Bùng phát dịch bệnh trên tôm nuôi tại Quảng Bình

Linh Lan (T/h)|07/08/2018 03:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Thời tiết diễn biến bất thường khiến tôm nuôi tại một số địa phương của tỉnh Quảng Bình xuất hiện các dịch bệnh gây hại cho tôm.

Thời tiết diễn biến bất thường khiến tôm nuôi giảm sức đề kháng dẫn đến bị bệnh

Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Bình, tính đến cuối tháng 7/2018, bệnh trên tôm nuôi đã xảy ra tại 47 hộ nuôi thuộc 6 xã, phường của 4 huyện, thị xã với tổng diện tích bị bệnh gần 24ha, chiếm hơn 2,1% diện tích thả nuôi toàn tỉnh; thiệt hại 13,2 triệu con tôm giống thả nuôi.

Trong đó, bệnh đốm trắng gần 22,6ha/52 ao/44 hộ tại các xã Ngư Thủy Trung (Lệ Thủy), xã Đồng Trạch, Hạ Trạch (Bố Trạch) và xã Quảng Tiên, phường Quảng Thuận (TX. Ba Đồn); bệnh hoại tử cơ quan tạo máu và cơ quan biểu mô (IHHNV) trên 1,6ha/4 ao/3 hộ tại xã Võ Ninh (Quảng Ninh).

Vụ nuôi tôm năm 2018, xã Võ Ninh (Quảng Ninh) thực hiện thả nuôi diện tích khoảng 35ha tôm mặn lợ. Từ khoảng đầu tháng 4 đến nay, diện tích tôm nuôi bị bệnh hơn 13,1ha, chiếm 37,5% tổng diện tích thả nuôi toàn xã; trong đó hơn 11,5ha bị bệnh đốm trắng, hơn 1,6ha bị bệnh IHHNV, thiệt hại hơn 7,6 triệu con tôm giống.

Ngoài ra, dịch bệnh đốm trắng cũng phát sinh tại một số địa phương trong tỉnh, như: phường Quảng Thuận, xã Quảng Tiên (TX. Ba Đồn) hơn 8,6ha; xã Đồng Trạch, Hạ Trạch (Bố Trạch) hơn 1,8ha; xã Ngư Thủy Trung (Lệ Thủy) 0,3ha.

Theo ông Trần Công Tám, Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Bình, so với cùng kỳ năm 2017, dịch bệnh trên tôm nuôi giảm cả về phạm vi và diện tích bị bệnh. Tuy nhiên, năm 2018, dịch bệnh trên tôm nuôi xảy ra sớm hơn, chủ yếu tập trung trên ao đất, tại các ổ dịch cũ, tôm bị bệnh tập trung ở giai đoạn 25 – 65 ngày tuổi.

Bên cạnh nguyên nhân do thời tiết diễn biến bất thường khiến tôm nuôi giảm sức đề kháng dẫn đến bị bệnh, còn có yếu tố chủ quan của người nuôi. Cụ thể, bà con cải tạo ao hồ, xử lý mầm bệnh của ổ dịch cũ chưa triệt để tại một số ao nuôi ở xã Võ Ninh và xã Hạ Trạch; một số hộ dân cố tình để theo dõi hoặc điều trị bệnh sau 5 – 7 ngày rồi mới báo cho cán bộ thú y cơ sở và cơ quan chức năng dẫn đến dịch bệnh lây lan.

Linh Lan (T/h)


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Bùng phát dịch bệnh trên tôm nuôi tại Quảng Bình
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.