Các giải pháp cấp bách quy hoạch thủy lợi miền Trung

Phương Hiền (T/h)|10/09/2019 10:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Nhu cầu sử dụng nước, nhất là nước phục vụ SXNN ngày càng tăng cao, khiến miền Trung phải đối mặt với khủng hoảng thiếu nước vào mùa khô.

Nguồn nước và các hồ thủy lợi cạn kiệt

Toàn vùng miền Trung có 43 lưu vực sông lớn nhỏ, trong đó có 4 lưu vực sông lớn, gồm: Hệ thống sông Mã, sông Cả, sông Vu Gia – Thu Bồn, sông Ba.

Ngoài ra, còn có một số sông khác như: Sông Gianh, sông Nhật Lệ, sông Kiến Giang, sông Hải, sông Thạch Hãn, sông Hương, sông Trà Khúc, sông Kôn, sông Cái Nha Trang, sông Hinh, sông La Ngà.

Trong vùng có tổng lượng dòng chảy nước mặt khoảng 150 tỷ m3/năm, phân bố không đều, thường chỉ tập trung vào mùa mưa gây lũ lụt. Mùa khô thì thiếu nước diện rộng, đặc biệt các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận cực kỳ khan hiếm nước.

Xây dựng đập ngăn mặn trên sông Lại Giang (huyện Hoài Nhơn, Bình Định)

Toàn vùng đã xây dựng được 43 hệ thống công trình thủy lợi lớn nhỏ. Trong đó có 2.400 hồ chứa, đập dâng, phục vụ tưới cho khoảng 1,2 triệu ha lúa và rau màu/năm; cấp, tạo nguồn cho khoảng 40.000ha nuôi trồng thủy sản; cấp, tạo nguồn cho dân sinh, phục vụ công nghiệp khoảng gần 1 tỷ m3/năm.

Tuy nhiên, công tác quản lý khai thác, sử dụng, bảo vệ nguồn nước tại các địa phương còn nhiều bất cập; cơ sở vật chất, kỹ thuật, tài liệu, số liệu điều tra cơ bản về khai thác, sử dụng nước còn thiếu. Thêm vào đó nhân lực quản lý khai thác còn yếu đã dẫn tới mùa khô dòng chảy về hạ lưu thiếu hụt, gia tăng xâm nhập mặn, công trình thủy lợi xuống cấp, khả năng tích trữ nước nước suy giảm.

Bên cạnh đó, tình trạng nắng nóng diện rộng xảy ra liên tiếp, kéo trong những năm gần đây, gần nhất là trong năm 2019 khiến một số vùng ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình nhiệt độ tăng lên trên 40 độ C kéo dài nhiều ngày. Tình trạng này đã khiến dung tích trữ ở nhiều hồ chứa thủy lợi, thủy điện chỉ còn khoảng 20 – 60% dung tích thiết kế, nhiều hồ chứa nhỏ bị cạn nước.

Trong khi đó, miền Trung có tốc độ phát triển kinh tế, đô thị hóa cao, phát triển mạnh các khu công nghiệp, làng nghề, khu kinh tế ven biển. Nhiệt độ nóng lên làm tăng nhu cầu sử dụng nước, đặc biệt đối với nhu cầu nước cho SXNN, chiếm 70 – 75% trong tổng nhu cầu sử dụng nước. Diện tích canh tác biến động, chuyển dịch mạnh về cơ cấu SX, vùng trồng cây chuyên canh, nuôi trồng thủy sản cũng đã tạo sức ép lớn cho các công trình thủy lợi.

“Chúng ta phải cấp tốc hoàn thiện hệ thống tổ chức quản lý bảo đảm đồng bộ, chuyên nghiệp, hoạt động thực sự hiệu lực. Trong đó, tiếp tục củng cố, hoàn thiện hệ thống các cơ quan chuyên môn thực hiện chức năng quản lý nhà nước về thủy lợi; rà soát, sắp xếp các doanh nghiệp khai thác công trình thủy lợi cấp tỉnh, liên tỉnh; thành lập, củng cố, kiện toàn các tổ chức thủy lợi cơ sở phù hợp, phát huy vai trò chủ thể của người sử dụng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi. Có như thế mới cơ bản giải quyết được tình trạng khủng hoảng thiếu nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu”, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh trong hội nghị phát triển kinh tế miền Trung.

Khởi công xây mới hồ Đồng Mít tại xã An Trung (huyện An Lão, Bình Định)

Các giải pháp cấp bách

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, trong giải pháp chung, Bộ NN-PTNT đã có giải pháp quy hoạch thủy lợi bám sát yêu cầu chuyển đổi của tái cấu trúc nền kinh tế; quy hoạch thủy lợi gắn với tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, tái sử dụng nước, tạo nguồn nước, tích trữ…; kết nối nguồn nước bằng đường ống, đưa nước ra vùng ven biển; nghiên cứu giải pháp thủy lợi cấp nước cho vùng thường xuyên xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

Xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển hạ tầng thủy lợi có trọng tâm, trọng điểm theo hướng đồng bộ, hiện đại, áp dụng công nghệ mới. Tiếp tục đầu tư các công trình thủy lợi đảm bảo đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội, công trình gắn với tái cơ cấu kinh tế, phòng, chống giảm nhẹ thiên tai, ổn định đời sống dân cư, xây dựng NTM.

Bộ NN-PTNT cũng đã có giải pháp về một số công trình thủy lợi chính tại các địa phương trong khu vực miền Trung để tăng cường khả năng trữ nước, tạo nguồn, đẩy mặn.

Ví như ở Bình Định đang triển khai xây mới hồ Đồng Mít (huyện An Lão) để giải quyết tưới cho vùng Bắc Bình Định và khu kinh tế Văn Phong; hoàn thiện hệ thống kênh để sử dụng nước hồ Định Bình, đập Vân Phong tưới cho vùng phía Bắc tỉnh Bình Định.

Tuyến kênh đập Đồng Cam ở Phú Yên sẽ được kéo dài để phục vụ nuôi trồng thủy sản ven biển tại cửa Đà Rằng; nâng cấp đập Sông Con, kết nối xây mới hồ Mỹ Lâm cấp nước ven biển phía Nam tỉnh Phú Yên.

Tỉnh Khánh Hòa sẽ nâng cấp hồ Suối Trầu, kênh sau thủy điện Ea Krongrou, xây mới hồ Đồng Điền cấp nước cho phía Bắc tỉnh Khánh Hòa; xây mới và liên kết các hồ Sông Chò 1, suối Cạn, Hồ Mây nhằm phục vụ vùng thiếu nước phía Nam tỉnh Khánh Hòa.

Phương Hiền (T/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Các giải pháp cấp bách quy hoạch thủy lợi miền Trung
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.