Mới đây, UBND tỉnh vừa có tờ trình "hỏa tốc" gửi Bộ KH-ĐT về việc xin hỗ trợ kinh phí thực hiện các dự án đầu tư phòng, chống sạt lở bờ biển tỉnh Cà Mau.
Theo UBND tỉnh Cà Mau, sạt lở bờ biển trên địa bàn tỉnh đang có xu hướng ngày càng gia tăng cả về mức độ và phạm vi, là mối đe dọa rất lớn đến ổn định dân sinh, kinh tế, xã hội vùng ven biển. Cụ thể, giai đoạn 2011 - 2021, sạt lở làm mất rừng ven biển của Cà Mau khoảng 5.251 ha (tương đương với diện tích bình quân một xã của tỉnh). Riêng năm 2021, diện tích sạt lở ven biển là 300 ha...
Trước tình hình trên, với sự hỗ trợ tích cực của Chính phủ, bộ ngành, sự cố gắng nỗ lực của địa phương, trong những năm qua, Cà Mau đã xây dựng được 58,492 km kè bảo vệ với tổng kinh phí 1.802 tỉ đồng. Những công trình đã được bố trí đủ vốn và đầu tư hoàn thiện, bước đầu phát huy hiệu quả.
Tuy nhiên, với tốc độ sạt lở bờ biển như hiện nay, nếu không có giải pháp bảo vệ ngay, trong vài năm tiếp theo sẽ tiếp tục làm mất thêm nhiều diện tích đất, diện tích rừng phòng hộ ven biển đã hình thành qua hàng trăm năm.
Qua thống kê, các khu vực bị sạt lở ở mức độ rất nghiêm trọng (tốc độ sạt lở bình quân 45 - 50 m/năm) cần phải có các giải pháp công trình bảo vệ ngay với chiều dài khoảng 132,5 km (bờ biển đông khoảng 87 km, bờ biển tây khoảng 45,5 km); các khu vực sạt lở ở mức độ nghiêm trọng có chiều dài khoảng 67 km.
Ngoài ra, thời gian gần đây xuất hiện thêm các khu vực sạt lở rất nghiêm trọng tại khu vực cửa sông, ven biển và khu vực bờ nam cửa biển Sông Đốc với diễn biến sạt lở có xu thế gia tăng. Những vị trí này cần phải triển khai cấp bách đầu tư xây dựng công trình xử lý xói lở nhằm bảo vệ an toàn cho các khu dân cư tập trung, các công trình hạ tầng quan trọng như đường Hồ Chí Minh, khu vực xây dựng tượng đài kỷ niệm chuyến tàu tập kết ra Bắc...
Trước tình hình trên, UBND tỉnh Cà Mau kiến nghị Bộ KH-ĐT xem xét hỗ trợ tỉnh 970 tỉ đồng từ nguồn ngân sách T.Ư (nguồn vượt thu) để đầu tư hoàn thành các công trình chống sạt lở đặc biệt.