(Moitruong.net.vn) – Trong nhiều giải pháp bảo vệ, phát triển rừng, công tác trồng rừng mới luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của các cấp chính quyền tỉnh Cà Mau. Ông Lê Văn Hải, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, cho biết, tính đến nay, toàn tỉnh Cà Mau đã trồng được trên 3.185 ha rừng, bao gồm trồng mới thuộc Dự án Biến đổi khí hậu 104 ha, trồng thay thế 212 ha, khoanh nuôi tái sinh kết hợp trồng bổ sung 40 ha, trồng sau khai thác 2.829 ha.

Cà Mau: Tích cực bảo vệ màu xanh của rừng

Diện tích đất rừng giảm

Theo Quyết định số 670/QĐ-UBND ngày 11/4/2017, về công nhận số liệu rừng và đất lâm nghiệp của tỉnh, đến hết năm 2016, tổng diện tích đất lâm nghiệp trên địa bàn 164.638 ha, có rừng 94.224 ha. Trong đó, đất rừng đặc dụng 24.406 ha (18.226 ha có rừng); đất rừng phòng hộ 36.526 ha (23.341 ha có rừng); đất rừng sản xuất 103.705 ha (có rừng 52.656 ha). Các loại đất rừng hiện nay chủ yếu do vườn quốc gia, ban quản lý rừng phòng hộ, hạt kiểm lâm, lực lượng vũ trang, doanh nghiệp và hộ gia đình quản lý.

Mặc dù đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, song, vào mùa khô, ở khu vực rừng tràm, rừng đước, cảnh chặt phá cây rừng trái phép vẫn còn diễn ra; tình trạng sạt lở ven biển do biến đổi khí hậu diễn biến nhanh và phức tạp; việc chuyển mục đích sử dụng rừng và đất rừng tăng nhanh hơn so dự kiến… làm cho diện tích đất rừng trên địa bàn tỉnh có nhiều biến động theo chiều hướng giảm.

Cụ thể, trong quy hoạch, đến năm 2015 và ổn định đến năm 2020, diện tích phát triển rừng là 112.485 ha, nhưng theo kết quả kiểm kê năm 2015 chỉ còn 110.451 ha, giảm 2.034 ha. Tương tự, rừng phòng hộ quy hoạch 26.994 ha, kết quả kiểm kê còn 24.857 ha, giảm 2.137 ha. Rừng đặc dụng cũng giảm 372 ha, còn 24.403 ha so với quy hoạch là 24.775 ha. Riêng rừng sản xuất tăng lên 61.190 ha, so với quy hoạch 60.766 ha. Đặc biệt, theo quy hoạch đến năm 2020, tổng diện tích có rừng toàn tỉnh là 105.000 ha, nhưng kết quả kiểm kê đến năm 2015 chỉ còn 92.284 ha, giảm 12.716 ha.

Có thể thấy, sự thay đổi các loại diện tích rừng và đất rừng ngoài nguyên nhân từ tác động của tự nhiên (sạt lở), cháy rừng, chặt phá của con người… còn nguyên nhân do chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng. Trong giai đoạn 2011-2016, trên địa bàn các huyện có 240,96 ha chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng. Cụ thể, huyện Đầm Dơi chuyển đổi 1,52 ha đất rừng phòng hộ; huyện Năm Căn chuyển đổi 27,61 ha (0,5 ha đất rừng phòng hộ, 27,11 ha đất rừng sản xuất); huyện Ngọc Hiển 196,3 ha (đất rừng đặc dụng 3,5 ha, đất rừng phòng hộ 5,09 ha và đất rừng sản xuất 187,11 ha); huyện U Minh 4,6 ha đất rừng sản xuất; huyện Trần Văn Thời 10,93 ha (có 0,33 ha đất rừng đặc dụng).

Tập trung cho 3 loại rừng

“Trước những tồn tại trong quản lý bảo vệ rừng, ngành tiến hành cho điều chỉnh lại quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”, ông Hải cho biết.

Theo kết quả tổng hợp nhu cầu sử dụng cho thấy, nhu cầu chuyển mục đích sử dụng thực hiện các công trình, dự án đầu tư giai đoạn 2017-2020 khoảng 808 ha. Trong đó, đất rừng đặc dụng khoảng 41 ha, đất rừng phòng hộ 221 ha, đất rừng sản xuất 545 ha (đã có chủ trương và danh mục đầu tư).

Bên cạnh đó, chuyển đổi mô hình sản xuất từ đất rừng sang đất nuôi thuỷ sản tập trung dự kiến khoảng 1.547 ha (chưa có dự án đầu tư).

Ngoài ra, còn phần diện tích nhỏ lẻ đã giao cho hộ gia đình ở khu vực rừng sản xuất, khu tái định cư không có khả năng trồng rừng trong thời gian tới, do vậy, chuyển sản xuất khác khoảng 1.864 ha.

Từ đó, việc điều chỉnh quy hoạch lần này nhằm hướng tới mục tiêu bảo tồn và phát triển bền vững 3 loại rừng trên địa bàn tỉnh là điều cần thiết.

“Cụ thể, đối với những khu rừng đặc dụng sẽ được bảo tồn và phát triển bền vững diện tích, đa dạng sinh học, giữ được các mẫu chuẩn hệ sinh thái. Bảo vệ và phát triển diện tích rừng phòng hộ ven biển. Đối với rừng sản xuất, đầu tư nâng cao giá trị gia tăng bằng việc phát triển rừng gỗ lớn, xây dựng chuỗi liên kết giá trị sản phẩm trong lâm phần và cấp chứng chỉ rừng”, ông Hải chia sẻ thêm.

Theo đó, diện tích đất lâm nghiệp đến năm 2020 theo 3 loại rừng là 160.120 ha. Cụ thể, đất rừng đặc dụng 24.170 ha, đất rừng phòng hộ 36.261 ha và đất rừng sản xuất 99.687 ha.

Hiện nay, diện tích khoán cho hộ gia đình trong các tổ chức Nhà nước khoảng 85.444 ha với trên 18.193 hộ. Cụ thể, các ban quản lý rừng, công ty lâm nghiệp 59.906 ha với 12.132 hộ; lực lượng vũ trang 4.075 ha với 480 hộ; khu vực rừng phòng hộ xung yếu 18.202 ha với 4.640 hộ; khu vực rừng đặc dụng và rừng phòng hộ rất xung yếu 3.259 ha với 941 hộ.

Ngoài ra, còn khoảng 21.673 ha đất lâm nghiệp được giao cho hộ gia đình do địa phương quản lý (gồm 504 ha đất rừng phòng hộ và 21.169 ha đất rừng sản xuất).

Với những giải pháp căn cơ và quyết liệt trong công tác quản lý, bảo vệ rừng tỉnh đã và đang triển khai, tin rằng thời gian tới, các cánh rừng của tỉnh Cà Mau sẽ tiếp tục được bảo vệ an toàn, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, đặc biệt là góp phần chống lại những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

Theo CMO

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cà Mau: Tích cực bảo vệ màu xanh của rừng