Bỏ tính điểm trung bình các môn ở bậc THCS và THPT

Hoàng Lâm|22/08/2021 01:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT quy định về đánh giá học sinh THCS và THPT, gồm nhiều điểm mới về cách đánh giá, tính điểm học sinh.

Ảnh minh họa

Thông tư mới sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 5/9/2021 và sẽ triển khai năm đầu tiên với lớp 6. Từ năm 2022 – 2023 sẽ theo lộ trình áp dụng cho lớp 7 và lớp 10, sau đó đến lớp 8 và lớp 11. Đến năm học 2024 – 2025 sẽ áp dụng với các lớp 9 và 12.

Thông tư mới quy định 2 hình thức đánh giá gồm nhận xét và kết hợp giữa nhận xét với điểm số. Các môn Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, Âm nhạc, Mỹ thuật, Nội dung giáo dục của địa phương, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp sẽ được nhận xét chứ không cho điểm. Với cả đánh giá thường xuyên và định kỳ, học sinh sẽ chỉ nhận được một trong hai mức là “đạt” hoặc “chưa đạt”.

Với các môn học còn lại, nhà trường đánh giá kết hợp giữa nhận xét và điểm số thay vì chỉ chấm điểm như trước đây. Trong các bài kiểm tra, dự án, sản phẩm học tập, khi cho điểm giáo viên cũng cần đưa kèm nhận xét, để học sinh biết sự tiến bộ của mình, điều chỉnh thái độ, nỗ lực trong quá trình học tập. Đánh giá cuối cùng của các môn này vẫn bằng điểm số theo thang 10.

Với những môn chỉ có nhận xét, học sinh trải qua hai lần đánh giá thường xuyên ở mỗi học kỳ, một lần giữa kỳ và một lần cuối kỳ.

Với những môn kết hợp nhận xét với điểm số, số lần đánh giá thường xuyên giống như Thông tư số 26 năm 2020 của Bộ GD&ĐT. Với môn học có từ 35 tiết trở xuống mỗi năm, học sinh có hai đầu điểm kiểm tra, đánh giá thường xuyên; môn học từ trên 35 đến 70 tiết có 3 và trên 70 tiết có 4 đầu điểm. Mỗi học kỳ, mỗi môn có một điểm kiểm tra giữa kỳ, một điểm cuối kỳ.

Điểm kiểm tra, đánh giá thường xuyên được tính hệ số 1, giữa kỳ tính hệ số 2 và cuối kỳ tính hệ số 3. Điểm trung bình môn học kỳ là trung bình cộng của điểm thường xuyên, giữa kỳ và cuối kỳ với các hệ số.

Việc đánh giá thường xuyên sẽ được đa dạng hình thức thông qua hỏi – đáp, viết, thuyết trình, thực hành, thí nghiệm hay sản phẩm học tập. Còn với bài kiểm tra định kỳ, học sinh sẽ được đánh giá qua bài kiểm tra trên giấy hoặc máy tính, bài thực hành, dự án học tập.

Thông tư mới chỉ tính điểm trung bình theo từng môn chứ không yêu cầu cộng điểm trung bình tất cả môn học để cho ra một mức điểm xếp loại học lực như trước. Như vậy, bảng điểm của học sinh sẽ không có dòng điểm trung bình tất cả môn – vốn là tiêu chí quan trọng để xếp loại học lực giỏi, khá, trung bình hay yếu, kém. Mức trung bình tất cả môn cũng tạo ra sự so sánh, xếp hạng học sinh trong lớp hay trong trường, trong khi mỗi học sinh có thế mạnh riêng.

Cùng với thay đổi trên, kết quả học tập của học sinh trong một học kỳ hay cả năm học sẽ theo một trong bốn mức, gồm: Tốt, khá, đạt và chưa đạt thay vì các loại học lực như trước.

Học sinh được xếp loại “Tốt” nếu các môn đánh giá bằng nhận xét ở mức “đạt”; các môn kết hợp nhận xét và cho điểm phải đạt 6,5 trở lên, trong đó có ít nhất 6 môn đạt 8 trở lên. Thông tư mới không quy định cụ thể môn nào phải đạt 8 trở lên, khác với việc quy định học sinh giỏi phải có ít nhất một trong ba môn Toán, Ngữ văn hoặc Tiếng Anh đạt 8 như trước.

Để được xếp loại “Khá”, các môn đánh giá bằng nhận xét cũng phải ở mức “đạt”, môn còn lại phải 5 trở lên, trong đó có ít nhất 6 môn mức 6,5 trở lên.

Với xếp loại “đạt”, học sinh có thể bị một môn đánh giá bằng nhận xét ở mức “chưa đạt”, các môn còn lại từ 3,5 trở lên, trong đó ít nhất 6 môn đạt mức 5.

Các trường hợp còn lại sẽ bị đánh giá là “chưa đạt”.

Hoàng Lâm

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bỏ tính điểm trung bình các môn ở bậc THCS và THPT