Tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2022 Chính phủ giao cho các địa phương là 407.539,712 tỷ đồng (Quyết định số 2048/QĐ-TTg ngày 06/12/2021 về giao kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2022), trong đó vốn ngân sách địa phương là 304.106 tỷ đồng, vốn ngân sách trung ương hỗ trợ địa phương đầu tư theo ngành lĩnh vực là 103.433,817 tỷ đồng.
Thủ tướng giao kế hoạch vốn đầu tư năm 2022 cho các địa phương theo tổng số từng nguồn vốn, yêu cầu các địa phương phân bổ chi tiết danh mục và mức vốn của từng dự án. Nhiều địa phương giao kế hoạch vốn cân đối ngân sách địa phương tăng so với kế hoạch giao do tăng đã từ nguồn thu sử dụng đất, nguồn tăng thu, nguồn xổ số kiến thiết.
Ảnh minh họa
Các địa phương bao gồm: Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên, Bắc Giang, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hưng Yên, Nam Định, Ninh Bình, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Đồng Nai, Tây Ninh, Bà Rịa Vũng Tàu, Kiên Giang.
Một số địa phương khác phân bổ vốn ngân sách trung ương thấp hơn kế hoạch được giao trong quyết định (Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai, Lai Châu, Thái Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Đắk Lắk, Kiên Giang) do các dự án khởi công mới chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư, chưa đủ điều kiện để phân bổ.
Ngay từ tháng 02/2022, trong báo cáo Chính phủ về tình hình giải ngân vốn, Bộ Tài chính đã tổng hợp các tồn tại trong phân bổ vốn kế hoạch năm 2022 của các địa phương, đề nghị các địa phương thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tại Công điện số 126/CĐ-TTg ngày 12/02/2022. Công điện nhấn mạnh đôn đốc triển khai quyết liệt, hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Bộ Tài chính đã có công văn đề nghị các địa phương căn cứ vốn kế hoạch năm 2022 được Thủ tướng Chính phủ giao, khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư, phân bổ vốn chi tiết cho các dự án; rà soát, điều chỉnh hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh các tồn tại trong phân bổ vốn để đảm bảo việc phân bổ kế hoạch vốn tuân thủ theo đúng quy định.
Hoàng Anh