(Moitruong.net.vn) – Ngày 10/10, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử cùng các sở, ngành tỉnh có chuyến khảo sát thực tế về tình hình sạt lở đê biển Tây, đoạn từ Đá Bạc đến Kinh Mới. Theo đó, Cà Mau cần có cơ chế đặc thù để chống sạt lở ven biển.
Cà Mau cần có cơ chế đặc thù để chống sạt lở ven biển
Tiếp tục chịu tác động nặng nề của biến đổi khi hậu thời gian qua đã gây ra tình trạng sạt lở nhanh ở khu vực đê biển Tây. Nhiều đoạn bờ biển đã sạt lở ở mức nguy hiểm, có nguy cơ vỡ đê bất cứ lúc nào, đe dọa nghiêm trọng đến những vùng dân cư tập trung. Các đoạn sạt lở có chiều dài 57.000 m và được chia là 3 đoạn, bắt đầu từ vàm Tiểu Dừa, huyện U Minh đến sông Bảy Háp, huyện Phú Tân.
Cụ thể, đoạn từ Tiểu Dừa đến Ba Tỉnh có chiều dài sạt lở 25.000 m; đoạn từ Ba Tỉnh đến Mũi Tràm với chiều dài 17.000 m; đoạn từ Sông Đốc đến Bảy Háp với chiều dài 15.000 m.
Trước tình hình đó, để tìm giải pháp hữu hiệu, tiết kiệm trong chống sạt lở, năm 2016, UBND tỉnh đã cho triển khai thử nghiệm đê trụ rỗng, tiêu giảm sóng gây bồi, tạo bãi tại đoạn từ vàm Đá bạc đến vàm Kinh Mới, thuộc xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, theo ý tưởng của TS. Trần Văn Thái, Viện Thủy công đề xuất.
Đê trụ rỗng có mặt cắt gần giống hình trụ (một phần hình trụ, một phần mặt phẳng), ở mặt tiếp sóng và mặt sau có đục lỗ để tiêu giảm sóng. Nó có khả năng tiêu giảm sóng cao nhất, phản xạ sóng thấp nhất trong các loại kết cấu đã biết. Theo đó, đê trụ rỗng thử nghiệm là loại ĐTR260 có chiều rộng đế 350 cm, cao 260 cm, giá thành thử nghiệm 22 triệu đồng/m kè. Sau thời gian thử nghiệm, từ 4/2017 đến nay cho thấy, bên trong phù sa bồi trung bình 0,7m.
Phát biểu tại hiện trường kiểm tra, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải nhận định, bước đầu cho thấy giải pháp này mang lại hiệu quả. Song, tỉnh sẽ tiếp tục theo dõi để có đánh giá chính xác và cụ thể về tính hiệu quả. Đồng thời, sau đó sẽ có hội thảo khoa học tiếp thu ý kiến của các ngành chuyên môn và nhà khoa học, nếu đảm bảo được tính khả thi cao sẽ tiến hành cho nhân rộng tại các khu vực đang trong tình trạng sạt lở nghiêm trọng hiện nay.
Tuy nhiên, nếu dự án thử nghiệm này thành công thì kinh phí để nhân rộng là bài toán vô cùng khó. Trước thách thức đó, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải cho biết thêm, hiện tỉnh đã trình Chính phủ xin cơ chế đặc thù để vận động cộng đồng doanh nghiệp cùng bỏ vốn để cùng tỉnh thực hiện. Bởi hiện nay tại những khu vực ven biển của tỉnh đã được quy hoạch nhiều dự án từ điện gió, điện năng lượng mặt trời, phát triển du lịch…
Theo CMO