguyên và môi trường đã được nâng lên, kết quả thanh tra đã đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu về phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật và các hành vi tham nhũng, lãng phí về tài nguyên và môi trường.
Công tác tiếp công dân trong toàn ngành đã thực hiện theo đúng Nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và quy định của pháp luật; Lãnh đạo Bộ và Giám đốc các Sở đã định kỳ và đột xuất tiếp công dân theo đúng quy định.
Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Văn Tài trình bày tham luận tại Hội nghị
Đã có sự phối hợp tích cực giữa Bộ với các cơ quan Trung ương và địa phương trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo. Việc tiếp tục kiểm tra, rà soát giải quyết vụ việc tồn đọng, kéo dài đã đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn, tác động tích cực đến tình hình và kết quả của công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, góp phần ổn định và bảo đảm an ninh, trật tự xã hội. Nhiều địa phương đã chủ động có văn bản hoặc trực tiếp làm việc với Bộ để trao đổi, xin ý kiến về các vướng mắc trong giải quyết vụ việc phức tạp, tạo sự đồng thuận cao trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp đất đai.
Về những tồn tại, hạn chế, Chánh Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Quốc Trung đã chỉ rõ: Công tác thanh tra, kiểm tra tại các địa phương đã được tăng cường, nhưng chỉ mới tập trung ở lĩnh vực đất đai, môi trường, khoáng sản và tài nguyên nước. Số cuộc thanh tra, kiểm tra ở các lĩnh vực khí tượng thủy văn, đo đạc và bản đồ, biển và hải đảo, thanh tra trách nhiệm của UBND các cấp vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý của ngành. Đặc biệt là lĩnh vực đo đạc và bản đồ vẫn còn 82% số Sở chưa đưa nội dung này vào trong kế hoạch thanh tra, kiểm tra hàng năm.
Việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các kết luận thanh tra còn hạn chế (mới chỉ đạt 5% tổng số kết luận thanh tra đã được ban hành) dẫn đến tình trạng một số tổ chức, cá nhân sau thanh tra, kiểm tra chậm hoặc không thực hiện nghiêm các kết luận thanh tra, kiểm tra.
Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin Bộ TN&MT Lê Phú Hà trình bày báo cáo tại Hội nghị
Sự phối hợp giữa các Bộ, ngành Trung ương và các địa phương trong công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo đã có chuyển biến tích cực, song vẫn còn nhiều vụ việc địa phương chậm xem xét, giải quyết (theo số liệu tổng hợp vẫn còn trên 88% số vụ việc công dân gửi đến Bộ thuộc thẩm quyền của địa phương nhưng chưa được xem xét, giải quyết). Việc tổ chức thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo đã có hiệu lực thi hành còn hạn chế, vẫn còn tình trạng công dân gửi đơn đến Bộ đề nghị thi hành các quyết định giải quyết của địa phương.
Nguồn lực về con người, kinh phí, trang thiết bị cho công tác thanh tra, kiểm tra về tài nguyên và môi trường chưa đáp ứng được với khối lượng nhiệm vụ thực tế phát sinh. Vẫn còn một số nhiệm vụ đã kết thúc việc thanh tra, kiểm tra, thẩm tra, xác minh nhưng chậm ban hành kết luận thanh tra và văn bản giải quyết…
Từ những tồn tại, hạn chế nêu trên, ông Lê Quốc Trung, Chánh Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đưa ra một số giải pháp chủ yếu để khắc phục như:
Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật về tài nguyên và môi trường cũng như hệ thống pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, khiếu nại và tố cáo; xây dựng cơ chế đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ, thống nhất giữa các cơ quan Trung ương và địa phương trong việc xử lý dứt điểm các vụ việc khiếu nại kéo dài, hết thẩm quyền, đúng quy định.
Phó Chánh Thanh tra Bộ TN&MT Lê Vũ Tuấn Anh báo cáo tại Hội nghị
Chủ động và linh hoạt trong việc bố trí, sắp xếp con người và nguồn lực cho công tác thanh tra về tài nguyên và môi trường tương xứng với khối lượng nhiệm vụ thực tế phát sinh và yêu cầu công tác quản lý nhà nước của ngành; tập trung bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, tu dưỡng đạo đức cho cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra đáp ứng với những thay đổi của chính sách và tiêu chuẩn của cán bộ làm công tác thanh tra.
Tăng cường cơ chế phối hợp giữa các địa phương với Bộ Tài nguyên và Môi trường trong xây dựng các chủ trương, cơ chế, chính sách và pháp luật về công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, trao đổi và chia sẻ thông tin, giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn ở địa phương. Bộ Tài nguyên và Môi trường sẵn sàng hỗ trợ địa phương trong quá trình triển khai các cơ chế, chính sách, pháp luật và giải quyết, tháo gỡ khó khăn cũng như những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra ở địa phương.
Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị cần quan tâm trong việc chỉ đạo tổ chức rút kinh nghiệm sau thanh tra và tập trung đầu tư cho công tác xây dựng báo cáo định kỳ đảm bảo đúng thời hạn và có chất lượng.
Sau báo cáo của ông Lê Quốc Trung, Chánh Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường; ông Lê Thanh Khuyến, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai và ông Nguyễn Văn Tài, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường đã lần lượt trình bày các vấn đề trọng tâm dự kiến được đưa vào nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai và Luật Bảo vệ môi trường.
Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin Lê Phú Hà đã trình bày báo cáo khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu đơn thư khiếu nại, tố cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Theo đó, phấn đấu đến năm 2019, hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu làm giảm sử dụng hồ sơ giấy, bảo đảm đầy đủ các thông tin cần thiết và hỗ trợ cơ bản các nghiệp vụ của thanh tra, trợ giúp ra quyết định, bảo đảm thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp; cung cấp thông tin theo quy định cho tổ chức, cá nhân và xã hội.
Cục trưởng Lê Phú Hà đã có một bản thuyết trình hấp dẫn, thu hút sự quan tâm của các đại biểu dự Hội nghị về báo cáo hệ thống tương tác Bộ Tài nguyên và Môi trường. Theo đó, hệ thống tương tác này có nhiệm vụ xây dựng hệ thống tương tác trực tuyến chỉ đạo điều hành toàn diện các hoạt động của ngành Tài nguyên và Môi trường giữa Bộ trưởng, Lãnh đạo Bộ, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường các địa phương trên nền tảng điện toán đám mây và thiết bị di động; sự tương tác này tại mọi lúc, mọi nơi trên các phương tiện thông dụng, các thiết bị cầm tay thông minh; đồng thời bảo đảm an toàn, bảo mật thông tin…
Quang cảnh Hội nghị tại Vĩnh Long
Phát biểu kết thúc ngày làm việc đầu tiên trong chương trình Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thị Phương Hoa đề nghị các đại biểu chuẩn bị kỹ những nội dung thảo luận về Báo cáo của Chánh Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường, từ đó phải nêu bật được những giải pháp cụ thể nhằm tháo gỡ, khắc phục khó khăn, tồn tại vướng mắc trong năm 2018.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa cũng yêu cầu các đại biểu dự Hội nghị sau khi nghe trình bày các vấn đề trọng tâm dự kiến được đưa vào nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai và Luật Bảo vệ môi trường, thì cần phải bổ sung, đề xuất thêm những vấn đề gì; để nhằm bảo đảm tính khả thi của luật, tránh sự chồng chéo, trùng lắp giữa các bộ luật khi triển khai. Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa cho biết Luật Đất đai và Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi, bổ sung sẽ được Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Chính phủ vào cuối năm 2018, để Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến và thảo luận tại phiên họp đầu tiên của năm 2019 và dự kiến sẽ thông qua vào cuối năm 2019.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa cũng đã đánh giá cao sự hợp tác, phối hợp, hỗ trợ của Ban Tiếp công dân Trung ương đối với Bộ Tài nguyên và Môi trường trong công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Ngày 16/3 Hội nghị tiếp tục diễn ra với các nội dung: Tập huấn chuyên đề về xử phạt vi phạm hành chính và Đề án “Tăng cường xử lý vi phạm về quản lý, sử dụng đất đai đến năm 2020”… Hội nghị sẽ kéo dài đến hết ngày 17/3/2018.
Theo Monre