Bữa cơm gia đình – Cầu nối của tình yêu thương

15/05/2019 03:40
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Từ lâu bữa cơm gia đình đã trở thành nét sinh hoạt bình dị, thấm đượm tình yêu thương và là nơi gắn kết mọi thành viên trong gia đình với nhau. Nhưng trong nhịp sống hiện đại ngày nay, bữa cơm gia đình đang ngày càng bị xem nhẹ, khiến những mối quan hệ vốn bền chặt trong mỗi gia đình đã ít nhiều bị lỏng lẻo, tình cảm giữa các thành viên ngày càng xa.

Từ xưa đến nay, bữa cơm gia đình không chỉ là bữa ăn đơn thuần để mọi người được thưởng thức những món ăn ngon mà còn là nơi gắn kết các thành viên, hình thành nên truyền thống tốt đẹp của gia đình. Đó là những khoảnh khắc sum vầy, là nơi để thể hiện sự tôn trọng, yêu thương, chăm sóc nhau của mỗi thành viên trong gia đình.

Thế nhưng, trong những năm gần đây, cuộc sống hiện đại dường như khiến ai cũng luôn bận rộn, hối hả đến nỗi nhiều người vì công việc, không có cả thời gian để nấu nướng bữa ăn cho mình. Thậm chí có người dẫu không bận bịu quá, nhưng cũng “lười” nấu ăn. Chính vì vậy mà phần lớn mọi người thường chọn cách ăn ngoài quán hàng cho nhanh, cho tiện, nhất là cư dân đô thị.

Thế cho nên, có nhiều thành viên trong các gia đình luôn cảm thấy thèm một bữa cơm đầm ấm, mọi người cùng quây quần bên mâm cơm vừa ăn, vừa trò chuyện vui vẻ …

Ông Lê Văn Hùng, năm nay 72 tuổi, nhà tại một khu dân cư ven thành phố, nhớ lại: Thế hệ chúng tôi, trong một bữa cơm, có rất đông các thành viên và có thể có cả 4 – 5 thế hệ, hay còn gọi là “Tứ đại đồng đường”, “ngũ đại đồng đường” ở trong một gia đình và ăn chung một mâm. Bữa cơm tuy đơn giản, đạm bạc chỉ dưa, cà mắm, muối… nhưng luôn ấm áp tình gia đình. Hầu như quanh năm ngày tháng mọi thành viên đều ăn cơm nhà nấu, mà chỉ có khi nào, ai đó phải đi ăn cỗ, hay đi công việc thì mâm cơm gia đình mới thiếu vắng, không đông đủ thành viên…

Ngày càng có nhiều gia đình ăn ngoài hàng thường xuyên hơn, đặc biệt là những gia đình trẻ. Thế nhưng khi có điều kiện về thời gian, không ít người vẫn cố gắng thu xếp công việc, dành thời gian quây quần bên mâm cơm đầy ấm áp yêu thương.

Xây dựng gia đình hơn chục năm nay nhưng ngày nào vợ chồng chị Trần Thị Ly, nhà ở một quận trung tâm thành phố cũng cố gắng duy trì mỗi tuần các bữa ăn tối có đầy đủ các thành viên trong gia đình. Chị Ly cho biết: “Hai vợ chồng đi làm từ sáng đến tối, còn hai con học bán trú nên cả nhà chỉ có bữa tối là được sum vầy. Chính vì vậy, tôi luôn dành thời gian để chế biến món ăn mà chồng, con thích để tạo sự quan tâm, gắn kết giữa các thành viên trong gia đình. Nấu một bữa cơm ngon cho gia đình cũng là niềm hạnh phúc, thể hiện tình yêu thương đối với con, với chồng của những người phụ nữ. Nhiều bữa tối, thằng út nhà tôi đòi ra quán mua cái này cái nọ về ăn, nhưng tôi đều khước từ và hướng con phải ăn đồ ăn mẹ nấu, để khi dọn mâm cơm mọi thành viên trong nhà luôn đông đủ”.

“Đừng để cho bếp nguội lạnh” đó là bí quyết mà gia đình anh Tuấn Anh, năm nay 32 tuổi, chia sẻ khi nói về cách giữ gìn hạnh phúc gia đình của mình. Tuy là cán bộ ở phường, nhiều lúc công việc cũng tương đối bận rộn, nhưng khi có điều kiện anh lại về sum họp cùng gia đình trong những bữa cơm ấm cúng.

Anh cho biết: Bữa cơm là sợi dây vô hình kết nối các thành viên trong gia đình ngày càng gắn bó bền chặt hơn. Từ bữa cơm gia đình, bố mẹ định hướng được cho con những cách ứng xử thích hợp trước những sự việc xảy ra trong cuộc sống, hay cũng là dịp để bố mẹ hiểu hơn về những suy nghĩ, cách sống của giới trẻ hiện nay để qua đó hiểu con hơn, giúp con hòa nhập với cuộc sống và có những cách sống có ích hơn đối với xã hội.

Đối với những người kinh doanh buôn bán thì để có được bữa cơm có đầy đủ các thành viên trong gia đình hàng ngày là điều rất khó. Tuy vậy cũng không khó để bắt gặp hình ảnh những người bà, người mẹ cuối ngày vẫn tất bật dọn hàng sớm để chuẩn bị bữa cơm ấm áp cho gia đình. Vì thế bữa cơm luôn tràn ngập tiếng cười, , những câu chuyện vui, những sẻ chia không bao giờ kết thúc, dẫu nhiều áp lực của cuộc sống mưu sinh, kinh tế còn nghèo khó luôn thiếu trước hụt sau…

Ý nghĩa, vai trò của bữa ăn gia đình Việt Nam xưa và nay vẫn không bao giờ thay đổi, dù xã hội luôn tiến bộ và phát triển ngày càng nhanh chóng. Như đã nói ở trên, trong cái tất bật của cuộc sống hiện đại thì việc quây quần đầy đủ các thành viên trong gia đình ngày càng thưa dần đi.

Nhịp sống gấp gáp, hối hả của thời hiện đại đang làm những bữa cơm truyền thống thiếu vắng dần trong mỗi gia đình, nhất là những gia đình trẻ ở thành thị.

Nhưng tùy hoàn cảnh, điều kiện hãy vun đắp, duy trì những bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương, để cùng nhau xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc, cho xã hội văn minh.

Thạch Bảo Ngọc

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bữa cơm gia đình – Cầu nối của tình yêu thương