Môi trường - Tài nguyên

Bộ TNMT cần xác định rõ Bông rơi chải thô có phải là phế liệu để gỡ khó cho doanh nghiệp

Mạnh Hùng 23/12/2024 18:11

Hiện nay, Việt Nam chưa có tiêu chuẩn cho việc xác định thế nào là bông phế nói chung, bông rơi chải kỹ nói riêng... Tuy nhiên, Công ty Cổ phần Viện nghiên cứu Dệt May lại có kết quả giám định Bông rơi chải thô là “bông phế” (tức là Phế liệu - PV), từ kết quả giám định này nhiều lô hàng nhập khẩu là Bông rơi chải thô của doanh nghiệp không được thông quan, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

soi-oe-1.jpg
Bông rơi chải thô là nguyên liệu quan trọng của các doanh nghiệp kéo sợi, dệt may tại Việt Nam giúp giảm giá thành sản phẩm và tăng sức cạnh tranh. Nhưng hiện tại mặt hàng này không được thông quan.

Theo phản ánh của đại diện doanh nghiệp sản xuất bông sợi Thái Bình tại Hội nghị Đối thoại về chính sách, thủ tục hành chính thuế và hải quan năm 2024 vừa được Bộ Tài chính và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 10/12/2024, từ cuối năm 2023 đến nay, các doanh nghiệp nhập một số loại bông rơi chải thô và bông được làm sạch từ bông rơi chải thô để làm nguyên liệu cho sản xuất sợi OE thì các chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng, cảng Đình Vũ, chi cục Hải quan Thái Bình đã lấy mẫu kiểm tra và yêu cầu Chi cục Kiểm định Hải quan 2 phân tích hàng hóa. Tiếp đó, Chi cục Kiểm định Hải quan 2 đã trưng cầu giám định và gửi mẫu để Công ty Cổ phần Viện nghiên cứu Dệt May giám định. Thật bất ngờ, Công ty Cổ phần Viện nghiên cứu Dệt May đã có kết quả giám định là “bông phế” và sau đó toàn bộ các container hàng hóa đã bị Hải quan giữ tại cảng, không cho thông quan mà không nêu lý do và không có bất cứ quyết định hành chính nào gửi tới doanh nghiệp từ đó đến nay.

Bông rơi chải thô có phải là phế liệu?

Tại Công văn số 2972/BTC-TCHQ ngày 22/3/2024 gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Công Thương, Bộ Tài chính nêu kiến nghị xử lý đối với hàng hóa là “bông rơi chải thô”:

Căn cứ quy định tại khoản 27 Điều 3 của Luật Bảo vệ môi trường, tham khảo ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại công văn số 731/BTNMT-TCMT ngày 16/3/2012 cho trường hợp mặt hàng bông rơi chải kỹ, theo đó đã hướng dẫn: “Bông rơi chải kỹ, nếu được phân loại ngay từ khâu sơ chế nguyên liệu bông ban đầu thành 1 loại bông nguyên liệu (chất lượng thấp hơn) để có thể sử dụng trực tiếp làm nguyên liệu sản xuất... thì không phải là phế liệu ” và mô tả các nhóm mặt hàng “bông rơi” do Hiệp hội Bông sợi Việt Nam kiến nghị tại công văn số 42/2024/CV-VCOSA, Bộ Tài chính nhận thấy các nhóm “bông rơi” này có đặc điểm tương tự như hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại công văn số 731/BTNMT-TCMT, cụ thể:

- “Bông rơi chải kỹ” hay 06 nhóm “bông rơi” theo mô tả của Hiệp hội tại công văn số 42/2024/CV-VCOSA đều có thành phần chính là xơ bông thiên nhiên, là phần vật liệu/phụ phẩm được sàng lọc, phân loại từ khâu sơ chế nguyên liệu bông ra một loại sản phẩm có chất lượng thấp hơn để sử dụng làm nguyên liệu đầu vào cho quá trình sản xuất sợi của cùng quy trình sản xuất trong ngành hàng dệt may.

- 06 nhóm “bông rơi” còn lại có tỷ lệ tạp cao hơn so với “bông rơi chải kỹ” nhưng loại tạp chất trong các mẫu bông rơi này tương tự như tạp chất trong xơ bông nguyên liệu ban đầu. Theo thông tin Hiệp hội cung cấp thì tạp chất chủ yếu là tạp thực vật gồm lá cây bông, cành cây bông và vỏ quả/hạt bông, là các chất hữu cơ và không chứa các chất độc hại cho môi trường nói chung.

soi-oe.jpg
Văn bản của Bộ Tài chính gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Công thương về hướng giải quyết thủ tục nhập khẩu đối với mặt hàng bông rơi chải kỹ.

- Mặt khác, theo ý kiến của Bộ Công Thương tại công văn số 427/CN-CNHT ngày 26/08/2019 thì “Hiện nay Việt Nam chưa có tiêu chuẩn cho việc xác định thế nào là bông phế nói chung, bông rơi chải kỹ nói riêng... Việc định danh bông phế không đơn thuần chỉ dựa trên tỷ lệ tạp chất”. Do vậy, cho dù mặt hàng “Bông rơi chải kỹ” có tỷ lệ tạp thấp dưới 1%, hoặc các nhóm mặt hàng bông rơi khác phân loại từ quá trình kéo sợi có tỷ lệ tạp cao 10-40% thì cũng chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức cụ thể để xác định mặt hàng này là bông “phế liệu” theo khái niệm của Luật Bảo vệ môi trường để làm cơ sở cấm nhập khẩu mặt hàng này vào Việt Nam.

Đặc biệt, Bộ Tài chính xác định: Việc phân loại áp mã của cơ quan hải quan dựa trên 06 quy tắc phân loại và Danh mục HS của hải quan thế giới. Do vậy, việc phân loại áp mã của cơ quan hải quan không phải là cơ sở xác định mặt hàng là phế liệu mà việc xác định mặt hàng là phế liệu phải căn cứ theo quy định pháp luật về môi trường.

Từ cơ sở pháp lý, những thông tin và phân tích trên đây, Bộ Tài chính cho rằng bông rơi (cả bông rơi chải thô và bông rơi chải kỹ) thu được qua quá trình chải bông ban đầu là một loại bông nguyên liệu (có chất lượng thấp hơn) và được sử dụng làm nguyên liệu sản xuất sợi OE thì tương tự như nội dung Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hướng dẫn tại 731/BTNMT-TCMT ngày 16/3/2012 và không phải là phế liệu như quy định của Luật Bảo vệ môi trường.

Bộ Công Thương ủng hộ sử dụng các loại bông rơi làm nguyên liệu cho sản xuất sợi OE

Tại Công văn số 3422/BCT-XNK ngày 22/5/2024 và Công văn số 7736/BCT-XNK ngày 02/10/2024, Bộ Công thương ủng hộ việc doanh nghiệp kéo sợi OE sử dụng các loại bông rơi làm nguyên liệu cho sản xuất sợi OE nhằm tiết giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm; đồng thời góp phần nâng dần tỷ lệ sản phẩm sử dụng nguyên liệu tái chế, tái sử dụng, sản xuất theo xu hướng kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững (đối với các lô bông rơi có tỷ lệ tạp chất cao, doanh nghiệp có thể phải thực hiện công đoạn làm sạch, loại bớt tạp chất trước khi đưa bông rơi vào dây chuyền sản xuất sợi OE). Tuy nhiên, việc nhập khẩu bông rơi cần tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cần có quan điểm rõ ràng hơn

Tại Công văn số 3180/BTNMT-KSONMT ngày 20/5/2024, Bộ Tài nguyên và Môi trường mặc dù có quan điểm tương đồng với Bộ Tài chính đối với việc nhập khẩu bông rơi thải thô để sản xuất sợi nêu tại công văn số 2972/BTC-TCHQ nhưng không trả lời rõ như trước đây đối với mặt hàng bông rơi chải kỹ tại công văn số công văn số 731/BTNMT-TCMT ngày 16/3/2012 (khẳng định mặt hàng bông rơi chải kỹ không phải là phế liệu).

Do vậy, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) tiếp tục có công văn số 2861/TCHQ-GSQL ngày 19/6/2024 đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường cho ý kiến cụ thể mặt hàng bông rơi chải thô có phải là phế liệu theo pháp luật về môi trường hay không. Ngày 12/7/2024, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường có công văn số 2528/KSONMT-CTRSH có ý kiến như sau:

- Phế liệu là vật liệu được thu hồi, phân loại, lựa chọn từ những vật liệu, sản phẩm loại ra trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hoặc tiêu dùng để sử dụng làm nguyên liệu cho một quá trình sản xuất khác theo quy định tại khoản 27 Điều 3 Luật Bảo vệ môi trường.

- Bông rơi chải thô là một dạng bông thu được từ quá trình sàng lọc, phân loại bông từ khâu sơ chế ban đầu với thành phần chính là xơ bông thiên nhiên, dạng nguyên liệu bông có chất lượng thấp hơn (quá trình này là quá trình phân loại thành chính phẩm và thứ phẩm) được sử dụng làm nguyên liệu sản xuất sợi.

Như vậy theo ý kiến trên, đến nay Bộ Tài nguyên và Môi trường với vai trò là cơ quan được Chính phủ giao nhiệm vụ trong quản lý phế liệu nhập khẩu nhưng vẫn tiếp tục không khẳng định mặt hàng bông rơi chải thô nhập khẩu có phải là phế liệu hay không (không khẳng định như năm 2012 đối với mặt hàng bông rơi chải kỹ).

soi-oe-3.jpg
Văn bản chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường về xác định Bông rơi chải thô có phải là phế liệu hay không?

Ngày 17/12/2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc đã chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường theo chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền được giao, xác định rõ mặt hàng Bông rơi chải thô nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất sợi có phải là phế liệu theo pháp luật bảo vệ môi trường hay không để áp dụng chính sách quản lý phù hợp và có văn bản trả lời cho Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan được biết trước ngày 25 tháng 12 năm 2024.

Các doanh nghiệp nhập khẩu Bông rơi chải thô đang rất ngóng chờ văn bản trả lời thấu tình, đạt lý từ Bộ Tài nguyên và Môi trường để yên tâm sản xuất, kinh doanh.

Bài liên quan
  • Từ 1/1/2025, công an xã được phép tuần tra, xử lý vi phạm giao thông
    Theo Thông tư 73/2024/TT-BCA do Bộ Công an ban hành, từ 01/01/2025, công an xã được phép xử lý vi phạm giao thông trong một số trường hợp sau: Không đội mũ bảo hiểm; Chở quá số người quy định; Chở hàng hóa cồng kềnh; Dừng, đỗ xe sai quy định; Lái xe lạng lách, đánh võng, hoặc không có gương chiếu hậu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Bộ TNMT cần xác định rõ Bông rơi chải thô có phải là phế liệu để gỡ khó cho doanh nghiệp
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.