Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Sẵn sàng ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu ngày một tốt hơn

Giang Anh|23/03/2022 12:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Sáng 23/3, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Lễ phát động quốc gia hưởng ứng Ngày Nước thế giới, Ngày Khí tượng thế giới và Chiến dịch giờ Trái đất năm 2022.

“Trước hàng loạt thách thức về nguồn nước, thiên tai, khí hậu hiện nay, chính quyền các cấp địa phương cần đổi mới căn bản về nhận thức và tư duy trong hoạch định chính sách theo hướng kinh tế dựa vào hệ sinh thái, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Mặt khác, người dân cả nước cũng cần tích cực chung tay hành động để tạo sức lan tỏa lớn vì tương lai bền vững” là thông điệp được đưa ra tại lễ phát động quốc gia hưởng ứng Ngày Nước thế giới, Ngày Khí tượng thế giới và Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2022, diễn ra sáng 23/3.

Hành động kịp thời ngay từ bây giờ

Phát biểu tại lễ phát động, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh dưới tác động của thời tiết khắc nghiệt, biến đổi khí hậu cực đoan đã và đang trở thành những tác nhân hàng đầu gây ra sự thiếu hụt về lương thực, mất cân bằng hệ sinh thái, suy giảm đa dạng sinh học, cạn kiệt tài nguyên nước ngầm.

Bên cạnh đó, việc gia tăng dân số toàn cầu, tình trạng đô thị hoá kéo thêm sự suy thoái về thiên nhiên môi trường, cộng hưởng thêm tác động của dịch bệnh COVID-19 hiện cũng làm phức tạp hóa hơn những thách thức mà Trái Đất đang phải đối mặt.

Vì vậy, năm 2022, Ngày Nước Thế giới được lựa chọn chủ đề “nước ngầm – biến nguồn tài nguyên vô hình thành hữu hình,” Ngày Khí tượng Thế giới “cảnh báo sớm để hành động sớm – thông tin khí tượng thủy văn và khí hậu phục vụ hiệu quả giảm nhẹ rủi ro thiên tai” và Chiến dịch Giờ Trái Đất “kiến tạo tương lai – bây giờ hoặc không bao giờ” là 3 sự kiện lớn có sự gắn kết chặt chẽ với nhau, qua đó kêu gọi sự quan tâm của cộng đồng để tăng cường các giải pháp, hành động kịp thời ngay từ bây giờ.

Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu tại lễ phát động.

Với Việt Nam – một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai và biến đổi khí hậu, theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, trung bình mỗi năm, nước ta cũng đang phải hứng chịu từ 6-7 cơn bão. Những ảnh hưởng do hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở đất, hay thiếu nguồn nước sạch sinh hoạt tại nhiều địa phương, vùng miền đang xảy ra với tần suất nhiều hơn gây trở ngại đến sự phát triển của đất nước. Đặc biệt, những năm gần đây đã xảy ra nhiều thiên tai bất thường, cực đoan và khó dự đoán.

Trong bối cảnh đó, lĩnh vực khí tượng thuỷ văn, tài nguyên nước và biến đổi khí hậu nói riêng cũng như ngành tài nguyên và môi trường nói chung luôn nhận được quan tâm, định hướng, chỉ đạo sát sao, quyết liệt, ủng hộ của lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Điển hình như trong lĩnh vực tài nguyên nước, chúng ta đã xây dựng, hoàn thiện Đề án bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia; Quy hoạch tài nguyên nước quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050…; đồng thời phải triển khai thực hiện hiệu quả các dự án đánh giá sức chịu tải các sông liên tỉnh, liên quốc gia trên các lưu vực sông.

Đổi mới căn bản về nhận thức và tư duy 

Hưởng ứng Ngày Nước thế giới, Ngày Khí tượng thế giới và Chiến dịch giờ Trái đất năm 2002, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị các cấp chính quyền đổi mới căn bản về nhận thức và tư duy trong hoạch định chính sách phát triển theo hướng kinh tế dựa vào hệ sinh thái, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; người dân cả nước tích cực cùng chung tay hành động để mỗi hành động cụ thể sẽ cộng hưởng, tạo sức lan tỏa lớn trong toàn xã hội vì tương lai bền vững.

Tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; thể chế hóa và nội luật hóa những nội dung điều ước, thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.

Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò của công tác khí tượng thủy văn trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, phục vụ thiết thực đời sống dân sinh; có chính sách cụ thể thúc đẩy xã hội hóa, thu hút doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư hiện đại hóa, tự động hóa hệ thống quan trắc khí tượng thủy văn quốc gia, cơ sở hạ tầng nhằm nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo thiên tai, trọng tâm là việc cảnh báo, dự báo sớm.

Thúc đẩy sử dụng nước một cách thông minh, tiết kiệm; tích cực khôi phục những dòng sông bị suy thoái, ô nhiễm; làm tăng trở lại nguồn nước ngầm bị suy giảm là những việc cần làm để góp phần quan trọng cho phát triển quốc gia phồn thịnh và bền vững, bảo đảm an ninh nước và sinh kế dựa vào nước.

Các bộ, ban, ngành, chính quyền địa phương cùng vào cuộc với quyết tâm cao nhất để thực hiện lộ trình chuyển đổi lâu dài, khó khăn từ mô hình phát triển sử dụng nhiều nhiên liệu hóa thạch, lãng phí tài nguyên hiện nay sang phát triển ít phát thải có sức chống chịu cao; đồng thời cùng chung tay tháo gỡ ngay các nút thắt trong cơ chế, tạo mọi thuận lợi cho quá trình chuyển đổi, bảo đảm cam kết của Việt Nam.

Ngoài ra, trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng xảy ra khắc nghiệt, đại dịch Covid-19 làm gia tăng tính phức tạp trong những thách thức mà xã hội phải đối mặt và làm suy yếu các cơ chế, biện pháp ứng phó với thiên tai. Do vậy, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần tăng cường sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các cơ quan Khí tượng Thủy văn quốc gia với cơ quan Quản lý thiên tai, Quản lý tài nguyên nước, chính quyền địa phương và các bên liên quan để phòng ngừa, sẵn sàng và ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu ngày một tốt hơn, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Giang Anh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Sẵn sàng ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu ngày một tốt hơn
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.