Bộ TN&MT: Cần giải pháp bền vững ứng phó sạt lở tại An Giang

Lý Tĩnh|03/05/2017 09:49
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Bộ trưởng Trần Hồng Hà khảo sát khu vực sạt lở tại ấp Mỹ Hội, xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang

(Moitruong.net.vn) – Trước tình hình sạt lở nghiêm trọng bờ sông Vàm Nao, tỉnh An Giang làm 16 căn nhà bị trôi sông và hơn 100 hộ dân phải khẩn cấp di dời, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đã trực tiếp khảo sát thực địa và tìm các giải pháp ứng phó.

Với tình hình sạt lở nghiêm trọng của tỉnh An Giang nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã đề xuất những giải pháp ứng phó cấp bách trước mắt và lâu dài như sau:

  • Chỉ đạo Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang triển khai ngay việc hỗ trợ, tái định cư cho người dân khu vực sạt lở để đảm bảo sớm ổn định đời sống.
  • Triển khai ngay một số giải pháp mềm như sử dụng các rọ đá phên liếp, cọc tra, cọc gỗ, bao tải cát đặt tại ngay phía ngoài đường bờ, dọc theo đường bờ giúp cho đường bờ tăng khả năng chống chọi với vận tốc dòng lớn và các tác động do giao thông thủy gây ra để đảm bảo an toàn cho các khu vực có nguy cơ không để việc sạt lở lan rộng vào khu dân cư, khu sản xuất kinh doanh và trường học.
    sat lo tai an giang 2Biển cảnh báo sạt lở nguy hiểm tại ấp Mỹ Hội, xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang
  • Tiến hành đồng bộ các giải pháp phi công trình như chỉnh trị dòng chảy, nạo vét đáy sông nhằm không để dòng chảy áp sát bờ gây hố xoáy hay giảm đột ngột mặt cắt ướt. Giải pháp phi công trình vừa ít tốn kém, vừa tận dụng khai thác tài nguyên khoáng sản. Việc khai thác cát hợp lý và khoa học sẽ góp phần khơi thông dòng chảy, hạn chế tình trạng sạt lở đất bờ sông.
  • Tăng cường thanh kiểm tra việc xây dựng các công trình ven sông, quản lý chặt việc khai thác cát lòng sông; quản lý giao thông thủy hợp lý.
  • Nghiên cứu xây dựng các công trình cứng như kè chống sạt lở bờ sông và các công trình nắn dòng trên cơ sở nghiên cứu, tính toán để đưa ra các thông số công trình hiệu quả.

Về các giải pháp lâu dài, Bộ TN&MT kiến nghị Thủ tướng và Chính phủ sớm xem xét phê duyệt danh mục các Dự án thuộc chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh hoặc cho phép triển khai trước Dự án chống sạt lở sông Hậu.

sat lo tai an giang 3Có khoảng 20.000 hộ dân ở An Giang hiện đang sống trong vùng sạt lở

Theo báo cáo của Bộ TN&MT, có khoảng 20.000 hộ dân ở An Giang hiện đang sống trong vùng sạt lở. Trong năm 2015 xảy ra 20 vụ, năm 2016 xảy ra 18 vụ, thiệt hại 142 căn nhà và nhiều tài sản khác ước tính mỗi năm thiệt hại do sạt lở hơn 100 tỷ đồng. Và chính điều này đã tạo nhiều áp lực lên việc phát triển kinh tế, xã hội và môi trường của tỉnh.

Ngày 22 tháng 4 năm 2017 đã xảy ra sạt lở đất nghiêm trọng làm 16 căn nhà bị sạt lở xuống lòng sông, chiều dài sạt lở khoảng 70m, lấn sâu vào bờ trên 35m và cắt đứt giao thông liên xã. Khu vực sạt lở tiếp tục lấn sâu vào đường liên xã khoảng 2m, làm cắt đứt tuyến đường giao thông từ xã Mỹ Hội Đông đi Nhơn Mỹ; 90 căn nhà có nguy cơ tiếp tục bị sạt lở hoàn toàn, tỉnh An Giang đã thực hiện di dời 106 hộ (bao gồm 16 hộ có nhà bị sạt lở và có 90 hộ có nhà đang có nguy cơ bị sạt lở), 01 nhà máy xay xát.

Để khẩn trương khắc phục tình trạng sạt lở, đảm bảo ổn định đời sống nhân dân, Bộ TN&MT đã kiến nghị và đề xuất Thủ tướng Chính phủ các giải pháp trước mắt và lâu dài ứng phó sạt lở tại An Giang.

Lý Tĩnh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Bộ TN&MT: Cần giải pháp bền vững ứng phó sạt lở tại An Giang
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.