Bộ Y tế lập đoàn kiểm tra khẩn trương chặn bệnh bạch hầu ở Tây Nguyên

Mai An (t/h)|26/06/2020 13:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Hàng nghìn người phải thực hiện cách ly sau khi phát hiện ổ dịch bạch hầu. Bộ Y tế đã vào cuộc tiến hành điều tra dịch tễ và khẩn trương dập dịch bạch hầu tại Tây Nguyên

Theo lãnh đạo Sở Y tế Đắk Nông, tính đến sáng 26/6, số ca dương tính với bệnh bạch hầu trên địa bàn tỉnh là 12 người, trong đó có 1 bé gái tử vong, số còn lại đã và đang điều trị. Có 20 người tại 3 ổ dịch nghi ngờ có khả năng nhiễm bạch hầu đang được theo dõi, điều trị cách ly tại các bệnh viện.

Sở cũng đã lấy mẫu gần 750 người tại 3 ổ dịch và đến nay số dương tính vẫn 12, âm tính 550 người và còn 182 mẫu đang chờ kết quả…

Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Nông cũng đã cách ly hơn 1.200 người có tiếp xúc và liên quan tới các bệnh nhân.

Liên quan dịch bệnh này, Bộ Y tế lập đoàn kiểm tra, dập dịch bạch hầu tại Tây Nguyên. Bộ Y tế cũng đã chỉ đạo Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên xuống địa bàn chỉ đạo trực tiếp, hướng dẫn công tác vệ sinh, xử lý môi trường phòng, chống bệnh bạch hầu theo hướng dẫn Bộ Y tế, nhất là các địa bàn có bệnh và khả năng bùng phát bệnh cao.

Phun thuốc khử khuẩn tại vùng dịch.

Những năm qua, bệnh bạch hầu đã xảy ra ở Kon Tum, Gia Lai, năm ngoái là Đắk Lắk, năm nay là Đắk Nông. Bạch hầu hiện vẫn tồn tại trong cộng đồng nhưng số ca mắc bệnh ít do chương trình tiêm chủng mở rộng của Việt Nam triển khai hiệu quả. Việc bệnh bạch hầu vẫn xảy ra rải rác ở những khu vực mà tỉ lệ tiêm chủng còn thấp. Ở Đắk Nông, bệnh chủ yếu xảy ra ở đồng bào dân tộc thiểu số M’Nông. Cộng đồng dân cư này hưởng ứng việc tiêm chủng thấp. Do đó, ngành y tế đang triển khai tiêm vắc-xin bổ sung phòng chống bạch hầu để ngăn chặn dịch lâu dài.

Để phòng chống bệnh bạch hầu, Cục Y tế Dự phòng khuyến cáo người dân đưa trẻ đi tiêm vaccine, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc để phòng bệnh. Ngoài ra, cần giữ nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.

Khi có dấu hiệu hoặc nghi ngờ mắc bạch hầu, người bệnh phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để khám, điều trị kịp thời. Người dân trong phạm vi ổ dịch phải uống thuốc phòng và tiêm vaccine theo chỉ định của cơ quan y tế.

Mai An (t/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ Y tế lập đoàn kiểm tra khẩn trương chặn bệnh bạch hầu ở Tây Nguyên