Chiều ngày 5/2 tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức họp báo cung cấp thông tin về dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (nCoV) gây ra. Đây là cuộc họp báo thứ 2 của Bộ này sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
Tại cuộc họp, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết: Dịch nCoV bắt đầu từ Vũ Hán, Trung Quốc, đến nay, các ca nhiễm tăng rất nhanh, con số tử vong cũng tăng hàng ngày. Tuy nhiên, theo thông tin từ Trung Quốc cho thấy có dấu hiệu lạc quan là số nghi nhiễm giảm so với trước, số bệnh nhân khỏi tăng lên.
Cách đây 17 năm, với dịch SARS, Việt Nam chữa thành công ca nhiễm bệnh đầu tiên. Đó không chỉ là niềm vui của riêng nước ta, mà cả thế giới cũng mừng, bởi điều này cho thấy có thể chữa và kiểm soát được bệnh dịch. Đó cũng là niềm tự hào của Việt Nam.
Theo GS.TS Nguyễn Thanh Long, phương thức lây truyền chủ yếu của nCoV là qua tiếp xúc các giọt nước bọt từ người ho, hắt hơi, sổ mũi, lây truyền trực tiếp khi tiếp xúc người bệnh, kể cả khi bắt tay với người bệnh; lây truyền từ bề mặt đã bị nhiễm virus.
Thứ trưởng Bộ Y tế thông tin tại buổi họp báo. Ảnh: Tuổi trẻ
Về cách phòng lây nhiễm, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo phải rửa tay bằng xà phòng nhiều lần trong ngày, bởi theo thống kê từ các nghiên cứu, cứ 10 phút chúng ta có hành động vô thức là đưa tay lên mặt.
Hiện nay chưa có thuốc hay vắc-xin phòng bệnh, nhưng chúng ta nên tránh tiếp xúc người nghi hoặc nhiễm virus. WHO khuyên đứng cách 1 mét đối với người có biểu hiện lâm sàng nghi nhiễm bệnh. Khi ho hắt hơi, sổ mũi dùng vải, giấy, khẩu trang che rồi đem bỏ đi, sau đó rửa tay sạch.
Về điều trị, đầu tiên là điều trị triệu chứng, sốt hạ sốt, ho trị ho, kèm theo chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng. Theo dõi thật sát hô hấp, nếu phát hiện tình trạng suy hô hấp sẽ phải can thiệp ngay. Mức nhẹ cho thở oxy; mức 2 can thiệp hỗ trợ; mức 3 cho thở máy. Không phải ai cũng phải thở máy.
Khi tổng kết 10 trường hợp, đa phần bệnh nhân chỉ điều trị triệu chứng, duy nhất có bệnh nhân Trung Quốc có bệnh lý nền mới cho thở oxy.
Bộ Y tế đã thận trọng đưa ra phác đồ điều trị đồng thời mở cửa học tập các phương thức ở nước ngoài. Vì vậy, phác đồ điều trị của Việt Nam tiệm cận với phương thức của thế giới, tương tự việc điều trị dịch SARS trước đây.
Trả lời câu hỏi tại cuộc họp với Thủ tướng chiều 4/2, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long có phát biểu đỉnh điểm 7-10 ngày tới, ngành y tế cho biết có sự hiểu chưa đúng về vấn đề này.
“Chúng tôi muốn nói về nhận định của chuyên gia đánh giá tình hình dịch Trung Quốc, cho rằng đỉnh dịch Trung Quốc có thể 7-10 ngày tới không phải đỉnh dịch Việt Nam. Việt Nam quá sớm có thể nhận định. Nếu triển khai quyết liệt và đồng bộ có thể kiểm soát tốt hơn”, ông nói.
Phương pháp xét nghiệm xác định người nhiễm virus corona hiện nay được toàn thế giới áp dụng là Real-time PCR (RT-PCR). Đây là phương pháp có độ nhạy và độ đặc hiệu cao nhất. Toàn bộ quy trình của phương pháp này là 5,5-8,9 giờ, bao gồm thời gian phá mẫu, chuẩn bị mẫu hay ủ như thế nào…
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khuyến cáo người dân trong thời gian này không nên quên các dịch bệnh khác, cần tiêm phòng đầy đủ cho trẻ, không nên lo ngại quá mức dẫn đến căng thẳng.
Ngọc Linh (t/h)