Bộ trưởng Công thương họp doanh nghiệp đầu mối bàn cách đảm bảo nhu cầu tiêu dùng xăng dầu những tháng cuối năm

Hà My|24/10/2022 20:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Thông tin từ Bộ Công thương cho biết, sáng nay ngày 24/10, Bộ trưởng Bộ Công Nguyễn Hồng Diên sẽ chủ trì cuộc họp với các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu để đánh giá tổng nguồn, hạn mức nhập khẩu xăng dầu đảm bảo cho nhu cầu tiêu dùng trong những tháng cuối năm.

nhd.jpg
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, đến thời điểm ngày 30/9/2022, chúng ta còn hàng dự trữ thương mại là 1,255 triệu m3, năng lực sản xuất của hai nhà máy Bình Sơn và Nghi Sơn trong tháng 10 và 34 doanh nghiệp đầu mối nhập hàng trong tháng 10 bảo đảm nguồn cung đến giữa tháng 11.

Theo thông tin trong giấy mời đã được Bộ Công thương gửi đến các doanh nghiệp, cuộc họp này sẽ đánh giá toàn bộ việc thực hiện tổng nguồn và hạn mức nhập khẩu xăng dầu tối thiểu trong 9 tháng qua.

Trên cơ sở đó, Bộ Công thương sẽ phân giao tổng nguồn xăng dầu quý 4 cho các doanh nghiệp đầu mối để đảm bảo nguồn cung xăng dầu đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ của thị trường trong nước các tháng cuối năm.

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) Trần Hữu Linh, thời gian gần đây có hiện tượng một số doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng dầu đóng cửa hoặc tạm ngừng kinh doanh, tập trung tại một số tỉnh phía Nam. Qua kiểm tra của lực lượng quản lý thị trường, trong số các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu ở khu vực này có 1 doanh nghiệp không thực hiện dự trữ xăng dầu theo quy định; 5 doanh nghiệp không đảm bảo dự trữ thương mại và có doanh nghiệp không đảm bảo hạn mức nhập khẩu được Bộ Công thương phân giao.

Trước tình trạng một số cửa hàng bán lẻ xăng dầu ở các tỉnh phía Nam tạm ngừng bán hàng với lý do chiết khấu thấp, thua lỗ kéo dài, không còn tiền để nhập hàng, khoảng 2 tuần trở lại đây, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đã trực tiếp 2 lần đi kiểm tra kho xăng dầu của các doanh nghiệp đầu mối có kho xăng tại Hà Nội và TP.HCM.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, cả nước hiện có hơn 17.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu nhưng qua thống kê ngày cao điểm nhất chỉ có khoảng 200 cửa hàng bán lẻ không hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng (chiếm 1% trong tổng số các cửa hàng bán lẻ xăng dầu). Bên cạnh đó, tình trạng thiếu hụt xăng dầu chỉ xảy ra ở một vài địa bàn tại TP.HCM và một vài tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

“Điều này đã đặt ra câu hỏi, tại sao hiện tượng này không xảy ra ở các nơi khác? Tại sao chỉ có hơn 1% cửa hàng xăng dầu tạm ngưng mà dư luận lại cho là khủng hoảng hệ thống phân phối xăng dầu trong cả nước?”, ông Diên nói.

Lý giải vấn đề này, tại phiên thảo luận tổ kỳ họp Quốc hội diễn ra ngày 22/10 vừa qua, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định, nguồn cung xăng dầu chưa bao giờ thiếu và giá xăng dầu Việt Nam có thể nói thấp nhất thế giới.

“Đến thời điểm ngày 30/9/2022, chúng ta còn hàng dự trữ thương mại (hàng dự trữ quốc gia không động đến) là 1,255 triệu m3, năng lực sản xuất của hai nhà máy Bình Sơn và Nghi Sơn trong tháng 10 bảo đảm 80% nguồn cung trong nước với 1,3 triệu m3/tháng.

Theo kế hoạch phân giao, 34 doanh nghiệp đầu mối của chúng ta phải nhập trong kỳ tháng 10 là 500 nghìn m3, như vậy chúng ta đã có hơn 3 triệu m3 ở thời điểm cuối tháng 9 và giữa tháng 10, hoàn toàn đáp ứng nguồn cung cho đến giữa tháng 11. Trong khi sang tháng 11 tiếp tục sản xuất gối đầu và nhập khẩu” ông Diên giải thích tại buổi thảo luận tổ.

“Rõ ràng, nguồn cung không thiếu nhưng bán ra thị trường lại có khó khăn. Nhiều doanh nghiệp đã nhập khối lượng tương đối lớn với giá cao kỳ trước, sau đó, giá xăng dầu trong nước (được điều hành theo xu hướng biến động của giá thế giới) đã liên tục giảm, dẫn đến lỗ mà đã lỗ thì không dám làm. Bên cạnh đó, hàng loạt chi phí, định mức của chúng chưa được điều chỉnh kịp thời, phù hợp với thực tế” - Bộ trưởng nói.

Từ lợi nhuận định mức, chi phí kinh doanh, chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam, chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy về kho bãi của doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối đều bất cập.

Bàn về vấn đề tại sao việc đóng cửa hàng bán lẻ xăng dầu chỉ tập trung ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu: Thứ nhất, phải khẳng định trước đó ở khu vực này có lượng đáng kể xăng dầu trôi nổi, kể cả xăng dầu lậu, giả. "Bằng chứng hồi tháng 8, chúng ta tiếp tục bắt giữ, triệt phá những vụ làm giả xăng dầu mấy trăm triệu lít. Đấy là tảng băng nổi thôi, còn chìm là bao nhiêu thì phải có thời gian mới giải quyết được" - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên thông tin.

Rõ ràng, khi có lượng xăng dầu trôi nổi như vậy, người kinh doanh trong lĩnh vực này không quan tâm lắm đến chi phí định mức, chiết khấu và kể cả đến việc đăng ký mua của đơn vị đầu mối hay thương nhân phân phối nào một cách ổn định.

Đến bây giờ chúng ta kiểm soát về xăng dầu giả, siết chặt xăng dầu lậu, cho nên chỉ còn xăng dầu chính ngạch. "Mà xăng dầu chính ngạch, như tôi vừa phân tích giá biến động liên tục như thế, chiết khấu thấp. Người đang kiếm được rất nhiều tiền, giờ kiếm được ít tiền, thậm chí lỗ thì không ai muốn làm" - Bộ trưởng nói.

Thứ hai, vừa qua cơn lốc về chứng khoán, bất động sản cũng có những tác động nhất định. "Tôi không nói tất cả nhưng qua quan sát thấy rằng, có một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu có tham gia ít nhiều vào lĩnh vực bất động sản, chứng khoán. Thời gian gần đây lĩnh vực này có những biến động nên nguồn tiền cũng bị vơi đi. Cho nên đến kỳ nhập (bối cảnh nhập cao, bán thấp) thì người ta không còn tiền và không hấp dẫn" - Bộ trưởng nhận định.

Thêm nữa room tín dụng, khi doanh nghiệp được cấp phép là đầu mối hoặc thương nhân phân phối sẽ được ngân hàng cấp cho room tín dụng, khoản vay nhưng vì room được quy định từ trước, giá xăng dầu trước đây chỉ 50-60USD/thùng nhưng bây giờ giá cao, thậm chí có thời điểm gấp hơn 2 lần mà room tín dụng vẫn vậy, những doanh nghiệp kể cả làm ăn đứng đắn cũng không đủ tiền nhập, chứ chưa nói đến những doanh nghiệp "tay trái" kết hợp này kia cũng là nguyên nhân phải đề cập.

Thứ ba, trước đây các doanh nghiệp trong hệ thống kinh doanh ở từng khu vực họ có nhiều nguồn để lấy, cùng 1 lúc ký với nhiều doanh nghiệp đầu mối, nhưng ký xong rồi không mua hàng, dẫn đến câu chuyện anh ký với nhiều doanh nghiệp đầu mối nhưng bao nhiêu ngày, bao nhiêu tháng không mua của người ta, thì doanh nghiệp đầu mối có quyền từ chối.

Petrolimex không bao giờ thiếu hàng, nhưng họ phải ưu tiên bảo đảm cho hệ thống của mình trước và các thương nhân phân phối có hợp đồng mua bán ổn định với người ta. Giải quyết chuyện này, về nguyên tắc vẫn phải theo luật, doanh nghiệp nào sai theo quy định của pháp luật thì phải bị xử lý.

Người đứng đầu ngành Công Thương cho biết, Nghị định 95 sửa đổi Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu đang có hiệu lực, nhưng vừa qua đã bộc lộ một số điểm hạn chế, Bộ Công Thương đã và đang được giao nhiệm vụ nghiên cứu cùng với các bộ ngành để xem xét, đề xuất sửa đổi.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ trưởng Công thương họp doanh nghiệp đầu mối bàn cách đảm bảo nhu cầu tiêu dùng xăng dầu những tháng cuối năm