Các địa phương đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn

An Nhiên|23/10/2020 11:33
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Với vị trí địa lý thuận lợi, tài nguyên du lịch phong phú, hệ thống dịch vụ du lịch đã và đang được đầu tư đồng bộ, các địa phương đã đưa ra nhiều giải pháp đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Du lịch Thủ đô chuyên nghiệp, hiện đại

Mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 191/KH-UBND thực hiện Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam, đến năm 2030, trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Hà Nội đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án quy mô lớn, phát triển các sản phẩm chất lượng cao, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Theo kế hoạch, UBND Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2025, phát triển du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Thủ đô, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành và lĩnh vực khác; là ngành dịch vụ hiện đại, chuyên nghiệp, có chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh cao; chủ động nắm bắt xu hướng phát triển và hội nhập quốc tế; áp dụng khoa học, công nghệ tiên tiến, hiện đại và nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao làm nhân tố đột phá để phát triển du lịch.

UBND Thành phố cũng đặt mục tiêu phấn đấu, đến năm 2025, Thủ đô Hà Nội đón và phục vụ từ 35-39 triệu lượt khách du lịch, trong đó, có từ 8-9 triệu lượt khách du lịch quốc tế. Tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 151 nghìn tỷ đồng. Đến năm 2030, du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn của Thành phố. Dự kiến năm 2030, Thủ đô Hà Nội đón và phục vụ 48-49 triệu lượt khách du lịch, trong đó có từ 13-14 triệu lượt khách du lịch quốc tế. Tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng từ 270-300 nghìn tỷ đồng.

Đề hoàn thành các mục tiêu trên, UBND Thành phố đề ra các giải pháp như: Tiếp tục đổi mới tư duy về phát triển du lịch; tập trung đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, thu hút mạnh mẽ mọi nguồn lực cho phát triển du lịch; phát triển sản phẩm du lịch chất lượng cao trong các lĩnh vực lữ hành, vận chuyển, ẩm thực…, nâng cao chất lượng điểm đến du lịch trên địa bàn Thành phố; đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá và hợp tác phát triển du lịch; chú trọng phát triển nguồn nhân lực du lịch; nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch.

Lào Cai phấn đấu đạt 10 triệu lượt khách đến năm 2025

Ông Hà Văn Thắng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Du lịch Lào Cai đã, đang và sẽ là một trong những trụ cột chính trong phát triển kinh tế – xã hội, góp phần thúc đẩy giảm nghèo nhanh và bền vững. Đây là lĩnh vực còn nhiều tiềm năng để tiếp tục phát triển mạnh, có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh với vị thế “cầu nối” trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh… Vì vậy, Lào Cai sẽ tiếp tục xây dựng đề án phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch “ xanh”. Đồng thời, tập trung nâng cao chất lượng toàn diện về du lịch để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của du khách trong và ngoài nước.

Đỉnh Fansipan một địa điểm hấp dẫn du khách khi đến với du lịch Lào Cai.

Đến năm 2025, Lào Cai phấn đấu đạt 10 triệu lượt khách, trong đó có 1,5 triệu lượt khách nước ngoài; tổng thu từ du lịch ước đạt hơn 44.500 tỷ đồng; thu nhập từ du lịch chiếm từ 15% đến 17% GRDP của tỉnh; toàn tỉnh có 1.400 cơ sở lưu trú với 10.000 buồng khách sạn từ 3 đến 5 sao… Để đạt được điều đó, ngay từ thời điểm này, ngành du lịch Lào Cai đã triển khai nhiều giải pháp, chuẩn bị sẵn sàng bước vào cuộc đua phát triển du lịch trong giai đoạn mới.

Để đạt được mục tiêu này, ngành du lịch Lào Cai đã và đang triển khai những giải pháp đồng bộ liên quan đến phát triển bền vững mang lại bước đột phá cho du lịch Lào Cai. Trong đó, xác định rõ du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, xã hội hóa cao và nội dung văn hóa sâu sắc, có khả năng đóng góp lớn vào phát triển kinh tế, tạo nhiều việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tạo động lực cho các ngành, lĩnh vực khác phát triển, đem lại hiệu quả nhiều mặt về kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị, đối ngoại và quốc phòng, an ninh. Từ đó, bố trí nguồn lực thích hợp từ ngân sách địa phương, lồng ghép các nguồn vốn vay, chương trình mục tiêu về hạ tầng du lịch và các nguồn vốn hợp pháp khác để đầu tư phát triển hạ tầng giao thông..

Đồng thời, rà soát, đánh giá, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của dịch vụ, sản phẩm du lịch đã có. Tiếp tục nghiên cứu, phát triển sản phẩm du lịch mới có sức hút đối với du khách, ưu tiên phát triển sản phẩm du lịch đặc thù, có lợi thế cạnh tranh như sân golf; dù lượn; chợ văn hóa, ẩm thực; công viên văn hóa; tham quan, nghỉ dưỡng núi (Sa Pa, Bắc Hà); chinh phục đỉnh cao (Fansipan, Ky Quan San); tâm linh (quần thể đền Thượng – đền Mẫu, đền Bảo Hà); sắc hoa Lào Cai (phong lan, mận, đào, đỗ quyên…); ruộng bậc thang, chợ phiên; khuyến khích phát triển du lịch cộng đồng theo hướng “Đặc sắc – bền vững – chuyên nghiệp”; sưu tầm, bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa, di tích, danh thắng để phục vụ phát triển du lịch bền vững; ứng dụng công nghệ thông tin trong quảng bá, xúc tiến du lịch…

Tỉnh Lào Cai quyết tâm xây dựng những sản phẩm du lịch mới, du lịch xanh, đặc sắc, chất lượng, mang đặc trưng của Lào Cai để có thể cạnh tranh với thị trường trong nước và quốc tế. Lào Cai đang dẫn đầu du lịch Tây Bắc. Với tiềm năng, thế mạnh của Lào Cai, và việc tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ, sản phẩm, nguồn nhân lực du lịch để thu hút du khách. Trong tương lai gần “ngành công nghiệp không khói” của Lào Cai sẽ ngày càng phát triển, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Ninh Bình phát triển ngành Du lịch đa dạng về loại hình và có chiều sâu

Được thiên nhiên ưu đãi cùng với bề dày lịch sử, văn hóa được trải rộng khắp các vùng, miền đã cho phép Ninh Bình phát triển ngành Du lịch đa dạng về loại hình và có chiều sâu, nền tảng vững chắc, hấp dẫn.

Thời gian qua, Ninh Bình đã thu hút được nhiều nhà đầu tư vào lĩnh vực này. Tiêu biểu là các dự án đầu tư vào các khu, điểm du lịch như: Khu du lịch Tam Cốc – Bích Động, Khu du lịch sinh thái Tràng An, Thung Nham, Hang Múa; các nhà hàng, khách sạn có quy mô lớn… Qua các năm, bức tranh về du lịch Ninh Bình ngày càng rõ nét hơn.

Ninh Bình hiện có 653 cơ sở lưu trú (tăng 54% so với năm 2016), với 7.935 phòng nghỉ (tăng 36% so với năm 2016). Trong đó có 15 khách sạn đạt tiêu chuẩn 3-4 sao. Hiện, ngành Du lịch đang tạo việc làm cho 22.600 lao động, trong đó có 8.600 lao động trực tiếp.

Du khách tham quan danh thắng Tràng An

Số lượt khách du lịch đến tham quan và doanh thu từ ngành Du lịch tăng lên qua các năm. Cụ thể, năm 2015, ngành Du lịch đón 5,99 triệu lượt khách, doanh thu đạt 1.420 tỷ đồng, thì đến năm 2019, lượng khách du lịch đạt 7,65 triệu lượt, doanh thu đạt 3.671 tỷ đồng. Trong 5 năm qua (giai đoạn 2015-2019), lượt khách về Ninh Bình có tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 5,96% và doanh thu du lịch tăng 27,2%.

Để đạt mục tiêu đến năm 2025 du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và đến năm 2030 du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn và chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, theo đó, thời gian tới Ninh Bình tập trung phát triển hạ tầng du lịch đồng bộ, chất lượng.

Ưu tiên bố trí vốn ngân sách Nhà nước hoàn chỉnh hạ tầng du lịch như: Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng Khu du lịch sinh thái Tràng An, Quảng trường Đinh Tiên Hoàng đế, Công viên động vật hoang dã quốc gia, Dự án phát triển du lịch khu vực Cồn Nổi – Kim Sơn, tuyến đường Bái Đính – Kim Sơn, tuyến đường kết nối Tràng An – Bái Đính – Vân Long – Tam Chúc.

Tăng cường thu hút các nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch. Khuyến khích các nhà đầu tư chiến lược đầu tư mở rộng hợp tác kinh tế, liên kết vùng, liên vùng; ưu tiên thu hút phát triển các trung tâm thương mại, mua sắm, siêu thị tổng hợp, khu liên hợp vui chơi, dịch vụ giải trí du lịch quy mô lớn.

Tăng cường công tác bảo tồn và phát huy giá trị tự nhiên, giá trị văn hóa, đặc biệt là giá trị của Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An, các di tích lịch sử – văn hóa, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch gắn với phát triển văn hóa.

Các khu, điểm du lịch chú trọng nâng cao chất lượng các tour, tuyến đã có, nghiên cứu xây dựng thêm các sản phẩm mới, đặc sắc; tăng cường quảng bá, giới thiệu thu hút khách du lịch như: đẩy mạnh các hoạt động văn hóa trong du lịch, Lễ hội Hoa Lư, Lễ hội Tràng An, Lễ hội đền Thái Vy, Tuần Du lịch “Sắc vàng Tam Cốc – Tràng An” để thu hút khách du lịch. Tập trung xúc tiến đầu tư, thu hút các nhà đầu tư chiến lược nhằm tạo ra các sản phẩm du lịch chất lượng cao.

Chú trọng công tác quản lý Nhà nước về du lịch, thông tin và quảng bá du lịch. Đổi mới cách thức, nội dung, tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại. Kết hợp nguồn lực Nhà nước và huy động sự tham gia của toàn xã hội trong hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch.

Tăng cường công tác nghiên cứu thị trường, hợp tác, liên kết phát triển du lịch trong nước và quốc tế. Xây dựng và tổ chức các chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch có trọng tâm, trọng điểm gắn với các sự kiện văn hóa, lễ hội, hội chợ, hội nghị, hội thảo tại các tỉnh, thành phố và quốc tế.

Chú trọng xây dựng hình ảnh, thương hiệu Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An. Hàng năm tổ chức Tuần Du lịch Ninh Bình với chủ đề “Sắc vàng Tam Cốc – Tràng An”… Phấn đấu đến năm 2025, ngành Du lịch Ninh Bình đón từ 8 đến 9 triệu lượt khách du lịch, trong đó khách quốc tế 1,5 triệu lượt khách, khách lưu trú 1,8 triệu lượt; doanh thu du lịch đạt 8.000 tỷ đồng trở lên. Tốc độ tăng GRDP (theo giá so sánh 2010) ngành dịch vụ, du lịch bình quân đạt 8,5%/năm.

An Nhiên

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Các địa phương đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn